Học sinh lớp 1 đi học thêm: Mong sớm dẹp bỏ được tình trạng này!

Nguyễn Loan
Nguyễn Loan
12/12/2020 11:39 GMT+7

Phản ánh trong bài viết Lớp 1 cũng phải đi học thêm của Báo Thanh Niên , bạn đọc cho rằng việc dạy thêm ở bậc tiểu học bị cấm cũng như không, nhiều giáo viên vẫn mở lớp vào buổi tối dạy chính học trò mình.

Tại sao không dẹp được các lớp học thêm?

Trong bài viết Lớp 1 cũng phải đi học thêm, Báo Thanh Niên đã phản ánh tình trạng không ít giáo viên tiểu học các trường công lập mở các lớp dạy thêm học thêm vào buổi tối ở gần trường, học sinh của họ không ai khác chính là học sinh trong lớp họ dạy ở trường. Nhiều phụ huynh cho biết họ cho con đi học thêm với giáo viên chủ nhiệm một phần vì giáo viên thường xuyên chê con viết chậm, làm toán kém, học không tập trung... Một số người thì sợ con bị thua thiệt, giáo viên đối xử phân biệt nếu không tham gia những lớp học thêm này.
Trước những thông tin này, nhiều bạn đọc của báo cho rằng tình trạng học thêm dạy thêm đã tồn tại nhiều năm nay. Hiện Bộ GD-ĐT đã ra Thông tư 17/2012 cấm tổ chức dạy thêm học thêm đối với học sinh trong và ngoài trường đối với học sinh bậc tiểu học nhưng vì vấn đề quản lý lỏng lẻo nên cấm cũng như không.
Bạn đọc Nguyễn Bích viết: "Cám ơn Báo Thanh Niên đã đăng bài rất thiết thực vấn đề dạy thêm ở lớp 1. Mong rằng vấn đề này nhà nước mình sớm dẹp bỏ chứ dạy thêm tôi thấy hầu như tất cả các địa phương nơi nào cũng có... Quy định thì có hết rồi, nhưng ai đi kiểm tra mấy trung tâm dạy thêm học thêm, hay lớp học của các giáo viên mở ra có làm đúng quy định không mới là vấn đề lớn".
Còn bạn đọc Ken-man thì cho rằng: "Đây là một vấn nạn rất nghiêm trọng của ngành giáo dục. Trước đây Bộ và Sở GD-ĐT làm nghiêm nên chuyện học thêm của tiểu học hầu như không có. Nhưng dạo này rất rầm rộ và công khai. Vào đầu năm học em nào cũng bị chê chậm, yếu. Cha mẹ lo sợ nên cho con đi học thêm, ở chính nhà cô. Con đã học cả ngày rất mệt mỏi rồi mà vẫn phải cày thêm 2 tiếng sau giờ tan trường nữa. Cần phải chấm dứt chuyện này".
Nhiều bạn đọc thì cho biết đồng cảm với các câu chuyện trong bài viết vì họ cũng gặp những trường hợp tương tự, bạn Trần Anh Nhã cho rằng quản lý việc học thêm dễ thôi, nếu giáo viên nào dạy thêm đã xử lý 2 lần mà vẫn tiếp tục dạy thêm thì điều chuyển đi trường khác, nếu vẫn còn tiếp tục vi phạm thì buộc thôi việc. Nếu làm được nghiêm như vậy thì chắc chắn không giám viên nào dám mở lớp dạy thêm ngoài trường.
Kể lại chính câu chuyện của mình, bạn đọc Phương Vương lý giải: "Tình trạng dạy thêm và học thêm có nhiều nguyên nhân, tôi xin đúc kết một số nguyên nhân như sau: Với lớp 1, do bộ sách giáo khoa mới có nhiều vấn đề không đạt chuẩn, từ đó gây ra khó khăn cho học sinh, các em cần có thời gian để tiếp thu bài học. Việc đọc rành rọt mặt chữ không hề dễ dàng với các cháu. Để con em mình theo kịp chương trình học thì buộc phụ huynh phải nhờ đến chính cô chủ nhiệm của lớp con mình học... Nếu thật sự muốn cấm dạy thêm, trưởng phòng giáo dục các quận huyện, giám đốc sở cần cho phụ huynh biết hotline và email để phụ huynh có thể phản ánh giáo viên dạy thêm. Ai bị tố cáo mà có bằng chứng thì bị đình chỉ công tác. Lúc ấy việc dạy thêm sẽ khó tồn tại được".

