Hương vị Tết đã đến với Huế ở Phố đêm hoàng thành

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
16/01/2023 15:06 GMT+7

Lần đầu tiên, tại không gian Phố đêm hoàng thành Huế (Thừa Thiên - Huế) đã diễn ra chương trình Tết Huế năm 2023 đậm đà bản sắc và nồng nàn hương vị, thu hút đông đảo người dân và du khách...

Diễn ra từ 13 đến 17.1 tại không gian của khu Phố đêm hoàng thành Huế (trên 2 trục đường 23.8 và Lê Huân, từ Ngọ Môn chạy bên ngoài phía tây hoàng thành Huế), chương trình “Tết Huế” năm 2023 lần đầu tiên tổ chức đã thu hút hàng ngàn người mỗi đêm.

Mâm cỗ P.Hương An tại hội thi mâm cỗ ngày Tết trong chương trình tết Huế

Chương trình do Ban Dân vận Thành ủy Huế chủ trì với mong muốn tạo ra chuỗi nhiều hoạt động ý nghĩa, đặc sắc mang đậm dấu ấn Tết cổ truyền của người dân xứ Huế.

Đông đảo người dân đến với chương trình Tết Huế

P.T.Đ

Không gian của Phố đêm hoàng thành Huế được trang hoàng rực rỡ, lung linh sắc màu với đèn lồng, cờ hoa tại các không gian tết cổ truyền quen thuộc của xứ Huế.

Nồi bánh tét được nấu ngay trên phố, mang lại cảm giác ấm áp cho nhiều người

P.T.Đ

Trên dọc các tuyến phố, bên cạnh các sân khấu trình diễn áo dài cộng đồng, cải lương, ca múa nhạc..., thỉnh thoảng người dân và du khách còn thích thú bắt gặp bếp lửa hồng ấm áp với nồi bánh chưng, bánh tét đang đỏ lửa.
Những mâm bánh truyền thống, mâm ngũ quả, bình hoa ngày tết, các sản phẩm truyền thống Huế cũng được trưng bày và mở bán, tạo không gian rực rỡ sắc xuân và nồng nàn hương vị tết.

Chương trình “Tết Huế” năm 2023 còn diễn ra các chương trình “Đêm hội sắc xuân” với phần trình diễn áo dài cộng đồng tại đường 23.8 và chương trình ca múa nhạc. Có hoạt động trải nghiệm các nghề truyền thống Huế như hoa giấy, tò he, ông táo, viết thư pháp, in tranh làng Sình, làm bánh in... và lễ rước “Dâng tiễn hương xuân”.

Ấm áp và ý nghĩa

Hôm qua 15.1 (24 tháng chạp), trong khuôn khổ của chương trình Tết Huế, diễn ra hội thi mâm cỗ truyền thống ngày tết với phần thi của 37 đội gồm 36 phường, xã của TP.Huế và Ban chỉ huy quân sự TP.Huế.

Mâm cỗ của P.Hương Long, TP.Huế

Mỗi mâm cỗ được trình bày với sắc màu và cách bài trí khác nhau, nhưng có điểm chung đặc trưng: ngoài bánh mứt, hoa quả, trầm trà... là những món ẩm thực đặc trưng của Huế và gà, xôi, thịt kho tàu, miến xào, đồ nấu, đồ xào, ram cuốn, cơm, canh...

Mâm cỗ của P.Phú Mậu

Mâm cỗ P.Phú Dương

Anh Lê Quý (trú P.Trường An, TP.Huế) sau khi đến với Tết Huế nhận thấy chương trình rất ấm áp và ý nghĩa.
"Chương trình đã giúp nhiều người sống lại với ký ức ngày tết của mình khi bây giờ không gian đô thị ít có điều kiện để thực hiện những công việc như nấu bánh tét, làm mứt, bày mâm cỗ... Chương trình càng ý nghĩa hơn cho các bạn trẻ trải nghiệm, để biết về những nét truyền thống đặc trưng Tết Huế", anh nói.

Mâm cỗ P.Thuận Hòa, TP.Huế

Bí thư Thành ủy Huế, ông Phan Thiên Định, cũng nhận xét: mâm cỗ của mỗi phường, xã "mỗi nơi mỗi vẻ" nhưng mới nhìn qua đã thấy nhớ nhà, nhớ người thân.

Mâm cỗ P.Thuận Lộc, TP.Huế

Độc đáo mâm cỗ cơm muối, gà Ngự uyển cùng "nem chả rồng phượng" được trình bày tại hội thi

Bà Dương Thị Thu Thủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Trưởng ban tổ chức chương trình “Tết Huế” năm 2023, cho biết ban tổ chức muốn giới thiệu, quảng bá, trưng bày sản phẩm làng nghề, sản phẩm truyền thống Huế đến du khách trong và ngoài nước.

Đây cũng là dịp bán các đặc sản, sản phẩm tiêu biểu của địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn; bình chọn các đặc sản tiêu biểu của địa phương góp phần phát triển chương trình “mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP).

Những sản phẩm phù hợp để được lựa chọn để tổ chức lễ rước phong vị sản vật địa phương "Dâng tiến hương xuân”, dâng lên các tiền nhân tại Thế Miếu trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Các sản phẩm dự thi chất lượng cao dành tặng các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, các trung tâm nuôi dạy trẻ em mồ côi, khuyết tật trong dịp tết này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.