Jeanne d’Arc, Napoléon và… Sử Hộ Vương

Lan Chi
Lan Chi
10/08/2019 09:23 GMT+7

Nhóm bạn trẻ mang dự án game sưu tập thẻ bài - Sử Hộ Vương với mong muốn truyền cảm hứng cho giới trẻ tìm hiểu lịch sử nước nhà đi gọi vốn trong chương trình Thương vụ bạc tỉ - Shark Tank trên sóng của VTV3, nhưng sau đó bị nhiều chỉ trích trên mạng xã hội. Mục đích tốt, sao lại gây phản ứng như thế?

Trước khi bàn về Sử Hộ Vương, hãy thử nhìn sang… Pháp. Với hơn 16 triệu bản manga (truyện tranh Nhật Bản) phát hành trong năm 2018, Pháp là thị trường lớn thứ hai trên thế giới của manga, chỉ sau xứ sở mặt trời mọc - theo Giám đốc Viện Nghiên cứu về Nhật Bản tại Pháp Cécile Sakai. Kèm theo thành công của manga là phim hoạt hình chuyển thể truyện tranh, các trò chơi điện tử hoặc thẻ bài… Các hội chợ về Nhật Bản như Japan Expo, Paris Manga tổ chức hằng năm luôn thu hút hàng trăm ngàn thanh thiếu niên Pháp tham dự.

Hàng triệu bạn trẻ Pháp yêu thích manga - Ảnh chụp tại một hội chợ ở Paris năm 2015

ẢNH: AFP

Giữa một thị trường giải trí tầng tầng lớp lớp đối thủ và muôn màu muôn vẻ với mạng internet và các “đồ chơi” công nghệ, vẫn có nhiều tác giả Pháp - cá nhân hay hội nhóm - thực hiện những trò chơi mang tính lịch sử, truyền thống. Có thể kể đến các bộ cờ “Jeanne d’Arc, la bataille d’Orléans” (“Jeanne d’Arc, trận chiến Orléans”), “Napoléon 1806”. Trong trò chơi đầu tiên, người chơi sẽ cùng với nữ anh hùng Jeanne d’Arc (1412-1431) chiến đấu để dành lại Orléans từ tay người Anh. Trò chơi thứ hai tái hiện lại chiến dịch 1806 của hoàng đế Napoléon (1769-1821) tại Prusse (vùng lãnh thổ ở đông bắc châu Âu, nay thuộc Đức, Ba Lan và Nga).

Nhưng tạo hình nhân vật Hoàng đế Napoléon trong trò chơi vẫn oai phong, không bị "manga hóa"

ẢNH: LUDOVOX

Không cần phải “tân thời hóa” hay “manga hóa” để lấy lòng hàng triệu độc giả trẻ, với đầu tư công phu về mặt mỹ thuật, Jeanne d’Arc vẫn rất đẹp trong bộ giáp truyền thống và Napoléon vẫn rất oai phong trong bộ quân phục. Khi người Pháp, bất kể độ tuổi, chơi những trò này, họ dễ thấy cuốn hút vì tìm thấy mình trong đó qua những trang phục, địa danh, từ ngữ quen thuộc và các người hùng quen thuộc.

Trò chơi Jeanne d'Arc được người Pháp ưa chuộng vì gần gũi

ẢNH: LUDOVOX

Năm 2017, trò chơi về Jeanne d’Arc được thử nghiệm trong lễ hội văn hóa của thành phố Orléans, một cậu bé sau khi chơi thử đã chia sẻ với kênh truyền hình France 3: “Lần đầu tiên cháu chơi một trò chơi có tương tác thật, dù chỉ trên bàn cờ, bình thường cháu chỉ chơi trò chơi điện tử. Cháu thấy lạ lắm, nhưng rất hay”. Cậu bé ngày thường vốn chỉ quen với máy tính và điện thoại thông minh, ngày hôm ấy đã ngồi hơn một giờ để cùng bố mình “chiến đấu” giúp Jeanne d’Arc chinh phục lại lãnh thổ.
Cần tôn trọng các nhân vật lịch sử
Những nhà sáng lập Sử Hộ Vương thực hiện trò chơi này vì “yêu Việt Nam”, vì mong rằng người chơi sau khi gặp các “hộ thần”: Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Nguyễn Du, Lý Thường Kiệt, Triệu Thị Trinh… sẽ vào Google để tìm hiểu thêm về các vị, biết thêm về lịch sử nước nhà. Thế nhưng, một “Nguyễn Huệ” tóc bạch kim vuốt keo, áo phanh ngực, có thể nào gần gũi với vua Quang Trung - nhà quân sự lỗi lạc, nhà chính trị tài ba? Hầu hết các “cá mập” trong chương trình Shark Tank đều thấy các “nhân vật lịch sử” của Sử Hộ Vương quá xa lạ, thậm chí phản cảm và xúc phạm đến các vị anh hùng được bao người kính trọng.

Tạo hình các nhân vật anh hùng lịch sử Việt trong game Sử Hộ Vương quá xa lạ

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Có thể nhóm thực hiện Sử Hộ Vương cho rằng các “cá mập” của Shark Tank quá khắt khe, có “độ chênh” về thế hệ nên không hiểu tâm lý và nhu cầu của giới trẻ… Nhưng giới trẻ Việt Nam, dù có mê nhạc Hàn Quốc, thích đọc manga Nhật, lướt mạng xã hội hay xem phim Mỹ thì trước hết, vẫn là người Việt Nam. Giới trẻ ấy cần được gợi hứng về một lịch sử Việt Nam với những vị anh hùng người Việt, chứ không phải những “hộ thần năm sao” tây không ra tây mà ta cũng chẳng giống ta. Hơn hết, không thể để giới trẻ ấy cảm thấy bình thường khi bình luận với bạn những lời như: “Lê Lợi dở ẹc, bị Quỷ Thánh Xương Cuồng đấm một phát thua luôn”. Và khi các vị anh hùng được cả dân tộc kính trọng “đánh nhau” với Quỷ Thánh Xương Cuồng, liệu có thể là một “nguồn cảm hứng về lịch sử Việt Nam” lành mạnh?
Giải trí và giáo dục vẫn có thể song hành với nhau, nhưng khi muốn “giải trí có tính giáo dục”  như nhóm sáng tạo Sử Hộ Vương hướng đến thì trước hết, nên tôn trọng các giá trị của giáo dục. Nếu không thì giải trí hãy thuần là giải trí!
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.