Học sinh TP.HCM đi học lại, bắt đầu thí điểm mở lớp bán trú

Nguyễn Loan
Nguyễn Loan
17/12/2021 11:21 GMT+7

Sau 5 ngày học sinh TP.HCM đi học trở lại, dù đã xuất hiện F0 nhưng các trường vẫn bình tĩnh xử lý và có trường bắt đầu thí điểm mở lớp bán trú.

Ăn, ngủ và nghỉ trưa tại trường

Trường THCS Nguyễn Du (Q.Gò Vấp, TP.HCM) bắt đầu thí điểm tổ chức lớp bán trú cho học sinh khối lớp 9 từ 16.12. Các em không chỉ được đến trường học tập, còn có thể ăn, ngủ và nghỉ trưa tại trường.

Chia sẻ về việc mở lớp bán trú trong thời điểm này, cô Trương Thị Đẹp, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, cho biết nhiều học sinh đi học lại trong khi cha mẹ vẫn phải đi làm nên nhu cầu bán trú rất cao. Do đó, trường đã mở lớp bán trú cho học sinh và có khoảng 300/590 học sinh lớp 9 đăng ký, theo cô Đẹp.

“Việc thực hiện bán trú thời điểm này là rất khó khăn nhưng khi nhìn thấy nhiều học sinh buổi trưa không có người đón, lang thang ngồi ở sân trường chờ đến chiều để học tiếp, tôi rất thương nên nhà trường cố gắng mở bán trú. Em nào có nhu cầu thì đăng ký”, cô Đẹp chia sẻ.

Học sinh đi học lại, các trường cần bình tĩnh xử lý nếu có F0 trong trường học

NGUYỄN LOAn

Để thực hiện được lớp bán trú đảm bảo quy tắc phòng chống dịch, cô Đẹp cho biết, học sinh sẽ học chung cả lớp nhưng đến giờ ăn thì phải cởi khẩu trang ra nên mỗi lớp đều được tách đôi để giữ khoảng cách, học sinh cũng có khay ăn và ly uống nước riêng. Còn giờ ngủ, thay vì ngủ chung như trước đây thì các em cũng tách đôi, mỗi lớp ngủ ở hai phòng, theo cô Đẹp.

Lãnh đạo Sở Y tế nhắn nhủ học sinh ngày quay lại trường giữa dịch Covid-19

Học gì trong 2 tuần thí điểm?

Về chương trình học, cô Đẹp cho biết trong ngày đầu tiên học sinh trở lại trường (13.12), nhà trường đã dành một ngày để hướng dẫn, giáo dục các kỹ năng thích ứng an toàn với dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, trong 2 tuần đầu tiên, giáo viên các bộ môn sẽ kiểm tra kiến thức để nắm tình hình học tập của học sinh sau thời gian dài học trực tuyến, đồng thời ôn tập những phần kiến thức mà các em chưa nắm vững.

Sau 4 ngày đi học, theo cô Đẹp, Trường THCS Nguyễn Du chỉ ghi nhận vài em nghỉ học do trở thành F1 vì có người thân mắc Covid-19, còn lại mọi hoạt động đều ổn định.

Tại Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5, TP.HCM), Hiệu phó Ngô Hùng Cường cho biết có 657 học sinh khối 12 trở lại trường, còn 22 học sinh không đến vì phụ huynh chưa đồng ý cho đi học và nhiều em khác đang cách ly.

Trong hai tuần đầu, các trường như Trường THPT Trần Khai Nguyên chủ yếu ổn định tinh thần để học sinh tự tin khi đến trường, ôn tập và tiếp tục thực hiện chương trình học kỳ 1. Mỗi trường được dạy tối đa 24 tiết/tuần (theo cấp độ dịch của thành phố) nên hầu hết vẫn dạy song song hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.

“Học sinh khối 12 có ý thức học rất cao để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới nên tỷ lệ đi học cũng cao. Tuy nhiên, chúng tôi cố gắng làm tốt nhất có thể để tạo niềm tin cho phụ huynh các khối lớp khác, nếu được đi học thì học sinh và phụ huynh yên tâm hơn”, thầy Cường nói.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT, tỷ lệ học sinh trở lại trường ở TP.HCM rất cao

NGUYỄN LOAN

Bình tĩnh xử lý F0 trong trường học

Học sinh lớp 9 và lớp 12 ở TP.HCM đã đi học lại được 5 ngày, nhưng nhiều phụ huynh vẫn còn lo ngại về nguy cơ có ca mắc Covid-19 trong trường học. Tuy nhiên, để mở cửa đón học sinh, các trường đã chuẩn bị kỹ từng bước cũng như diễn tập cách xử lý để thích ứng với tình hình mới.

Theo thông tin tại buổi họp báo chiều 16.12 của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP.HCM, sau 4 ngày học sinh đi học trở lại đã có trường hợp học sinh F0 được phát hiện trong trường học.

Tuy nhiên, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở GD-ĐT TP.HCM, khẳng định những trường hợp này có trong tình huống dự báo mà các trường đã xây dựng trong kịch bản tổ chức học trực tiếp.

Bên cạnh đó, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, lưu ý: "Khi có ca F0, các trường phải bình tĩnh, không hoang mang. Bất cứ lúc nào cũng có thể liên hệ với Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), Sở Y tế để trao đổi".

Về phía phụ huynh, thời gian này cần phối hợp tốt với nhà trường, giáo viên chủ nhiệm để giáo dục học sinh ý thức phòng chống dịch, thường xuyên thông báo tình hình sức khỏe của học sinh và gia đình đến nhà trường để đảm bảo an toàn nhất cho các em, theo ông Thượng.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT, lưu ý khi xuất hiện F0, F1, nhà trường thực hiện theo quy định của ngành y tế, không gây hoang mang, lớp có ca nghi nhiễm, nhà trường sẽ chuyển sang dạy và học trên internet.

"Trong thời gian này, các trường tập trung vào an toàn là chính, không đặt nặng vấn đề kiến thức. Giáo viên dạy trên lớp, quan sát và xử lý các tình huống, không gây hoang mang nếu có những ca nghi nhiễm", ông Hiếu nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.