Phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư Mandiri 2022 mới đây tại Indonesia, Tổng thống nước này Joko Widodo cho biết chương trình phát triển thủ đô mới mang tên Nusantara tại tỉnh Đông Kalimantan sẽ góp phần quan trọng giúp nước này chuyển mình.
“Chúng tôi dùng thủ đô Nusantara để thể hiện sự chuyển mình đó về môi trường, cách làm việc, cơ sở kinh tế, công nghệ, cũng như dịch vụ y tế và giáo dục chất lượng hơn”, Nikkei Asia dẫn lời ông phát biểu và cho biết dự án này nằm trong tầm nhìn nhằm giúp Indonesia gia nhập nhóm các nước phát triển và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060.
Siêu dự án
Chính quyền của Tổng thống Widodo bắt đầu cân nhắc ý định di chuyển thủ đô khỏi Jakarta vào năm 2017, và đến năm 2019 công bố kế hoạch 10 năm nhằm chuyển tất cả các cơ quan chính phủ đến thủ đô mới. Đến tháng 9.2021, chính phủ đưa ra dự luật về di dời thủ đô, được thông qua vào tháng 1 vừa qua, cũng là thời điểm tên thủ đô mới được công bố là Nusantara.
Thiết kế dinh tổng thống Indonesia tại thủ đô mới |
AFP |
Hiện thuộc huyện Sepaku (tỉnh Đông Kalimantan) và nằm trên đảo Borneo, khu vực thủ đô mới có những đồn điền keo và bạch đàn trải dài, cùng một khu đất đã dọn sạch với tuyến đường mới đang được xây dựng. Dự kiến, Nusantara sẽ là “thành phố xanh và thông minh toàn cầu”, được phát triển theo nhiều giai đoạn đến năm 2045. Khi Tổng thống Widodo công bố kế hoạch vào năm 2019, chính phủ cho biết chỉ có 19% của tổng chi phí ước tính 32,5 tỉ USD sẽ được lấy từ ngân sách. Dự án hy vọng thu hút đủ đầu tư từ lĩnh vực tư nhân cho phần còn lại, bao gồm từ cả các đối tác công - tư.
Chính phủ hiện đang xây một con đập, hệ thống nước và đường sá gần “khu vực then chốt của chính phủ trung tâm”, chiếm khoảng 6.600 ha, tương đương 2,5% của tổng khu vực Nusantara là 256.000 ha được xem là “khu vực chiến lược quốc gia”. Khu vực thủ đô mới là những đồn điền được chính phủ chủ yếu giao cho các tập đoàn trồng cây nguyên liệu làm bột giấy. Chưa rõ về lộ trình thu hồi cũng như những khoản tiền bồi thường liên quan.
Indonesia dời đô, tên thủ đô mới sẽ là gì? |
Từ Jakarta đến Nusantara
Thủ đô Jakarta nằm trên đảo Java, nơi trong nhiều thập niên đã là trung tâm phát triển của các chính phủ Indonesia, dẫn đến việc tập trung quá nhiều các hoạt động kinh tế và dân số trên hòn đảo chính có diện tích nhỏ nhất nước. Java chiếm 60% dân số và hơn 50% hoạt động kinh tế của cả nước, trong khi về kích thước thì Kalimantan lớn hơn gần 4 lần. Việc dời đô nhằm giảm áp lực từ hoạt động của con người tại Jakarta cũng như Java nói chung.
Bên cạnh đó, Jakarta còn đối phó nhiều vấn đề nghiêm trọng về môi trường như lún và ngập. Theo trang The Quint, việc xây các tòa nhà chung cư và trung tâm thương mại làm gia tăng nguy cơ ngập, trong khi khu vực phía bắc Jakarta đang lún khoảng 25cm mỗi năm.
Thủ đô mới sẽ nằm giữa 2 thành phố Balikpapan và Samarinda, và đây là một trong những nguyên nhân địa điểm này được chọn, bên cạnh việc có diện tích lớn đất đồn điền giao cho các công ty khai thác.
Đông Kalimantan chuyển mình
Giới chức địa phương tại Đông Kalimantan cho hay có nhiều dự án hạ tầng cơ bản trong khu vực đã được quy hoạch từ trước khi Tổng thống Widodo công bố việc dời đô vào năm 2019. Sau nhiều năm trì hoãn, những dự án cũ sau cùng cũng đã khởi công trong vài tháng qua, khi chính phủ xúc tiến việc dời đô.
Đười ươi gặp nguy hiểm vì quyết định dời thủ đô Indonesia |
Huyện Sepaku ghi nhận tình trạng sốt đất khi 1 ha đất gần tuyến đường chính có giá lên đến 2,5 tỉ rupiah (3,98 tỉ đồng), tăng gấp 25 lần so với vài năm trước. Người mua đến từ Java cũng như Kalimantan. Tuy nhiên, họ chỉ mua quy mô nhỏ vì chính quyền địa phương cấm mua diện tích lớn nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ. Giá bất động sản cũng tăng vọt gần Balikpapan, trung tâm thương mại của Đông Kalimantan, nơi giới đầu tư bất động sản ca ngợi những dự án của họ là “cửa ngõ đến thủ đô mới”. Balikpapan từ lâu đã phát triển nhờ lĩnh vực dầu khí và khai thác than.
Nhờ tuyến đi qua một số khu rừng bảo tồn được nâng cấp trong thời gian gần đây, người dân có thể đi từ Balikpapan đến Sepaku chỉ trong vòng 2 giờ.
Balikpapan cũng cách Samarinda, thủ phủ của Đông Kalimantan, khoảng 2 giờ theo tuyến đường 97 km do Tổng thống Widodo khánh thành vào tháng 8.2021. Đây là tuyến đường thu phí đầu tiên xuyên phần lãnh thổ của Indonesia ở Borneo, hòn đảo nơi còn có Brunei và 2 bang phía đông của Malaysia.
Tranh cãi tên gọi của thủ đô mới
Việc Indonesia thông qua dự luật về thủ đô mới Nusantara đã dẫn đến tranh cãi về nhiều vấn đề, từ tên gọi đến quy trình lập pháp.
Theo tờ Nikkei Asia, từ “Nusantara”, nguồn gốc từ tiếng Phạn, đề cập đến toàn bộ quần đảo Indonesia và rất nhiều người chỉ ra rằng tên gọi thủ đô mới sẽ dễ bị nhầm lẫn với tên gọi không chính thức của cả nước. “Từ rất lâu, Nusantara có nghĩa là toàn bộ Indonesia. Nếu bạn sử dụng nó riêng cho thủ đô thì nghe rất kỳ quặc”, một cư dân mạng viết trên Twitter.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng tên gọi trên đã phá vỡ mục đích muốn kéo sự phát triển ra khỏi đảo Java, mà lại lấy Java làm trung tâm vì từ “Nusantara” trong lịch sử được đưa ra bởi vương quốc Majapahit, một triều đại lấy Java làm trung tâm từ thế kỷ thứ 13 đến thế kỷ thứ 15 và chinh phục toàn Indonesia. Nhiều người còn cho rằng dự luật không lấy đủ sự tham vấn từ người dân.
Bình luận (0)