Khẩn cấp hỗ trợ người yếu thế

17/08/2021 04:53 GMT+7

Bắt đầu từ ngày 16.8, nhiều tỉnh, thành tiếp tục thực hiện giãn cách theo nguyên tắc 'ai ở đâu thì ở đó', nên chính sách an sinh xã hội dành cho người yếu thế hết sức cấp thiết.

Công tác này được các địa phương thực hiện như thế nào?

Đến tận nhà tiếp tế

Chiều 16.8, PV Thanh Niên có mặt tại P.Hiệp Bình Chánh (TP.Thủ Đức, TP.HCM) ghi nhận lãnh đạo TP.Thủ Đức đến các khu vực nhà trọ, khu vực “vùng xanh” trên địa bàn phường thăm hỏi, tặng quà động viên người lao động cũng như người sinh sống trong các khu trọ.
Trong đó có khu trọ 12 phòng ở KP.1, P.Hiệp Bình Chánh (TP.Thủ Đức) do bà Nguyễn Thị Dung (68 tuổi) làm chủ với hàng chục người lao động nghèo, sinh viên sinh sống. Thời gian qua, bà Dung liên tục nhờ hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương nhằm tiếp tế lương thực cho người thuê trọ cũng như đăng ký danh sách tiêm vắc xin cùng gói hỗ trợ tiền trợ cấp. Chủ nhà trọ miễn luôn tiền phòng trọ cho người thuê trong tháng 8. Trước đó, bà Dung giảm 50% trong tháng 6 và 7 nhằm chia sẻ gánh nặng với người thuê trọ. Tại đây, đoàn công tác tặng nhu yếu phầm gồm phần quà trị giá 500.000 đồng cho 12 phòng trọ và tặng giấy khen cho bà Dung để động viên, khích lệ tinh thần san sẻ khó khăn của bà.

Covid-19 sáng 17.6: Cả nước tổng cộng 283.696 ca nhiễm, 106.977 ca khỏi | TP.HCM có thêm vắc xin

Trả lời Thanh Niên, bà Trịnh Thị Mỹ Huệ, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.Thủ Đức, cho biết đến nay Thủ Đức đang thực hiện gói an sinh thứ 2 với hơn 34.000 phần, trong đó gồm 1,2 triệu đồng tiền mặt và 300.000 đồng tiền nhu yếu phẩm. Đối tượng được hưởng gói an sinh đợt 2 cũng tương tự đợt 1 là các hộ nghèo, cận nghèo, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Hiện Thủ Đức đã thiết lập được 312 vùng an toàn trên 29 phường và phối hợp cùng các chủ nhà trọ miễn, giảm tiền trọ cho người thuê với hơn 59.000 phòng, số tiền miễn, giảm hơn 43 tỉ đồng. TP sẽ tiếp tục phát động các chủ nhà trọ miễn giảm tiền nhà trọ đến ngày 30.9 để giúp công nhân giảm thu nhập bớt khó khăn.
Chính quyền xã Vĩnh Ngọc (TP.Nha Trang) vận chuyển rau xanh, thực phẩm đến hỗ trợ người dân ẢNH: HIỀN LƯƠNG

Chính quyền xã Vĩnh Ngọc (TP.Nha Trang) vận chuyển rau xanh, thực phẩm đến hỗ trợ người dân

ẢNH: HIỀN LƯƠNG

TP.HCM chuẩn bị 1 triệu túi an sinh
Liên quan công tác cứu trợ người dân gặp khó khăn, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các quận, huyện và TP.Thủ Đức rà soát, thống kê danh sách, sâu sát xuống từng tổ dân phố, khu phố, không để bỏ sót trường hợp nào đang ở nhà trọ gặp khó khăn để TP có gói hỗ trợ riêng.
“Hỗ trợ không chỉ là tiền nhà trọ, lương thực, thực phẩm mà còn cả việc tiêm vắc xin đầy đủ. Đây là đạo lý, bởi trong thời gian không có dịch, họ đem sức lao động đóng góp cho sự tăng trưởng của TP. Trong điều kiện hiện nay thì trách nhiệm của TP phải chăm lo đầy đủ, các địa phương phải chủ động”, ông Phong yêu cầu.

