Kênh đào Suez vì sao lại là tuyến vận tải huyết mạch?

25/03/2021 15:40 GMT+7

Kênh đào Suez là một trong những tuyến đường vận chuyển đông đúc nhất thế giới, do đó, các vấn đề tắc đường như vụ tàu container Ever Given nặng 224.000 tấn chắn ngang sẽ là một vấn đề rất lớn.

Kênh đào Suez là một trong những tuyến đường giao thông vận tải “bận rộn” nhất trên thế giới. Khoảng 12% lượng hàng hóa giao thương toàn cầu đi ngang qua kênh đào nhân tạo nối liền châu Âu và châu Á này.
Con kênh dài khoảng 193km này ngăn cách lục địa châu Phi với châu Á. Kênh cũng là đường liên kết biển ngắn nhất giữa Châu Á và Châu Âu và các vùng đất nằm xung quanh Ấn Độ Dương và tây Thái Bình Dương. Tuyến đường thủy đầu tiên được đào từ cách đây hơn 3.500 năm, nhưng đã trải qua tu sửa cải tiến lớn vào thế kỷ 19 để nối Địa Trung Hải với biển Đỏ qua sông Nile.

Tàu container Ever Given bị mất lái do gió mạnh và mắc cạn ở kênh đào Suez (Ai Cập), ngày 24.3

Reuters

Chỉ tính riêng trong năm 2020, có gần 19.000 tàu đã đi qua kênh đào Suez. Như vậy, trung bình mỗi ngày sẽ có 51,5 tàu đi qua. Lưu lượng này cộng lại lên tới khoảng 1,17 tỉ tấn. Kênh đào Suez cũng là nguồn thu ngoại tệ lớn cho Ai Cập. Quốc gia này đã thu về 5,61 tỉ đô la phí qua kênh đào vào năm 2020 - bất chấp sự gián đoạn thương mại toàn cầu ở những nơi khác.
Năm 1956, Ai Cập quốc hữu hóa kênh đào, khiến các bên sở hữu là Anh và Pháp, cũng như Israel, đổ quân xâm lược. “Khủng hoảng Suez” chỉ kết thúc sau khi Ai Cập đánh chìm 40 tàu trong kênh đào, đồng thời Mỹ, Liên Xô cùng Liên Hợp Quốc can thiệp, buộc Anh, Pháp và Israel rút quân.

Ảnh chụp từ vệ tinh Copernicus Sentinel-2 của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu cho thấy tàu container Ever Given chắn ngang Kênh đào Suez

Reuters

Sau đó, cơ quan quản lý kênh đào Suez (SCA) thuộc sở hữu nhà nước được thành lập vào tháng 7.1956 và đến nay vẫn điều hành tuyến đường thủy này. Vào tháng 6.1967, Ai Cập và một số quốc gia Ả Rập khác lại xung đột với Israel trong Chiến tranh Sáu ngày. Kênh Suez đã bị hư hại rất nặng trong cuộc giao tranh và bị đóng cửa cho đến sau cuộc chiến tranh Yom Kippur năm 1973. Ai Cập giành lại toàn quyền kiểm soát kênh đào và mở cửa trở lại vào tháng 6.1975.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.