Kết quả tốt nghiệp THPT: Địa phương nào tụt hạng nhiều nhất, vì sao?

27/07/2022 06:03 GMT+7

Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của hầu hết tỉnh, thành phía nam đều tụt hạng so với năm 2021.

Năm 2022 có 31 địa phương tụt hạng so với năm 2021

Theo công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022, về điểm trung bình các môn thi của các địa phương tính chung cả nước 6,35 điểm, giảm 0,04 điểm so với năm 2021 (6,39 điểm).

Năm 2022, 4 địa phương có trung bình điểm thi từ 7,0 điểm trở lên (chiếm 6,35%), 53 địa phương từ 6,0 đến dưới 7 (chiếm 84,13%) và 6 địa phương dưới 6,0 điểm (9,52%). Như vậy, số địa phương có điểm trung bình từ 7,0 điểm trở lên tăng từ 1 địa phương năm 2021 (Bình Dương) lên 4 địa phương năm 2022 (Nam Định, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Ninh Bình).

Thực hiện xếp hạng theo trung bình điểm thi, năm 2022 có 29 địa phương tăng hạng so với năm 2021, chiếm 46%; 3 địa phương giữ nguyên hạng, chiếm 4,77% và 31 địa phương tụt hạng, chiếm 49,2%.

Các địa phương tăng hạng chủ yếu là các tỉnh phía bắc và miền Trung. Trong đó, Hòa Bình tăng nhiều nhất 29 bậc so với năm 2021 (từ 62 lên 33), Quảng Nam tăng 16 bậc (53 lên 37), Bắc Ninh tăng lên 13 bậc, vươn lên top 10 (19 lên 6), Tuyên Quang tăng 13 bậc (31 lên 18), Bắc Giang tăng 11 bậc (22 lên 11), Nghệ An tăng 11 bậc (34 lên 23), Yên Bái tăng 11 bậc (41 lên 30), Quảng Bình tăng 11 bậc (49 lên 38), Quảng Ngãi tăng 10 bậc (50 lên 40), Sơn La tăng 10 bậc (59 lên 49).

TP.HCM do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nặng nề trong năm 2021 nên từ hạng 9 tụt xuống 13

ĐỘC LẬP

Có 3 địa phương giữ nguyên hạng là Hà Nội (25), Đà Nẵng (42) và Hà Giang (63).

Trong 31 địa phương tụt/giảm hạng, chủ yếu là các tỉnh phía nam, nhất là vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long có 17/18 tỉnh, thành phố tụt hạng, duy nhất tỉnh Long An tăng hạng (từ 27 lên 24). Trong đó, Bình Phước là địa phương giảm nhiều nhất 20 bậc (từ 36 xuống 56), Lai Châu giảm 12 bậc (45 xuống 57); giảm 11 bậc có 5 địa phương gồm: Kiên Giang (39 xuống 50), Bình Thuận (21 xuống 32), Bà Rịa-Vũng Tàu (20 xuống 31), Bến Tre (17 xuống 28), Vĩnh Long (8 xuống 19); 2 tỉnh giảm 10 bậc: Đồng Nai (38 xuống 48), Tây Ninh (26 xuống 36), Sóc Trăng (từ 44 xuống 53), Cà Mau (từ 37 xuống 45), Lâm Đồng (12 xuống 20), An Giang (từ 4 xuống 12), Trà Vinh (52 xuống 59), Cần Thơ (15 xuống 22), Bạc Liêu (7 xuống 14), TP.HCM (9 xuống 13)...

Phía nam chỉ còn một địa phương thuộc top 10

Trong 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và năm 2021, vùng Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long và Tây nguyên luôn có 5 địa phương nằm trong top 10 của cả nước. Nhưng năm 2022, 3 vùng này chỉ còn 1 địa phương, trong khi vùng đồng bằng sông Hồng có tới 7 địa phương, Bắc miền Trung và Trung du miền núi phía bắc, mỗi vùng có 1 địa phương.

