Giống như các nhóm nhạc trưởng thành, những nhóm K-pop nhí (như nhóm Little Cheer Girl, Vitamin, Hi Cutie, Dream I One, LISO…), cũng khoác lên mình những bộ trang phục sành điệu, trang điểm bắt mắt và nhảy múa chuyên nghiệp. Điều khác biệt duy nhất so với các nhóm nhạc lớn tuổi là chủ đề bài hát. Những ngôi sao nhỏ tuổi này chủ yếu hát về những tình cảm thời thơ ấu và sự căng thẳng trong học tập, qua đó thu hút người hâm mộ cùng lứa tuổi.
Ha Yae Rin (12 tuổi) nói với tờ Korea Times: “Cháu có thể đồng cảm với lời bài hát của các nhóm nhạc K-pop nhí vì tụi cháu có chung những mối quan tâm, ví dụ những căng thẳng ở trường hay chuyện học hành. Hơn nữa, các ca sĩ bằng tuổi cháu nên cháu cảm thấy gần gũi hơn”.
Theo Kim Tai Bum, Giám đốc Công ty Rainbow - đại diện cho nhóm Little Cheer Girl, hiện tại có khoảng 300 - 500 trẻ em ở Hàn Quốc đăng ký thử giọng để trở thành thành viên mới của Little Cheer Girl. Tuy nhiên, không phải ai cũng chấp nhận các nhóm K-pop nhí.
Không giống như các diễn viên nhí, những ca sĩ nhỏ tuổi gây tranh cãi ngay từ khi mới xuất hiện vì trông “quá giống” với những ngôi sao trưởng thành. Chưa kể, nhiều người cho rằng các hoạt động âm nhạc như thế mang tính thương mại hóa. Mặc dù những người phát hiện và ươm mầm tài năng khẳng định họ thành lập các nhóm K-pop nhí nhằm giúp các em giải tỏa căng thẳng trong cuộc sống và đạt được ước mơ của mình.
Mặt trái của 'thương mại hóa' trẻ em
Lee Hyo In, giáo viên tiểu học ở tuổi ngoài 20 tuổi, nhận xét: “Thật đáng lo khi thấy mọi người mang các bé gái và bé trai ra kinh doanh như thế”. Nhà phê bình văn hóa Kim Hern Sik còn chỉ ra rằng các thành viên nhóm K-pop nhí có thể trở thành “con mồi” của tội phạm tình dục. “So với các nước khác, Hàn Quốc có xu hướng ít chú ý đến các vấn đề liên quan đến thương mại hóa trẻ em. Một số người tận dụng điều này để bào chữa cho hành vi tình dục không đúng đắn đối với trẻ nhỏ”, ông Kim nói với tờ Korea Times. Theo ông Kim Hern Sik, điều cần thiết hiện nay là “cần có những quy định phù hợp để bảo vệ các tài năng trẻ”.
|
Giáo sư tâm lý Kwak Keum Joo thuộc trường Đại học quốc gia Seoul đề cập đến vấn đề “ngoại hình là trên hết”. Bà Kwak nói: “Các thần tượng nhí có thể thúc đẩy tư tưởng “ngoại hình là trên hết” ở những người hâm mộ trẻ tuổi. Người lớn sẽ cảm thấy không thoải mái khi thấy trẻ em trang điểm, vì trong mắt họ, trẻ con khi trang điểm trông không còn là trẻ con nữa. Còn trẻ em khi xem các thần tượng nhí lại dễ nghĩ rằng ngoại hình là thứ quan trọng nhất”.
Giám đốc Công ty Rainbow – ông Kim Tai Bum thừa nhận không thể phủ nhận suy nghĩ “ngoại hình là trên hết” tồn tại ở các nhóm K-pop nhí. Tuy nhiên, ông khẳng định phía công ty cố gắng định hướng các em bằng cách truyền đạt những giá trị phù hợp với độ tuổi. Nhưng cam kết này khó làm giảm bớt lo lắng của người lớn.
|
Theo giáo sư Kwak Keum Joo: “Những thần tượng K-pop lớn tuổi cũng thường gặp phải khó khăn về tâm lý. Họ phải hy sinh thời gian và cơ hội nhận được sự giáo dục đúng đắn để phát triển vì thường được đào tạo từ khi còn nhỏ”. Nhà phê bình văn hóa Kim Hern Sik cảnh báo các thần tượng K-pop nhí có thể đánh mất bản thân và sự tự lập vì luôn phải tuân theo chỉ dẫn của công ty quản lý. Còn khán giả Kwon Mi Yeon (20 tuổi), làm việc tại một công ty tiếp thị, thì nhận xét: “Các thần tượng nhí được đào tạo và biểu diễn ở độ tuổi lẽ ra phải học các kỹ năng xã hội và tự ý thức về cá tính của mình. Ở độ tuổi đó, các em bù đầu với lịch trình bận rộn, đối mặt với những bình luận ác ý trên mạng, tâm lý rất dễ bị ảnh hưởng”.
Bất kể những mặt trái vừa nêu, số lượng trẻ mong muốn tham gia vào các nhóm K-pop nhí vẫn gia tăng. Theo dự đoán của Korea Times, số lượng các nhóm kid-idol này sẽ còn tăng lên theo làn sóng các ngôi sao Hàn Quốc đạt được nhiều danh hiệu quốc tế.
Bình luận (0)