Khắc phục yếu kém kéo dài trong lĩnh vực đất đai

Lê Hiệp
Lê Hiệp
11/05/2022 04:20 GMT+7

Chiều 10.5, Hội nghị T.Ư 5 khóa XIII đã bế mạc sau 6 ngày làm việc. Phát biểu bế mạc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, hội nghị đã thành công tốt đẹp, hoàn thành có chất lượng cao một khối lượng công việc lớn, rất quan trọng.

Quyền sử dụng đất không phải quyền sở hữu

Về vấn đề đất đai, Tổng bí thư cho hay, T.Ư thống nhất cho rằng cần phải kế thừa, bổ sung, phát triển Nghị quyết T.Ư 6 khóa XI (Nghị quyết 19) theo hướng tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển KT-XH theo luật định, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch. Quản lý và sử dụng đất phải bảo đảm lợi ích chung của toàn dân; nhân dân được tạo điều kiện tiếp cận, sử dụng đất một cách công bằng, hiệu quả và bền vững. Nhà nước thống nhất quản lý đất đai theo lãnh thổ quốc gia, cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường; phân công hợp lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước ở T.Ư, đồng thời có sự phân cấp, phân quyền phù hợp, có hiệu quả đối với các địa phương.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc hội nghị

Phạm Cường

T.Ư Đảng nhấn mạnh: "Quyền sử dụng đất là quyền sử dụng một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu; quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được pháp luật bảo hộ". Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được nhà nước giao cho các tổ chức, cá nhân khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai; không đặt vấn đề điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình, cá nhân; có chính sách để đất nông nghiệp được sử dụng một cách có hiệu quả cao nhất.

Theo Tổng bí thư, T.Ư Đảng cũng nhấn mạnh, thể chế, chính sách về đất đai phải được hoàn thiện đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó có chính sách phù hợp đối với đối tượng, loại hình sử dụng đất để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất nguồn lực tài nguyên đất đai; kiên quyết khắc phục tình trạng đầu cơ đất, sử dụng đất không đúng mục đích, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, gây khiếu kiện, bức xúc trong nhân dân. Bên cạnh đó, cần nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước về đất đai. Hiện đại hóa công tác quản lý đất đai và dịch vụ công về đất đai. Củng cố, hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy quản lý đất đai một cách tập trung, đồng bộ, thống nhất. Nâng cao vai trò và năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan tư pháp trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai.

Trên cơ sở nhận thức như trên, T.Ư Đảng đã đi sâu phân tích, đánh giá và thống nhất cao về các giải pháp, chủ trương, định hướng tiếp tục đổi mới, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt hơn nữa luật pháp, chính sách về đất đai, trước hết là sửa đổi, bổ sung luật Đất đai năm 2013 và các luật pháp có liên quan để khắc phục những hạn chế, yếu kém tồn tại kéo dài lâu nay. Trong đó, đặc biệt là những hạn chế, yếu kém liên quan đến công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất; hỗ trợ, bồi thường, tái định cư, thu hồi đất; chính sách tài chính đất đai và xác định giá đất; chế độ quản lý và sử dụng đất nông nghiệp; đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh...

Ưu tiên nguồn lực cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Đối với vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, T.Ư Đảng khẳng định, phải coi nông nghiệp, nông dân, nông thôn là cơ sở và lực lượng đặc biệt quan trọng để phát triển nhanh, bền vững KT-XH, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa và sức mạnh con người VN.

"Nhà nước cần phải tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn", Tổng bí thư nói và nhấn mạnh phải phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền; gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp; giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa theo hướng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh".

Tổng bí thư cho biết, T.Ư cũng nhấn mạnh phải nhận thức và xác định rõ nông nghiệp là một lợi thế của quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế; khẳng định nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp. Đồng thời, coi phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống của nông dân và người dân nông thôn là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị.

Đối với vấn đề kinh tế tập thể, T.Ư Đảng yêu cầu quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết của T.Ư lần này về phát triển kinh tế tập thể phù hợp với yêu cầu và tính chất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Cụ thể, phải thường xuyên quan tâm đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, nòng cốt là các hợp tác xã kiểu mới; coi đây là một thành phần kinh tế quan trọng cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Đồng thời, khẳng định phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu khách quan và phải xuất phát từ nhu cầu thiết thực của các thành viên.

Theo Tổng bí thư, kinh tế tập thể có nhiều hình thức tổ chức, hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao (tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã...), trong đó hợp tác xã là nòng cốt.

Kinh tế tập thể phát triển dựa trên sở hữu riêng của thành viên và sở hữu chung của tổ chức; tổ chức hoạt động theo nguyên tắc đối nhân, không chỉ phụ thuộc vào vốn góp; phân phối theo mức độ tham gia dịch vụ, theo lao động và theo vốn góp.

Kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những người không còn đủ tư cách

Về xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên, Tổng bí thư cho hay, T.Ư đặc biệt nhấn mạnh, về nhận thức, phải phát huy thật tốt dân chủ trong Đảng và trong xã hội; tăng cường mối quan hệ máu thịt với nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; phải dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng và rèn luyện đảng viên.

T.Ư Đảng yêu cầu, coi trọng chất lượng phát triển đảng viên, chú trọng hơn nữa đến việc rèn luyện, bồi dưỡng quần chúng, đối tượng cảm tình Đảng, trước khi vào Đảng phải thực sự là những quần chúng ưu tú không chỉ về năng lực công tác mà phải thực sự tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức, lối sống, có động cơ trong sáng với phương châm "quý hồ tinh bất quý hồ đa". Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát, sàng lọc, kịp thời và kiên quyết đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng.

T.Ư Đảng thống nhất cao thành lập Ban Chỉ đạo chống tham nhũng cấp tỉnh

Tổng bí thư cũng cho rằng, T.Ư Đảng đã bàn và thống nhất rất cao về chủ trương thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, coi đây là việc làm cần thiết, đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Tổng bí thư nhấn mạnh, nghiêm túc tổ chức, hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn như nêu trong đề án chắc chắn sẽ góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ T.Ư đến địa phương, tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu lực, hiệu quả cao hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cũng tại hội nghị, T.Ư nghe báo cáo chuyên đề "Xung đột Nga - Ukraine: Tác động quốc tế và những vấn đề đặt ra". T.Ư đánh giá cao về những chủ trương, quyết sách kịp thời, đúng đắn, sáng suốt của Đảng và nhà nước trước những diễn biến mới rất phức tạp tại Ukraine và trên thế giới; đồng thời yêu cầu phải tiếp tục theo dõi sát sao tình hình; dự báo các tình huống, khả năng có thể xảy ra để chủ động có các phương án ứng phó kịp thời...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.