Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cho biết trong 7 ngày từ 29.7 - 4.8, tại Bắc bộ đã xảy ra mưa lớn từ 150 - 250 mm, có nơi trên 300 mm. Mưa lớn đã gây sạt lở đất, ngập lụt cục bộ làm 2 người chết, sạt lở 67 vị trí giao thông, thiệt hại nhiều nhà cửa, tài sản của người dân và công trình cơ sở hạ tầng.
Mưa lớn nhiều nơi, nguy cơ cao sạt lở đất
Tại TX.Sa Pa (Lào Cai) tối 4.8 xảy ra mưa lớn khiến nhiều khu vực ngập cục bộ, sạt lở đất, đá gây ách tắc, chia cắt tạm thời đường giao thông và ảnh hưởng đến nhiều hộ dân. Tại Lai Châu, ảnh hưởng của đợt mưa lớn từ ngày 31.7 - 3.8 khiến kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên tuyến QL4H đoạn Pắc Ma (H.Mường Tè) đi H.Mường Nhé (Điện Biên) hư hỏng nặng nề.
Tại Sơn La, mưa to, gió lốc khiến 18 nhà dân bị sạt lở ta luy dương, nước tràn vào nhà; 18 ha lúa bị ngập úng, đất đá vùi lấp; hơn 11 ha ngô bị gãy đổ; gần 2 ha ao cá bị lũ cuốn trôi. Mưa lũ tại tỉnh này còn làm sạt lở 5 điểm gây tắc đường cục bộ trên QL279D; 16 điểm trên các tuyến tỉnh lộ, liên xã bị sạt lở, chiều dài khoảng 615 m; hư hỏng 1 cầu treo… Ước tính thiệt hại hơn 2,4 tỉ đồng.
Tại Điện Biên, mưa lũ gây ảnh hưởng 36 nhà, gây thiệt hại gần 100 ha lúa mùa và ngô hè thu. Tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra ước tính gần 6 tỉ đồng. Trong đó, riêng H.Mường Nhé thiệt hại trên 4,6 tỉ đồng. Tại Hòa Bình, trong 2 ngày 4 và 5.8, trên tuyến QL6 (H.Mai Châu) liên tục xuất hiện điểm sạt lở đất đá từ trên đồi xuống đường gây cản trở giao thông.
Ngoài ra, các tỉnh, TP khác như Cao Bằng, Yên Bái, Bắc Kạn, Hà Nội, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bến Tre, Đồng Nai, Cà Mau, Trà Vinh cũng chịu ảnh hưởng nặng nề về tài sản và hoa màu do mưa lũ và sạt lở đất.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 6 - 7.8, ở khu vực Bắc bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có giông; các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh có mưa rào và giông, cục bộ có mưa vừa, mưa. Các chuyên gia khí tượng cảnh báo từ nay đến hết ngày 8.8, miền Bắc tiếp tục xảy ra mưa lớn diện rộng, vùng chịu ảnh hưởng chính là Tây Bắc bộ và các tỉnh biên giới phía bắc. Mưa lớn khiến nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất. Ngoài ra, còn có thể xảy ra giông lốc và gió giật mạnh.
Đảm bảo an toàn dân cư, hồ đập
Trước diễn biến bất thường của thiên tai, ngày 4.8, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó mưa lũ, sụt lún, bảo đảm an toàn hồ đập tại các tỉnh Tây nguyên.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và các địa phương khác ở Tây nguyên tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng tại các Công điện số 607/CĐ-TTg, Công điện số 691/CĐ-TTg và Văn bản số 302/TB-VPCP. Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu thiếu trách nhiệm để xảy ra sự cố mất an toàn hồ đập gây thiệt hại tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai) phân công một thứ trưởng chủ trì, phối hợp với Bộ TN-MT, Bộ GTVT, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng khẩn trương kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng ngừa, khắc phục thiên tai tại khu vực Tây nguyên, nhất là công tác bảo đảm an toàn dân cư, an toàn hồ đập, sạt lở, sụt lún đất ở các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông.