TP.HCM đảm bảo hơn 70% người trên 18 tuổi được tiêm vắc xin Covid-19 trước 15.9

Cùng ngày 16.8, tại buổi họp báo vào buổi sáng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết Trung tâm an sinh của TP.HCM đang chuẩn bị túi an sinh cho các đối tượng khó khăn, tính toán theo gói 5 ngày, 10 ngày và 15 ngày, đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cơ bản.
“Nội dung từng gói hỗ trợ có tham vấn chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia y tế. Trước mắt, TP cố gắng chuẩn bị 1 triệu gói như vậy để hỗ trợ người dân. Trung tâm an sinh TP sẽ điều phối, ghi nhận nhu cầu và phối hợp với các quận huyện thực hiện cho phù hợp”, ông Đức thông tin. Người dân có thể liên hệ với tổ dân phố, khu phố, phường và Trung tâm an sinh, Cổng thông tin 1022…
Bên cạnh đó, ông Đức cho biết TP yêu cầu các quận, huyện và TP.Thủ Đức đẩy nhanh tiến độ gói hỗ trợ lần 2 trị giá khoảng 900 tỉ đồng (đặt mục tiêu giải ngân ngày 15.8 nhưng hiện nhiều địa phương chưa giải ngân xong) để kịp thời hỗ trợ cho lao động tự do, hộ lao động nghèo đang sinh sống trong các khu nhà trọ… gặp khó khăn do dịch Covid-19. Các địa phương huy động nguồn lực hỗ trợ kinh phí thuê phòng trọ, tổ chức tiêm vắc xin để người dân tại các khu vực trên yên tâm ở lại nơi cư trú trong thời gian TP giãn cách xã hội.

Hỗ trợ kịp thời trước khi phong tỏa

Cũng vào chiều 16.8, Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng truyền đạt ý kiến của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng về việc cung ứng thực phẩm cho người dân khi thực hiện 7 ngày “đóng băng” TP (bắt đầu từ 8 giờ sáng qua 16.8). Ông Quảng khẳng định nếu ở đâu thiếu lương thực hoặc lương thực tới tay người dân chậm, không đảm bảo, các cấp không làm đúng trách nhiệm của mình thì báo lên để chính quyền nắm thông tin và xử lý triệt để. Sở LĐ-TB-XH TP.Đà Nẵng đã có tờ trình UBND TP về chính sách an sinh xã hội hỗ trợ người yếu thế.

Cần triển khai thực chất các gói hỗ trợ

Chiều 16.8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.
Tại cuộc họp, Phó thủ tướng lưu ý do một số địa phương phải thực hiện Chỉ thị 16 nhiều ngày nên đời sống nhân dân, kể cả những người trước đây chưa thuộc diện nghèo, khó khăn thì có thể đã và đang rất khó khăn. Do đó, các tỉnh, TP cần triển khai thực chất các gói hỗ trợ theo quy định của T.Ư cũng như các gói hỗ trợ và sự chi viện từ cộng đồng, bảo đảm không có người dân nào bị thiếu đói, thiếu chỗ ở và đều nhận được sự trợ giúp y tế khi có yêu cầu.
Việc hàng ngàn lao động ngoại tỉnh đã dồn về một số cửa ngõ từ TP.HCM đi sang tỉnh khác sau khi TP tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 thêm 1 tháng, có nguyên nhân chính là TP.HCM chưa triển khai đồng bộ, thông tin kịp thời về những chính sách hỗ trợ thiết thực nhằm bảo đảm mọi người dân, nhất là người lao động ngoại tỉnh đang không có việc làm, được bảo đảm có chỗ ở, được trợ cấp về lương thực, được chăm sóc y tế cần thiết.
Tại cuộc họp, các chuyên gia bày tỏ lo ngại khi một số phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin triển khai tại TP.HCM chưa vận hành thông suốt gây tập trung đông người. Ban chỉ đạo yêu cầu Bộ TT-TT khẩn trương cùng với Bộ Y tế, các bộ, ngành tập trung thực hiện các nhiệm vụ để phát triển những công cụ chống dịch bám sát thực tiễn, thiết thực, hiệu quả, thống nhất, thông suốt toàn hệ thống.
Chí Hiếu
Để thực hiện chỉ đạo trên, chính quyền cơ sở các cấp ở Đà Nẵng đã triển khai lực lượng đến từng hộ dân. Điển hình, chính quyền P.Khuê Trung (Q.Cẩm Lệ) đã thành lập 26 tổ hỗ trợ Covid-19 (gồm 6 thành viên/tổ) theo chi bộ khu dân cư từ trước ngày Đà Nẵng phong tỏa toàn TP. Theo bà Trương Thị Kép (61 tuổi, Tổ trưởng tổ dân phố 70, P.Khuê Trung), trước lúc phong tỏa, tổ hỗ trợ kịp chuyển hơn 40 phần quà gửi đến những sinh viên, người yếu thế trong khu vực. Tương tự, để hỗ trợ người dân vùng phong tỏa thuộc Q.Sơn Trà đã phong tỏa trước đó (khoảng 127.000 người dân), hôm qua 16.8, cán bộ một số phường tiếp tục mang tiền mặt đến chi trả (đợt 2) ngay tại nhà dân theo mức 200.000 đồng/khẩu/5 ngày. Theo UBND Q.Sơn Trà, tính đến hôm qua đã có hơn 40,2 tỉ đồng được chi trả hỗ trợ người dân và công tác này vẫn đang tiếp tục.

