Hơn 50 triệu lao động sẽ có sổ việc làm điện tử

Thu Hằng
Thu Hằng
09/06/2022 04:24 GMT+7

Lao động từ 15 tuổi trở lên khi tham gia thị trường lao động sẽ được cấp sổ việc làm điện tử.

Đó là đề xuất đang được Bộ LĐ-TB-XH nghiên cứu, lấy ý kiến chuyên gia, dự kiến sẽ triển khai trên toàn quốc với cơ sở dữ liệu dân cư.

Quét mã QR code nắm toàn bộ thông tin NLĐ

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Văn Thanh, 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã làm kinh tế VN tăng trưởng chậm lại, hoạt động sản xuất kinh doanh bị đứt gãy, đình trệ; tình hình lao động, việc làm, đời sống của người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng tiêu cực. Bên cạnh đó, nguồn cung lao động bị suy giảm nghiêm trọng, số lao động có việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua, trong đó lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên giảm từ 56 triệu người trong quý 4/2019 xuống còn 50,7 triệu người trong quý 4/2021. Ngoài ra, tỷ lệ thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao, sự dịch chuyển cơ cấu lao động theo ngành nghề và vùng miền có sự đảo chiều.

Dự kiến, mỗi người lao động sẽ có sổ việc làm điện tử lưu lại quá trình làm việc, dịch chuyển lao động

Ngọc Thắng

Để hồi phục thị trường lao động và đảm bảo an sinh xã hội cho NLĐ, Bộ LĐ-TB-XH cũng đã đề xuất và triển khai nhiều giải pháp như: cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo kỹ năng, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, kết nối cung cầu…

Ông Thanh cho hay: “Trong chương trình đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ số, Bộ LĐ-TB-XH đang lên ý tưởng và giao Cục Việc làm chủ trì xây dựng sổ việc làm điện tử. Đây là cơ sở dữ liệu về lao động kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ quan quản lý dễ dàng thực hiện các chính sách đào tạo, hỗ trợ lao động, cân đối cung - cầu”.

Thông tin thêm về sổ việc làm điện tử, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, cho hay tại VN đây là vấn đề mới, song ở nước ngoài, sổ việc làm điện tử đã được nhiều nước thực hiện.

“Chúng tôi dự kiến, mỗi lao động từ 15 tuổi trở lên khi tham gia thị trường lao động sẽ có một sổ việc làm điện tử, mọi dữ liệu sẽ được thống nhất trên toàn quốc và kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư. Sổ việc làm điện tử sẽ lưu toàn bộ quá trình làm việc, trình độ, sự dịch chuyển của tất cả lao động trong thị trường, được mã hóa QR code… Khi tiếp nhận lao động, chủ sử dụng chỉ cần quét mã sẽ có được toàn bộ thông tin về NLĐ”, ông Bình thông tin.

Lý giải về việc đưa ra đề xuất này, ông Bình cho biết: “Dịch Covid-19 bùng phát đã đặt ra nhiều thách thức, công tác quản lý lao động cần phải thay đổi cho phù hợp. Sổ việc làm điện tử cũng sẽ triển khai nhanh các gói hỗ trợ NLĐ. Bên cạnh đó, sổ việc làm điện tử giúp cho thông tin thị trường lao động minh mạch, NLĐ và doanh nghiệp sẽ minh bạch hơn trong giao dịch việc làm, hợp đồng lao động. Công tác quản lý nhà nước cũng sẽ minh bạch hơn, theo sự vận động của thị trường.

Ngoài ra, theo lãnh đạo Cục Việc làm, thông tin của lao động được cập nhật lên hệ thống, giúp doanh nghiệp cần tuyển dụng dễ dàng tìm được nguồn. Người tìm việc cũng được nhận đầy đủ thông tin về các công ty để lựa chọn. “Từ các dữ liệu này, cơ quan quản lý nhà nước có dữ liệu dự báo cung cầu lao động, dự báo về cơ cấu lao động, dịch chuyển lao động theo ngành, lãnh thổ, để quy hoạch, phát triển KT-XH. Ngành giáo dục, đào tạo cũng có dữ liệu về nhu cầu đào tạo, nhu cầu phát triển nhân lực của thị trường lao động”, ông Bình chia sẻ.

Minh bạch thị trường lao động

Là doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, ông Đoàn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty CP May Hà Nam, rất mong sổ việc làm điện tử được đưa vào triển khai sớm. “Công ty đã áp dụng công nghệ vào sản xuất, cải tiến năng suất lao động. Tuy nhiên, nếu có thêm cơ sở dữ liệu về việc làm điện tử, tích hợp quản lý lao động đầu ra đầu vào, kết nối với cơ sở dữ liệu về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… thì sẽ hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều trong hoàn thiện hệ thống quản trị”, ông Dũng nói.