Cử chuyên gia có kinh nghiệm hỗ trợ các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông nghiên cứu, đánh giá về mức độ an toàn của các hồ Đông Thanh, Đắk N'Ting để có biện pháp xử lý phù hợp, bảo đảm an toàn công trình và an toàn dân cư.
Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và các bộ, ngành khác có liên quan tiếp tục theo dõi, chủ động chỉ đạo, phối hợp với địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, kịp thời đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.
Ngày 5.8, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các cấp liên quan huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại nhà ở, sản xuất nông nghiệp; khắc phục nhanh các tuyến giao thông bị sạt lở. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Đắk Nông phân luồng, phân làn giao thông đường Hồ Chí Minh
Cũng trong ngày 5.8, Sở GTVT Đắk Nông cho biết vừa có văn bản thông báo về việc phân luồng, phân làn giao thông đường Hồ Chí Minh, đoạn qua địa bàn TP.Gia Nghĩa (còn gọi là QL14).
Theo đó, rạng sáng 2.8, tại Km 1.900+350 (trái tuyến, đoạn qua TP.Gia Nghĩa), mặt đường Hồ Chí Minh xuất hiện nhiều vết nứt ở phần vỉa hè, phạm vi ảnh hưởng khoảng 200 m, có nguy cơ sạt lở cao. Sở GTVT Đắk Nông đã phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra hiện trường, thống nhất phương án phân luồng, phân làn giao thông để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến.
Các loại xe tải có khối lượng chuyên chở trên 3,5 tấn; ô tô khách trên 16 chỗ ngồi (trừ xe buýt, xe chở khách có bến đến, bến đi trong nội thành TP.Gia Nghĩa) lưu thông theo đường tránh đô thị Gia Nghĩa.
Tạm thời cấm tất cả loại xe lưu thông trên 1/2 đường có nguy cơ sạt lở (bao gồm phần đường chính, phần đường gom trái tuyến hướng TP.Buôn Ma Thuột đi TP.Gia Nghĩa). Phân làn đối với đường chính và đường gom phải tuyến (1/2 đường còn lại) như sau: phần đường chính dành cho các phương tiện tham gia giao thông hướng TP.Gia Nghĩa đi TP.Buôn Ma Thuột; phần đường gom dành cho các phương tiện tham gia giao thông hướng TP.Buôn Ma Thuột đi TP.Gia Nghĩa. Thời gian thực hiện phân luồng, phân làn giao thông từ 0 giờ ngày 4.8, đến khi có thông báo thay đổi việc phân luồng, phân làn của Sở GTVT Đắk Nông.
Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh
Cảnh báo sạt lở đường từ Bình Phước đi Lâm Đồng
Ngày 5.8, UBND xã Thống Nhất (H.Bù Đăng, Bình Phước) cho biết đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại khu vực sạt lở thuộc dốc 5 Cây, đường ĐT755B (thường gọi là đường Sao Bọng - Đăng Hà), đoạn qua thôn 10, xã Thống Nhất. Đây là tuyến đường kết nối giữa Bình Phước đi Lâm Đồng.
Trước đó, ngày 4.8, sau khi nhận được thông báo của người dân về tình hình mưa lớn gây sạt lở tại khu vực dốc 5 Cây, UBND xã Thống Nhất đã phối hợp Khu quản lý đường bộ Sở GTVT Bình Phước và ngành chức năng H.Bù Đăng đến nắm tình hình, giăng dây, cắm biển cảnh báo nguy cơ sạt lở.
Qua ghi nhận thực tế, đoạn dốc 5 Cây có một đoạn sạt lở dài khoảng 20 m, đất từ trên đỉnh đồi sạt lở lấp xuống lề đường và có nguy cơ tiếp tục sạt lở khi mưa lớn.
Hoàng Giáp
Bình luận (0)