Các học sinh, trong vai trò giả định là đại diện cho chính thể các quốc gia cùng trao đổi đi đến thống nhất nhiều vấn đề "nóng"
BẢO LÂN
Cuối tháng 7 vừa qua, hội nghị mô phỏng Liên Hiệp Quốc (MUN) do CLB TOMUN thực hiện tại một trường quốc tế tại Q.7, TP.HCM thu hút hàng trăm học sinh, phụ huynh tham gia.
TOMUN (hội nghị mô phỏng Liên Hiệp Quốc của học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa mở rộng) được thành lập bởi các học sinh lớp chuyên Anh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM từ năm 2020. Tới nay các thành viên của CLB này còn là học sinh đến từ nhiều trường THPT khác của TP.HCM như chuyên Lê Hồng Phong, Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), Nguyễn Thượng Hiền…, các trường quốc tế và nhiều trường học ở các tỉnh thành lân cận.
Bàn luận về những vấn đề được thế giới quan tâm
Tại MUN diễn ra hồi cuối tháng 7.2024, các đại biểu, trong vai trò giả định là đại diện cho chính thể các quốc gia như Pháp, Mỹ, Úc, Trung Quốc, Ukraine, Nga, Thái Lan, Việt Nam… đã cùng trao đổi, bàn luận, đi đến thống nhất nhiều vấn đề "nóng", đang được thế giới quan tâm. Đáng chú ý, gần như toàn bộ học sinh đều sử dụng tiếng Anh trong tất cả các phiên trao đổi, thảo luận, tranh biện… tại MUN, chỉ có một hội đồng sử dụng tiếng Việt.
Như tại phòng họp mô phỏng Liên đoàn Hội đồng nghệ thuật và cơ quan văn hóa quốc tế (IFACCA) các đại biểu cùng thảo luận về các chủ đề như "Đền bù và khôi phục các di sản văn hóa cùng các di tích lịch sử bị tàn phá bởi chiến tranh"; "Hợp tác quốc tế trong việc thúc đẩy giao thao văn hóa dưới các tác động của trí tuệ nhân tạo".
Tại phòng họp mô phỏng Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO), các học sinh giả định là chính thể các quốc gia trao đổi về "Giải quyết rủi ro khủng hoảng nợ nần và những khó khăn tài chính của các quốc gia đang phát triển" hay "Phát triển chiến lược đa dạng hóa kinh tế cho các nước đang phát triển phụ thuộc vào hàng hóa"…
Như những nhà ngoại giao chuyên nghiệp
Tiến sĩ Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên lịch sử Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, giáo viên phụ trách TOMUN, cũng là người theo dõi, đồng hành cùng CLB TOMUN từ những ngày đầu cho biết cảm xúc trong cô rất tự hào khi cuối tháng 7.2024 vừa qua được có mặt trong 3 ngày làm việc của hội nghị TOMUN 2024 tổ chức thành công tại TP.HCM.
"Các em học sinh đã đảm nhiệm tất cả các khâu trong một hội nghị chuyên nghiệp. Các đại biểu tham gia đến từ nhiều trường THCS, THPT tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành - trong vai trò giả định là đại diện của từng quốc gia cho thấy khả năng sử dụng tiếng Anh vô cùng trôi chảy, mượt mà. Nhiều em có sự am hiểu sâu sắc tình hình quốc tế, phong thái tự tin, điềm đạm, đĩnh đạc khi trình bày những vấn đề thế giới, như một nhà ngoại giao", tiến sĩ Thảo nhận xét.
Các học sinh như những nhà ngoại giao chuyên nghiệp
BẢO LÂN
Những thành viên xuất sắc của TOMUN
Võ Nguyễn Trà Giang, cựu học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, đang là sinh viên ngành chính sách công và chính sách chính phủ, ĐH Franklin & Marshall, Mỹ là chủ nhiệm đầu tiên tổ chức hội nghị MUN - TOMUN 2022. Nữ học sinh bản lĩnh này là người đã "chinh chiến" MUN khắp nơi rồi về xây dựng TOMUN. Giang nhiều lần làm chủ tọa của MUN, Khoa Quan hệ quốc tế, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM).
Chủ tọa của TOMUN 2024 là Hồ Huy Hoàng, năm học tới sẽ học lớp 12 chuyên Anh, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Huy Hoàng có điểm IELTS 8.5, điểm SAT 1.500. Đây là năm thứ 3 Huy Hoàng tham gia TOMUN.