Dẫn chứng từ “làn sóng” NLĐ làm việc tại các TP đổ về quê tránh dịch Covid-19, sau đó các địa phương rất vất vả khảo sát, tổng hợp, thu thập dữ liệu để hỗ trợ, kết nối việc làm cho NLĐ, bà Nguyễn Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện KH-LĐ-XH, cho rằng: “Nếu xây dựng được sổ việc làm điện tử thì quá tốt cho NLĐ. Mỗi lần thay đổi công việc, thay đổi nơi làm việc, NLĐ sẽ không phải mất công đi lại khai báo nhiều lần, thay vào đó, hệ thống công nghệ thông tin sẽ cập nhật lên dữ liệu. Để tiến tới quản lý lao động bằng công nghệ 4.0, sổ việc làm điện tử sẽ minh bạch hóa thị trường lao động, loại bỏ được khâu trung gian thống kê về lao động, về tình hình di biến động việc làm, cập nhật các chính sách về lao động, bảo hiểm xã hội. Đặc biệt, đối với NLĐ khi nhận trợ cấp cũng biết được những quyền lợi của mình có được hưởng đầy đủ hay không”.

Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đánh giá đây là sự cần thiết trong quản lý số hóa dữ liệu. “Sổ việc làm điện tử sẽ giúp cơ quan chức năng quản lý được toàn bộ lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên. Từ đó, có thể xem xét cân đối thị trường lao động. Trong độ tuổi 15 nhiều em còn đi học sẽ là nguồn lực lượng lao động trong tương lai. Còn một bộ phận NLĐ là người khuyết tật nhẹ, chúng ta có thể phân nhóm để hỗ trợ tìm việc làm phù hợp, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng. Đây là cách quản lý lao động hiện đại, chính xác, hơn 50 triệu lao động có việc làm sẽ nắm được diễn biến quá trình làm việc, thu nhập”, ông Lợi nói.

Góp ý thêm về xây dựng sổ việc làm điện tử, ông Lợi kiến nghị: “Việc này phải làm càng sớm càng tốt, không nên mỗi ngành xây dựng một sổ điện tử riêng, mà nên tích hợp vào căn cước công dân, mọi thông tin liên quan đến lao động sẽ được chia sẻ, tích hợp vào cơ sở dữ liệu quốc gia”.

Về tiến độ triển khai thực hiện sổ việc làm điện tử, ông Vũ Trọng Bình nhìn nhận: “Chúng tôi đang nghiên cứu, tham vấn các bên liên quan, đồng thời tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế để triển khai. Dự tính, với hơn 50 triệu lao động trong độ tuổi có việc làm, ít nhất phải mất 2 năm để hoàn thành trường dữ liệu liên quan. Nếu sổ việc làm việc này được triển khai, sẽ là bước đột phá về quản lý thị trường lao động. Thị trường sẽ minh bạch, hạ tầng số sẽ phát triển, thực hiện được việc xây dựng cơ sở dữ liệu về lao động việc làm. Đặc biệt, đối với nhóm lao động phi chính thức sẽ có cơ hội tham gia bảo hiểm xã hội, y tế; quản lý đi lao động làm việc ngoài nước hoặc nhận các gói hỗ trợ, vay vốn giải quyết việc làm...”.

Nhu cầu tuyển dụng doanh nghiệp gần 1,3 triệu lao động

Theo ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, đến nay tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, hầu hết các ngành, lĩnh vực đang trong giai đoạn phục hồi và tăng trưởng trở lại, theo đó, thị trường lao động dần có sự phục hồi trở lại. Nhu cầu tuyển dụng năm 2022 của doanh nghiệp là gần 1,3 triệu lao động, tăng 18% so với năm 2021, chủ yếu là lao động phổ thông, lao động không yêu cầu có bằng cấp chứng chỉ (chiếm 75%).

Bên cạnh những tín hiệu khởi sắc, đặc biệt là nguồn cung lao động vẫn đang đặt ra một số vấn đề như: cung lao động chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế, đặc biệt đối với lao động có trình độ chuyên môn cao. Một số địa phương, khu vực, ngành nghề vẫn đang xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, thiếu hụt nguồn cung cục bộ. Riêng trong quý 1/2022 có xảy ra sự thiếu hụt lao động cục bộ khoảng 120.000 lao động (gần 10% so với nhu cầu tuyển dụng), cao hơn những năm trước khoảng 2 - 3%, chủ yếu thiếu hụt lao động phổ thông ở ngành dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ và một số ngành bị tác động mạnh, phải dừng hoạt động dài như du lịch, giáo dục...

Bên cạnh đó, khả năng kết nối cung - cầu, giới thiệu việc làm đáp ứng yêu cầu thị trường cũng chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.