Học sinh tham gia thi khoa học kỹ thuật nhưng 'về nhà bóng đèn không dám thay!'

Bích Thanh
Bích Thanh
29/12/2022 18:31 GMT+7

Hàng loạt ý kiến của giáo viên, phụ huynh học sinh đã bày tỏ quan điểm về thực trạng học sinh phổ thông nghiên cứu khoa học, thực hiện đề tài tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) ở bậc trung học.

Học sinh tìm hiểu về các ứng dụng khoa học

BÍCH THANH

Ngày 29.12, Báo Thanh Niên có bài viết về thực trạng nghiên cứu khoa học, nhấn mạnh đến những nghịch lý việc học sinh tham gia cuộc thi KHKT. Từ đó cho thấy cuộc thi này vừa thiếu thực tiễn vừa “bệnh” thành tích.

"Gắn" học sinh vào đề tài giáo viên chọn

Một thạc sĩ sinh học phụ trách công tác học sinh nghiên cứu khoa học tại một trường THPT ở TP.Thủ Đức cho biết quy trình triển khai nghiên cứu đề tài KHKT ở một số trường hiện nay là giáo viên tìm học sinh rồi “gắn” các em vào đề tài. Những học sinh được chọn phải có khả năng thuyết trình, tiếng Anh. Các trường chuẩn bị sẵn để nếu đề tài đạt giải cao được dự thi quốc tế thì phải có người thuyết trình bằng tiếng Anh. Khi các đề tài được vào vòng chung kết thì giáo viên sẽ "gạo bài" cho học sinh bài báo cáo, câu hỏi và cách trả lời…

“Thậm chí một số trường hợp giáo viên hướng dẫn có quan hệ với giám khảo nên công tác chấm thi chưa thật sự khách quan và công bằng. Hầu hết các đề tài, dự án nghiên cứu sau mỗi cuộc thi đều không có tính thực tiễn nên không thấy vận dụng vào trong cuộc sống như lý do các đề tài nghiên cứu đưa ra. Đây là một vấn đề mà chúng ta cần xem xét”, giáo viên trên nói.

Ngoài ra, nguyên hiệu phó một trường THPT tại TP.Thủ Đức khẳng định, sở dĩ nhiều ý kiến cho rằng cuộc thi KHKT đang biến tướng bởi học sinh đạt kết quả trong cuộc thi cấp quốc gia cũng hưởng chính sách ưu tiên như học sinh giỏi quốc gia.

"Học sinh giỏi quốc gia phải tập trung 'bù đầu' vào ôn luyện kiến thức và đi thi có người giám sát. Còn cuộc thi nghiên cứu KHKT thì không có những cơ chế này, không ai giám sát nên không biết học sinh có thật sự làm hay không?", nguyên hiệu phó này nói.

Còn ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), cho biết: “Từng có học trò mà cha là giảng viên một trường ĐH có tiếng đã từng tham gia làm sản phẩm cho con mình đi thi. Các em chưa đủ năng lực thật sự nhưng trợ giúp đằng sau các em là những chuyên gia có kinh nghiệm”.

Học sinh giới thiệu sản phẩm trong một cuộc thi KHKT

T.H

"Dung túng cho giả tạo trong nghiên cứu khoa học"

Từ những thực tế nói trên, bạn đọc có địa chỉ email pttien1106@...thẳng thắn nói: “Người lớn làm hư trẻ nhỏ ngay trong cách mình làm thì làm sao giáo dục. Chúng ta đang dung túng cho thói giả tạo trong nghiên cứu khoa học. Điều này đi ngược với triết lý của khoa học là dựa trên tính chân thực”.

Còn bạn đọc Trần Văn Khanh thì gửi nhận xét đến Báo Thanh Niên rằng nên coi đây là cuộc thi ý tưởng hay nhất, có thể áp dụng thực tiễn thì đúng hơn. "Còn với giáo viên cũng nên có giờ bắt buộc nghiên cứu khoa học để hiểu, nắm bắt bản chất của hoạt động giáo dục này. Tuy nhiên, giáo viên còn phải dành thời gian soạn giáo án, các công việc liên quan khác... Thêm vào đó chưa tính đến việc thu nhập của giáo viên còn thấp so với vật giá hiện tại. Chính vì thế, hoạt động này chưa đi đúng bản chất và còn mang tính hình thức nhiều là vậy", bạn đọc Văn Khanh nhận định.

Trong khi đó, một phụ huynh học sinh có địa chỉ email cocothietphien@... thì nhận định: “Nghiên cứu cho dữ vô, về nhà có cái bóng đèn hay cái vòi nước cũng không dám thay”.

Bí thư Thành ủy TP.HCM: "Một nền giáo dục có thực chất mới tạo ra xã hội thực chất"

Trong năm học này, khi triển khai nhiệm vụ năm học mới, Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Nguyễn Văn Nên đã phát biểu: “Thành phố luôn xem giáo dục là hoạt động rất quan trọng, tác động trong mối liên hệ căn cốt đến tất cả lĩnh vực xây dựng và bảo vệ thành phố. Một nền giáo dục có thực chất mới tạo ra xã hội thực chất. Muốn xã hội phát triển toàn diện, bền vững cần có nền giáo dục phát triển toàn diện, bền vững”.

Bí thư Thành ủy TP.HCM đề nghị trong năm học mới, các thầy cô giáo nghĩ cách tiếp cận để dạy học sinh có môi trường sống trung thực. Môi trường này bắt đầu từ thái độ, nhân cách, gương mẫu ở từng cấp, của người lớn.

Ông Nên cũng đề nghị ngành giáo dục không chạy theo thành tích ảo, có thành tích bao nhiêu thì báo bấy nhiêu và yêu cầu phải nói thật, làm thật, chấm điểm thật, có tiêu chí thật, có thước đo thành tích cho từng cấp, từng lớp, từng môn… để hạn chế giả dối. Chọn trung thực xứng đáng, đúng nghĩa theo sự cống hiến, nỗ lực, sáng tạo của thầy và trò.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.