Với vai trò là chủ tọa, Huy Hoàng có nhiệm vụ điều phối và đảm bảo chất lượng của cuộc họp để các đại biểu trong hội đồng có thể có trải nghiệm tốt và công bằng nhất có thể. Từ thủ tục tranh luận đến quy tắc ứng xử, chủ tọa chính là người có nghĩa vụ giúp đỡ các đại biểu và hướng dẫn họ để họ có thể làm thật tốt vai trò của mình, bảo vệ lợi ích quốc gia mà họ đại diện. "Đây là nơi những bạn trẻ có niềm đam mê với vấn đề ngoại giao hội tụ, cùng nhau bàn về những vấn đề liên quan đến quan hệ quốc tế và chính trị thế giới", học sinh xuất sắc này cho biết.
Theo Huy Hoàng, việc thú vị nhất của một chủ tọa trong một hội nghị MUN là việc đọc và đánh giá những bản tham luận đại biểu mà các đại biểu tham dự viết. Bản tham luận đại biểu được dùng để thể hiện lập trường của quốc gia họ, chia sẻ những ý tưởng và chính sách của quốc gia ấy để giải quyết những vấn đề được đề cập đến trong hội đồng.
"Riêng hội đồng của tôi có gần 20 đại biểu, tôi phải thức đến 2 giờ sáng để có thể hoàn thành việc đánh giá những bài viết ấy. Cảm xúc của tôi thật là khó tả vì thông qua những bài viết, tôi thấy các bạn đại biểu có sự hiểu biết sâu sắc về các vấn đề xảy ra trên toàn cầu. Đây thật sự là sân chơi để các bạn trẻ trau dồi kiến thức để trở thành công dân toàn cầu và hội nhập thế giới", Huy Hoàng nói.
Làm sao để cân bằng giữa việc học tập và tham gia các dự án cần sự đầu tư lớn về tìm hiểu tài liệu, kiến thức, chuẩn bị như MUN? Trần Lê Khánh Ngọc, học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, hiện đang là Phó chủ nhiệm và đồng trưởng ban tổ chức MUN 2024, cho hay các học sinh trong ban chủ nhiệm luôn cố gắng sắp xếp thời gian tổ chức các sự kiện, tránh vướng vào những tuần cao điểm ôn thi, đồng thời phân chia công việc rõ ràng giữa các ban và quản lý thời gian tốt hơn...
Giúp học sinh rèn luyện kỹ năng, trở thành công dân toàn cầu
Thầy Phạm Thanh Yên, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM cho biết hiện tại đang có 28 CLB, dự án đang hoạt động tại trường, trực thuộc quản lý của Đoàn trường. TOMUN là một trong số đó.
Theo thầy Phạm Thanh Yên, mỗi CLB, dự án của trường có ban chủ nhiệm là học sinh điều hành chính và một giáo viên phụ trách công tác tư vấn, hỗ trợ, quản lý về chuyên môn. Thầy Yên cho hay, việc tham gia các CLB, dự án như TOMUN ngoài việc đáp ứng đa dạng những nhu cầu sở thích, đam mê, năng khiếu của học sinh thì còn chú trọng đến việc phát triển kỹ năng tư duy, nâng cao và thực tế hóa kiến thức chuyên môn của các em.
Từ các CLB, dự án, học sinh được tăng cường rèn luyện các kỹ năng mềm cần có của công dân thế kỷ 21, thêm tự tin, năng động, sáng tạo và có trách nhiệm hơn trong việc học tập, sinh hoạt và xa hơn nữa là học cao hơn sau phổ thông. Các em sẽ sẵn sàng tham gia thị trường lao động toàn cầu như kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm, lập kế hoạch, quản lý nhóm, lãnh đạo, tổ chức hoạt động, sự kiện…
"Hàng năm, các CLB, dự án của học sinh đều được xây dựng kế hoạch hoạt động năm để nhà trường phê duyệt. Nhà trường, ban đại diện cha mẹ học sinh trường cũng hỗ trợ các CLB, dự án về kinh phí hoạt động cơ bản, kinh phí tổ chức sự kiện… giúp các CLB kết nối, giao lưu học hỏi với CLB ở các trường THPT, đơn vị, tổ chức giáo dục khác ngoài nhà trường", thầy Phạm Thanh Yên thông tin thêm.
Bình luận (0)