Theo Nghị định 54/2019 về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi kinh doanh dịch vụ karaoke không được hoạt động từ 0 - 8 giờ sáng; dịch vụ vũ trường không được hoạt động từ 2 - 8 giờ sáng. Không cung cấp dịch vụ cho người chưa đủ 18 tuổi.
Về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, kể từ ngày 1.9 sẽ được áp dụng theo Nghị định 63/2019. Nghị định này nêu rõ mức phạt tối đa trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công là 50 triệu đồng đối với cá nhân, 100 triệu đồng đối với tổ chức; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.
Cụ thể, cho thuê trụ sở làm việc, ô tô công khi không có quyết định phê duyệt sẽ bị xử phạt từ 15 - 20 triệu đồng. Trường hợp tự ý bán thanh lý ô tô khi dự án kết thúc, chưa có quyết định phê duyệt cũng bị phạt tới 20 triệu đồng. Với hành vi sử dụng điện, xăng, dầu, điện thoại, văn phòng phẩm, tổ chức hội nghị... bằng kinh phí nhà nước vượt tiêu chuẩn, định mức sẽ bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng; tặng cho tài sản công không đúng quy định bị phạt từ 20 - 50 triệu đồng. Hành vi chiếm đoạt tài sản công nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự cũng bị xử phạt hành chính cao nhất 20 triệu đồng…
Không xử lý hình sự hành vi trốn đóng bảo hiểm trước năm 2018
Đó là nội dung tại hướng dẫn chi tiết trong Nghị quyết 05/2019/NĐ-HĐTP TAND tối cao về các điều 214 về tội “gian lận bảo hiểm xã hội (BHXH)”, điều 215 về tội “gian lận bảo hiểm y tế (BHYT)”, điều 216 về tội “trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động” của bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, có hiệu lực từ ngày 1.9.
Theo đó, điều 5 nghị quyết nói trên nhấn mạnh đối với hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp thực hiện trước 0 giờ 0 phút ngày 1.1.2018 thì không xử lý về hình sự theo quy định tại điều 216 của BLHS. Đồng thời, không coi việc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trước 0 giờ 0 phút ngày 1.1.2018 là căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 216 của BLHS.
Ngoài ra, do trong quá trình áp dụng pháp luật, có nhiều cách hiểu khác nhau về một số thuật ngữ được sử dụng trong các điều 214, 215, 216 BLHS nên Nghị quyết 05/2019 đã có giải thích rõ như thế nào là lập hồ sơ giả; giả mạo hồ sơ, thẻ BHYT; trốn đóng bảo hiểm; gian dối để không đóng, không đóng đầy đủ tiền BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; không đóng đầy đủ…
Bình luận (0)