Học thêm để giải quyết vấn đề cho giáo viên?

Nhiều người cũng cho rằng học thêm không phải giải quyết vấn đề của học sinh, mà là giải quyết vấn đề của giáo viên, phụ huynh.
Chị Tươi Nguyễn (Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho biết: "Con mình năm ngoái học ở Gò Vấp cũng vậy, cô suốt ngày phàn nàn bé chậm, không tập trung, mới vào đầu năm học, các bé tính toán dùng ngón tay thì về nhà các bé nói "cô nói bạn nào mà tính bằng tay là đầu to mà óc như trái nho", giáo viên giờ mỗi người mỗi kiểu. Học thêm cũng chỉ là làm bài tập toán, tập viết chính tả, nội dung không khác gì nhiều chương trình ở lớp, bắt các con đi học như vậy là áp lực, thiệt thòi cho học sinh".
"Tại sao giáo viên không dạy hết chương trình trên lớp, nếu học sinh đã học 2 buổi/ngày thì theo tôi không cần phải đi học thêm nữa. Việc cô giáo bóng gió, mở lớp dạy thêm ở nhà chẳng qua là để có thêm thu nhập chứ không phải vì học sinh mà dạy. Học sinh học thêm cũng không phải vì bản thân mình và vì giáo viên, phụ huynh thúc ép", một bạn đọc khác bình luận.

Giáo viên dạy gì ở lớp học thêm? 

Theo cô M.K, giáo viên một trường công lập ở TP.HCM, không chỉ giáo viên khối 1 mà hầu hết các khối khác bậc tiểu học đều có người dạy thêm, nội dung giảng dạy chủ yếu là họ kèm cặp, ôn tập lại kiến thức trên lớp cho học sinh - phần học đáng ra được dạy trong giờ chính khóa. Giáo viên cũng ra thêm bài tập để các em làm tại lớp của mình như viết chính tả, làm bài tập toán, tập đọc… “Nếu giáo viên có trách nhiệm, dạy hết nội dung chương trình ở trên lớp thì theo tôi học sinh không cần phải học thêm làm gì, chỉ tội các em thêm áp lực, căng thẳng sau khi đã học cả ngày ở trường, nếu nhồi nhét thêm 1-2 tiếng chẳng giúp các em học khá hơn. Phần học thêm chẳng qua giúp các em rèn luyện thêm các kỹ năng, trừ những em học yếu mới cần phụ đạo”, cô M.K nói.
Có con tham gia một lớp học thêm của cô giáo chủ nhiệm, chị N.T.Q (Q.Gò Vấp, TP.HCM) đưa ra những cuốn tập viết, tài liệu cô giáo dạy con ở lớp học thêm. Con chị hiện học lớp 1 và nội dung học thêm chủ yếu tập trung vào việc học viết chính tả, làm toán, tập đọc.
“Cô không dạy bài học mới theo chương trình sách giáo khoa trên trường mà có giáo án dạy riêng. Trong đó môn tiếng Việt chủ yếu tập trung vào viết chính tả, môn toán thì có sách bài tập riêng và giáo viên thường phát thêm bài tập qua tờ giấy A4 về nhà cho học sinh làm”, chị T.Q chia sẻ.
Mỗi ngày, dù đã được học 2 buổi/ngày nhưng con chị N.T.Q vẫn đi học thêm 3 buổi/tuần từ 17 giờ - 18 giờ 30 ở nhà cô giáo chủ nhiệm. Lý do chị T.Q cho con đi học thêm là vì trong lớp nhiều em đăng ký học theo cô,...

Những trường hợp cấm dạy thêm

Điều 4, Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT ban hành năm 2012 quy định các trường hợp không được dạy thêm, học thêm gồm:
1. Không dạy thêm đối với HS đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
2. Không dạy thêm đối với HS tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
3. Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.
4. Đối với GV đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:
a. Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
b. Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với HS mà GV đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý GV đó. 
  
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.