Bản tin Covid-19 ngày 16.8: TP.HCM chia 3 giai đoạn để kiểm soát dịch bệnh, đổi chiến lược điều trị "5 tầng" thành "3 tầng"

Không để một ai bị đói

Trong ngày 16.8, Báo Thanh Niên tiếp nhận phản ánh “kêu cứu” thiếu thực phẩm của một hộ dân tại tổ dân phố 3 Vườn Dương (P.Phước Tân, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Sau đó, Thanh Niên đã chuyển phản ánh này cho UBND P.Phước Tân giải quyết. Lập tức, bà Võ Thị Thanh Minh, Chủ tịch UBND P.Phước Tân, triển khai hỗ trợ kịp thời cho hộ dân nói trên. Để chủ động thực phẩm cho người khó khăn, hơn tuần qua, xã Vĩnh Ngọc đã huy động ủng hộ hàng chục tấn gạo, rau, củ quả các loại (trong đó Báo Thanh Niên hỗ trợ hơn 9 tấn gạo) để cung cấp miễn phí cho hộ nghèo, hộ neo đơn và hàng ngàn lao động sống trong 1.500 phòng trọ trên địa bàn. TP.Nha Trang đã cung cấp công khai tất cả các số điện thoại của lãnh đạo xã, phường để người dân gọi khi cần hỗ trợ; đồng thời TP triển khai tổ cứu trợ khẩn cấp đến từng tổ dân phố, thôn.

Chi hàng trăm tỉ đồng hỗ trợ

Lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH Bình Dương chiều 16.8 cho biết hiện đơn vị này đã thực hiện chi trả 14 loại chính sách hỗ trợ người dân, người nghèo, yếu thế trong xã hội với số lượng khoảng 104.425 người, số tiền dự kiến chi trả trên 336 tỉ đồng. Đến nay Sở đã chi hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác là 75.697 người với số tiền trên 113 tỉ đồng… Tổng số tiền đã chi gần 200 tỉ đồng, đạt gần 70% khối lượng công việc.
Tại Đồng Nai, theo Sở LĐ-TB-XH, tính đến 16.8, đơn vị này đã trình UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt danh sách trên 48.000 lao động tự do bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, với số tiền trên 72 tỉ đồng. Các địa phương trong tỉnh đã tổ chức chi trả được gần một nửa số tiền (gần 36 tỉ đồng), hiện đang gấp rút chi trả cho những người còn lại. Ngoài ra, Sở LĐ-TB-XH cũng đã phối hợp với Tỉnh đoàn Đồng Nai và các trang mạng xã hội triển khai thu thập nhu cầu người dân có nguyện vọng về quê để trao đổi, làm việc với các tỉnh, thành lên kế hoạch đưa công dân về quê. Chỉ sau 3 ngày triển khai, hiện đã có hơn 20.000 người dân đăng ký về quê qua cổng thông tin do Tỉnh đoàn và Sở phối hợp thực hiện.
Ông Lưu Thành Nhân, Phó chủ tịch UBND TP.Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), cho biết TP đang triển khai quyết liệt “thời cơ vàng” trong 7 ngày cách ly toàn TP để khống chế dịch bệnh. Nếu khó khăn, người dân gọi điện thoại cho ban hỗ trợ các xã, phường đã công khai niêm yết, hoặc các tổ, đội túc trực tại các chốt kiểm soát dịch để được hỗ trợ. “TP đã có chính sách hỗ trợ nhanh cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn mỗi hộ 300.000 đồng để họ trang trải. Tinh thần là TP không để một ai bị đói”, ông Nhân chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.