Học sinh có cần ngủ trưa không?

Thúy Hằng
Thúy Hằng
01/12/2022 12:45 GMT+7

Giấc ngủ ban đêm rất quan trọng với sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh cũng như tất cả mọi người. Vậy còn giấc ngủ buổi trưa thì sao? Học sinh có cần ngủ trưa không?

Học sinh có cần ngủ trưa không, và nếu ngủ thì bao lâu là hợp lý?

ảnh minh họa ngọc dương

Người ngủ trưa đều đặn, người nói “không”

Mỗi ngày đều đặn đón con tan học buổi trưa lúc 10 giờ 35 phút, chị Nguyễn Kim Chi, phụ huynh bé học lớp 3 Trường tiểu học Lý Nhân Tông, P.9, Q.8, TP.HCM, cho con rửa mặt, chân tay rồi ăn trưa. Sau đó, bé ngủ trưa khoảng gần 2 tiếng, chị đánh thức con dậy, rửa mặt rồi trở lại trường, bé học tới 16 giờ 30.

“Nhà gần trường, vợ chồng tôi kinh doanh nên cũng chủ động thời gian, tôi không đăng ký cho con học bán trú mà về nhà ăn uống, nghỉ ngơi cho tiện. Trẻ con tuổi ăn tuổi lớn, phải ngủ trưa mới có sức học bài”, phụ huynh này cho biết.

Tại Trường mầm non Thành Phố (đường Trần Quốc Thảo, Q.3 , TP.HCM) vào buổi trưa, các bé vừa kết thúc giờ ăn trưa, xếp hàng đánh răng, rửa tay, chuẩn bị vào giờ ngủ trưa

thúy hằng

Còn phụ huynh Nguyễn Thị Mai có con 5 tuổi học tại Trường mầm non Sao Mai, Q.8, TP.HCM, cho biết giờ ngủ trưa ở trường là từ 11-14 giờ. “Theo tôi, trẻ mầm non, ngủ trưa 2-3 giờ là hợp lý. Bác sĩ luôn khuyên các con đi ngủ vào lúc 21 giờ, nhưng nhịp sống ở các đô thị bây giờ cha mẹ bận rộn, cha mẹ đi ngủ trễ, các con cũng bị trễ theo, nên cần ngủ bổ sung trong giờ trưa”, chị Mai nói.

Trong khi đó, vào lúc 11 giờ 55, khoảng 800 học sinh bán trú tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, Q.4 phải ổn định trật tự trong các khu vực ngủ trưa dành riêng cho học sinh bán trú. Học sinh nam và nữ được phân ra ở khu riêng.

Một giáo viên tại trường cho biết giờ ngủ trưa của học sinh bán trú là từ 12-13 giờ 30, rồi bắt đầu giờ học buổi chiều. Mỗi phòng ngủ trưa đều có 2 giám thị quản lý.

Học sinh bán trú ở Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ được điểm danh bằng app trên điện thoại thông minh. Trước giờ vào ngủ, giám thị sẽ điểm danh, học sinh nào vắng mặt cũng sẽ được thông báo đồng thời tới giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh học sinh để xác nhận học sinh ngày hôm đó nghỉ học có phép hay vẫn đi học nhưng không vào ngủ trưa, từ đó quản lý học sinh rất chặt chẽ.

Nhiều học sinh thiếu ngủ vì áp lực học tập, thi cử căng thẳng

ngọc dương

"Học sinh càng cuối cấp áp lực ôn tập, thi cử càng nhiều. Buổi tối con đi ngủ muộn, nên ngủ thêm được chút nào buổi trưa thì tốt hơn chút đó", phụ huynh có con học bán trú tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ cho hay.

Tuy nhiên, ngủ trưa không phải là thói quen của nhiều học sinh không học bán trú Trường THCS Ba Đình, đường Phan Văn Trị, Q.5, TP.HCM. Nữ sinh tên Thu Hiền, học lớp 8, cho biết cha mẹ đều làm việc khá xa nên buổi trưa em thường mua đồ ăn, ngồi ăn với các bạn ngoài trường rồi ngồi đây nghỉ ngơi, tới 13 giờ thì vào lớp học tiếp buổi chiều, chứ không ngủ trưa.

Theo quan sát của PV Thanh Niên căn tin của Trường THPT Nguyễn Thị Diệu, Q.3, TP.HCM, một buổi trưa có khá đông học sinh đến mua đồ ăn và nước uống.

Học sinh tên Th. cho biết em thường không ngủ trưa, ăn xong thì ngồi nói chuyện với bạn một chút rồi ôn bài, ngày nào mệt quá thì nằm gục xuống bàn nghỉ một chút. “Nếu ngủ trưa chỉ 15, 20 phút thì dậy còn mệt hơn, nên tụi em ngồi nghỉ chút rồi học. Những ngày nào cuối tuần, hoặc thi xong ít bài hơn thì em ngủ trưa một lúc vài tiếng hẳn cho “đã”, nữ sinh Trường THPT Nguyễn Thị Diệu nói.

Poll TNO
Học sinh ngủ trưa

Học sinh ở các nước có ngủ trưa không?

Nữ sinh Phan Trúc Anh (đang học tại Trường THPT Trần Văn Giàu, Q.Bình Thạnh) từng học phổ thông trong trường công lập tại Nhật Bản, cho biết ở Nhật Bản hay Hàn Quốc hoặc các nước châu Âu, giờ đi học, đi làm đều từ khoảng 8 giờ 30 hoặc 9 giờ.

Do đó, học sinh không cần ngủ trưa, sau giờ ăn trưa sẽ ngồi nghỉ một chút, ra sân chơi rồi lại học tiếp. Tuy nhiên, học sinh có thể được ra về sớm, từ hơn 15 giờ có thể được ra về, theo Trúc Anh.

Một số học sinh Trường THCS Ba Đình, Q.5 không ngủ trưa mà ăn trưa và ngồi nghỉ ở hàng quán bên ngoài trường

thúy hằng

Theo nghiên cứu của Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA), người có ngủ trưa thì đến buổi chiều có hiệu suất làm việc, học tập và mức tỉnh táo cao hơn từ 30-50% so với người không ngủ trưa.

Một bác sĩ tại TP.HCM cho biết theo khuyến cáo quốc tế thì trẻ từ 5 tuổi đã có thể hạn chế giấc ngủ trưa như người lớn, tức là trẻ trong tuổi tiểu học đã không cần ngủ trưa, chỉ chú trọng giấc ngủ buổi tối.

Tuy nhiên, Việt Nam và nhiều quốc gia có nền nông nghiệp lúa nước, do ảnh hưởng của khí hậu, thời tiết, nhịp sống, văn hóa nên người dân thường bắt đầu một ngày làm việc từ sáng sớm để tới trưa nắng đều có thể ngủ trưa, nghỉ ngơi, theo bác sĩ.

Bác sĩ này đồng thời lưu ý, ở nước ngoài hoặc một số trường quốc tế tại Việt Nam thì giờ học bắt đầu trễ hơn, từ 9 giờ sáng nên học sinh có thể nghỉ trưa ít hơn, chỉ ngủ trưa khoảng 30 phút rồi bắt đầu giờ học buổi chiều. Nhưng bù lại, buổi tối trẻ cần ngủ nhiều hơn, để đảm bảo đủ thời lượng ngủ mỗi ngày như khuyến cáo với từng lứa tuổi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.