Hồi sinh mèo rừng

25/01/2023 14:19 GMT+7

Những con mèo rừng khi cứu hộ đều trong tình trạng sức khỏe 'có vấn đề', nhưng qua bàn tay chăm sóc của nhân viên cứu hộ ở Vườn quốc gia Cúc Phương, nhiều chú mèo rừng quý hiếm đã hồi sinh.

60 - 70% mèo rừng cứu hộ được trở về với tự nhiên

Từ năm 2008 đến nay, Chương trình bảo tồn động vật ăn thịt và tê tê (CPCP) ở Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) đã thực hiện cứu hộ hơn 70 con mèo rừng, trong đó, cứu hộ thành công và thả về tự nhiên hơn 40 con, một số con còn lại sống sót nhưng không có khả năng trở về tự nhiên, một số khác chết vì bị thương nặng.

Sáng - con mèo rừng được cứu hộ nhưng không thể trở về tự nhiên do bị cụt nhiều ngón chân

CPCP

Thông thường, mèo rừng được cứu hộ sau khi bị bắt giữ, nuôi nhốt, buôn bán trái phép được cơ quan chức năng tịch thu và bàn giao về cho CPCP.

Khi về với CPCP, nhiều con mèo trong tình trạng bị gãy xương, bị rách da, ốm yếu, hoặc còn quá nhỏ… Đó là những trở ngại đòi hỏi nhân viên cứu hộ phải chăm sóc hết sức tận tình, chu đáo mới có thể hồi sinh mèo rừng để đưa chúng về với môi trường hoang dã.

Ông Hoàng Văn Thái, cán bộ điều phối và quản lý CPCP, cho biết đã có nhiều con mèo rừng sau khi nhận bàn giao vì sức khỏe quá yếu, hoặc bị thương quá nặng không thể qua khỏi. Và có khoảng 60 - 70% mèo rừng được cứu sống nhờ sự tận tình chăm sóc của nhân viên y tế, từ việc phẫu thuật, khâu các vết thương cho đến chăm bẵm như một đứa trẻ mới sinh.

Nhân viên của CPCP và tình nguyện viên Mauro Borghi (áo đỏ) chuẩn bị thức ăn cho mèo rừng

Minh Hải

“Ngày 26.6.2017, chúng tôi nhận cứu hộ 1 con mèo rừng từ 1 người dân ở Hà Nội. Con mèo được đặt tên là Sáng. Do bị thương ở chân không thể hồi phục nên sau khi tiếp nhận, nhân viên y tế đã phải phẫu thuật và 1 chân của Sáng chỉ còn lại ngón chân cái. Đến nay, dù Sáng đã trưởng thành, có những hành vi, dấu hiệu của mèo rừng thực thụ, nhưng Sáng không thể quay trở về tự nhiên do 1 chân chỉ còn 1 ngón cái”, ông Thái lấy ví dụ về một con mèo rừng dù được cứu sống nhưng không thể trở về môi trường hoang dã.

Để hồi sinh được Sáng, những ngày đầu tiếp nhận, nhân viên y tế của CPCP theo dõi từng ngày, từng giờ, thăm khám sức khỏe thường xuyên sau phẫu thuật.

Nhiều mèo rừng sau khi cứu hộ đã phát triển trưởng thành nhưng không thể trở về môi trường hoang dã do bị khuyết tật hoặc mất kỹ năng hoang dã

Minh Hải

Hiện Sáng cũng giống như con mèo rừng có tên Đại Lải (Thanh Niên đã phản ánh), đều đang được giữ nuôi trong khuôn viên của CPCP với vai trò đại sứ giáo dục. Ngoài Sáng, Đại Lải, CPCP hiện đang chăm sóc 3 con mèo rừng nhỏ.

Quy trình cứu hộ mèo rừng ở CPCP được thực hiện rất nghiêm ngặt. Sau khi tiếp nhận, mèo được đưa vào khu cách ly và phân loại con bị thương, con bị ốm, con còn khỏe mạnh để có chế độ chăm sóc phù hợp.

Khi mèo đã phục hồi sức khỏe, sẽ đưa vào chuồng nuôi, tiếp đó là chuồng bán hoang dã để luyện tập các kỹ năng sinh tồn của động vật hoang dã. Các nhân viên của CPCP sẽ tập cho mèo cách tìm thức ăn, tìm nơi trú ngụ, nhận biết kẻ thù.

"Thường mỗi chú mèo ở khu huấn luyện từ 2 - 4 tuần, nếu nhận thấy nó có hành động nhanh nhẹn, phù hợp với động vật hoang dã thì tiến hành thả về rừng. Ví dụ, khi theo dõi, quan sát chúng gần con người mà có hành vi chạy trốn, tự vệ, gầm gừ, hoặc đe dọa thì là hành vi của mèo rừng, và đã đủ điều kiện để về với tự nhiên. Còn những con bị khuyết tật, hoặc khi ở gần con người mà nó theo lại gần thì là không được rồi", ông Thái cho hay.

Thú vị khi được chăm sóc mèo rừng

CPCP hiện tại có 2 bác sĩ thú y, 4 nhân viên chăm sóc, 1 cán bộ điều phối - quản lý, và tình nguyện viên tham gia chương trình trong thời gian nhất định.

Anh Mauro Borghi (áo đỏ), tình nguyện viên ở CPCP đang đưa thức ăn cho mèo rừng

Minh Hải

Anh Mauro Borghi, quốc tịch Italia có thời gian làm tình nguyện viên ở CPCP, cho biết khi được tận tay chăm sóc những con mèo rừng anh cảm thấy rất vui và ý nghĩa, bởi đã góp phần nhỏ công sức của mình để bảo vệ động vật hoang dã - đang là vấn đề cấp thiết ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

“Làm việc ở đây có ý nghĩa to lớn với tôi. Đầu tiên, ở đây có rất nhiều động vật hoang dã mà trước đây tôi chưa từng thấy, ví dụ như rái cá, mèo rừng tê tê. Công việc ở đây không phải lúc nào cũng quá dễ dàng, cách vài giờ bạn phải dọn phân cho các động vật. Tuy nhiên, tôi cho rằng có những trung tâm như Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam, CPCP là rất tốt và quan trọng, vì nó giúp người dân sống ở những thành phố xa xôi có thể đến tham quan. Công việc cứu hộ và bảo tồn động vật hoang dã là rất cấp thiết không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác", tình nguyện viên Mauro Borghi cho hay.

Những con mèo rừng không thể trở về tự nhiên sẽ được nuôi cả đời trong các chuồng nuôi ở Vườn quốc gia Cúc Phương

Minh Hải

Hiện nay, việc cứu hộ mèo rừng ở Việt Nam ngày càng được quan tâm hơn và có nhiều sự hỗ trợ từ cộng đồng.

Tuy nhiên, vướng mắc còn tồn tại và đang gây trở ngại đối với công tác cứu hộ mèo rừng là thủ tục pháp lý từ thời điểm phát hiện, thu giữ mèo rừng do vi phạm cho đến khi bàn giao còn dài, dẫn tới nhiều cá thể mèo rừng bị lưu kho (lưu giữ tang vật) kéo dài, làm giảm sức khỏe hoặc khiến mèo rừng bị ốm yếu, thậm chí chết.

Để chung tay bảo vệ động vật hoang dã nói chung, bảo vệ mèo rừng nói riêng, CPCP đã và đang triển khai nhiều chương trình bằng nhiều cách thức khác nhau để kêu gọi cộng đồng lên tiếng hoặc có hành động cụ thể bảo vệ động vật hoang dã, bảo trợ những con mèo rừng không thể trở về tự nhiên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.