Kết quả thi THPT năm 2020 top 10 gồm: Bình Dương, Nam Định, An Giang, Ninh Bình, Hà Nam, TP.HCM, Hải Phòng, Bạc Liêu, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng. Năm 2021 top 10 gồm: Bình Dương, Nam Định, Ninh Bình, An Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Bạc Liêu, Vĩnh Long, TP.HCM, Phú Thọ. Năm 2022 top 10 gồm Nam Định, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Ninh Bình, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nam, Phú Thọ, Hà Tĩnh, Thái Bình. Trong đó, đáng chú ý là tỉnh Hà Tĩnh, lần đầu tiên lọt vào top 10.

Năm học 2021 - 2022, dịch Covid-19 bùng phát khắp cả nước, nghiêm trọng nhất ở các tỉnh phía nam, buộc các trường học phải ngừng đến trường chuyển sang dạy học trực tuyến kéo dài. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học, kết quả thi THPT năm 2022 của hầu hết tỉnh, thành phía nam đều tụt hạng so với năm 2021, là một minh chứng rõ nhất, cần có giải pháp để khắc phục.

Khắc phục khủng hoảng giáo dục do dịch bệnh

Theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc, đại dịch Covid-19 đã tạo ra sự gián đoạn hệ thống giáo dục lớn nhất trong lịch sử, việc đóng cửa trường học tác động tới học sinh (HS), sinh viên toàn thế giới, ở các nước thu nhập thấp, tỷ lệ ảnh hưởng lên đến 99%.

Đại dịch đã làm trầm trọng thêm sự chênh lệch về giáo dục khi nó làm giảm cơ hội tiếp cận của trẻ em, thanh thiếu niên ở những nhóm dễ bị tổn thương như người nghèo, người sống ở vùng nông thôn, miền núi, người khuyết tật, con em người lao động ở các khu trọ... Đại dịch ảnh hưởng đến tất cả HS, sinh viên, từ mầm non đến đại học, trong đó cấp THPT ảnh hưởng rõ ràng nhất. Điều này thể hiện bằng thực tế là các địa phương bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nghiêm trọng nhất trong năm 2021 có kết quả điểm thi THPT đều tụt hạng.

Tuy nhiên, nhiều lứa tuổi khác cũng bị ảnh hưởng không nhỏ, từ trẻ mầm non (giai đoạn từ 2 tuổi đến 6 tuổi là giai đoạn vàng phát triển, các cháu phải ở nhà kéo dài suốt nhiều tháng) đến HS cấp THCS.

Để giảm sự ảnh hưởng lâu dài trong tình hình dịch bệnh chưa kết thúc, trước hết, ngành giáo dục, phụ huynh và HS không chủ quan, mất cảnh giác trước diễn biến của biến chủng mới và sự quay lại của biến chủng Delta; tăng cường tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trong điều kiện an toàn; Nhà trường khảo sát chất lượng HS đầu năm để từ đó có phân loại, hỗ trợ để củng cố, bổ sung kiến thức đã hổng hoặc chưa vững chắc do học trực tuyến. Thực hiện miễn, giảm học phí, hỗ trợ các phương tiện học tập như sách giáo khoa, tập vở.... cho tất cả các đối tượng HS nghèo, HS vùng khó khăn.

Các địa phương bị tụt hạng nhiều, cần đánh giá đúng thực trạng, môn thi nào xuống thấp nhất, tìm hiểu nguyên nhân để đưa ra giải pháp khắc phục phù hợp.

Vừa khắc phục ảnh hưởng của dịch bệnh, vừa triển khai đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018, giáo viên phải đầu tư nhiều công sức, thời gian, do vậy, ngoài chính sách chung đối với nhà giáo của nhà nước, các địa phương cần đưa ra chính sách để hỗ trợ giáo viên nâng cao đời sống vật chất, tinh thần để họ sáng tạo, cống hiến cho giáo dục và đào tạo của địa phương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.