Ba mẹ cùng đồng hành với con |
ĐÀO NGỌC THẠCH |
Một số phụ huynh thường cho con học sớm chương trình lớp 1 để con bớt bỡ ngỡ. Điều này nghe có vẻ hợp lý nhưng về bản chất việc học sớm không giúp con có sự chuẩn bị tinh thần tốt nhất mà còn có thể khiến con bị áp lực và nảy sinh tâm lý sợ và chán học khi vào học chính thức.
Trong khi đó, một số phụ huynh quyết định không cho con học trước chương trình nhưng cũng có thể làm nhiều trẻ bị chới với.
Như vậy, phụ huynh nên chuẩn bị như thế nào để con kịp bắt nhịp mà không bị sốc?
Trước tiên, phụ huynh nên lưu ý về chương trình tiểu học và tiến trình phát triển tư duy, tâm lý lứa tuổi của trẻ tiền tiểu học.
Trong chương trình tiểu học, trẻ sẽ làm việc có tư duy với các ký hiệu như chữ viết, chữ số xa lạ. Để làm việc mang tính tư duy một cách hiệu quả, các con cần một bước chuyển trung gian từ các kinh nghiệm giác quan và vận động cơ thể sang những khái niệm khoa học.
Chẳng hạn, với tiếng Việt, con lắng nghe và phân tích lời ăn tiếng nói hàng ngày để khám phá ra tiếng, thanh, phần đầu, phần vần, nguyên âm, phụ âm trước khi tìm cách ghi lại âm thanh mình nghe được. Đây là quá trình khám phá cấu trúc ngữ âm của tiếng trước khi học viết chữ.
Khi học viết chữ, con học cách quan sát và phân tích kích thước và cấu tạo của chữ gồm những nét nào, nét nào trước, nét nào sau để tư duy cách viết chứ không “viết vẹt” mỏi tay với chồng vở tập tô.
Còn với môn toán, từ những nhóm đồ dùng rải rác trong tự nhiên, con khám phá khái niệm “số tự nhiên”, tìm cách sắp xếp chúng theo thứ tự, dùng tay gộp kẹo hay lấy bánh để hiểu bản chất các phép toán cộng, trừ mà không cần cố ghi nhớ.
Trong toàn bộ quá trình này, trẻ cần được hướng dẫn từng bước từ các thao tác tay sang sơ đồ hóa vì tư duy trực quan sơ đồ chính là loại tư duy mới, được hình thành ở độ tuổi mẫu giáo lớn và là bước chuyển trung gian từ trí khôn cảm giác vận động sang tư duy logic bằng ngôn ngữ và ký hiệu. Đây là quá trình học tập phù hợp với tiến trình phát triển tư duy và tâm lý lứa tuổi của trẻ tiền tiểu học.
Như vậy, nếu trang bị các khái niệm nền tảng trên đúng cách, con sẽ học 1 biết 10, dễ dàng vận dụng các kỹ năng đọc viết, tính toán ở chương trình lớp 1, cũng như có cách tư duy để tự học trong suốt những năm học phổ thông.
Nếu thiếu đi giai đoạn này, con dễ bị sốc khi tiếp xúc với các khái niệm mới. Con cố nhớ nhưng không hiểu khái niệm, khó khăn khi ứng dụng, dẫn đến học vẹt hay tình trạng học trước quên sau. Đau lòng hơn khi con trở nên tự ti, khép mình lại vì bị hiểu nhầm là học chậm, học dở, kém thông minh.
Chuyên gia giáo dục Nguyễn Thùy Liên trò chuyện cùng trẻ trước khi vào lớp 1 |
L.N |
Hãy lắng nghe và ôm con nhé!
Trong những ngày này, lắng nghe là điều phụ huynh cần làm đầu tiên và thường xuyên với con. Dù con bị sốc vì gặp bài học khó, hay buồn vì không được cô gọi phát biểu, hay cảm thấy bỡ ngỡ vì xung quanh toàn bạn mới, được ba mẹ ôm ấp, khơi gợi và lắng nghe, con sẽ nói ra hết cảm xúc và suy nghĩ của mình và dần bình tĩnh trở lại.
Khi con bình tĩnh trở lại, con sẽ tìm được cách thích nghi và ba mẹ cũng dễ dàng bổ túc cho con những gì còn thiếu sót. Nếu không có sự thấu hiểu và cách tiếp cận khéo léo, sợi dây kết nối giữa con và ba mẹ có thể bị cắt đứt từ đây.
Sự thấu hiểu và kết nối với con sẽ giúp con giảm áp lực và hóa giải những khó khăn của sốc văn hóa hay những thay đổi đột ngột của tâm lý lứa tuổi.
Ngay thời gian này, khi các con mới bước vào giai đoạn học tập, mở đầu cho 12 năm học phổ thông, phụ huynh cần hiểu rõ mục tiêu đào tạo và kết quả đầu ra cho việc học của con, từ đó quản lý kỳ vọng của mình.
Phụ huynh nên biết cách tư duy để “gỡ khó" cho con khi học viết chữ, đánh vần và làm toán, biết rõ vai trò của mình trong việc phối hợp với nhà trường và các đặc thù của nghiệp vụ sư phạm, từ đó có vị thế giao tiếp và phối hợp phù hợp với nhà trường và giáo viên của con.
Quan trọng hơn hết, để thực sự cùng con chống "sốc" khi vào lớp 1 thì ba mẹ cần thấu hiểu bản thân mình để kịp thời “thức tỉnh” mỗi khi nhân danh yêu thương con nhằm thỏa mãn nhu cầu “hơn con nhà người ta" của chính mình.
Bình luận (0)