Khát vọng hòa bình: Có đi qua chiến tranh mới thấu!

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
21/07/2022 07:00 GMT+7

Với một đất nước chịu nhiều đau thương do chiến tranh gây ra, đến tận bây giờ nhiều sự mất mát vẫn đang còn hiện hữu… thì giá trị của hòa bình hết sức thiêng liêng. Đó đã là khát vọng - khát vọng hòa bình.

Đánh đổi máu xương để lấy… hòa bình

Những ngày tháng 7, đi khắp Quảng Trị, đi đâu cũng thấy màu áo xanh của các cựu chiến binh. Họ từ mọi miền đất nước về với Quảng Trị - mảnh đất bị bom đạn giày xéo trong chiến tranh, để thắp nén hương thơm tri ân đồng đội, nhắc nhớ lại quá khứ hào hùng một thời họ đã sống. 75 năm, kể từ khi có Lễ kỷ niệm ngày Thương binh-Liệt sĩ (27.7), là 75 “mùa tri ân” diễn ra ở Quảng Trị như thế…

Dòng sông thiêng Thạch Hãn những ngày tháng 7

Thanh Lộc

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi năm 2022 này, cũng là thời điểm kỷ niệm 50 năm sự kiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Năm 1972, nơi này đã ghi dấu một cuộc chiến lịch sử mà những cái tên như chốt Long Quang, Ngã ba Long Hưng, Trường Bồ Đề, Bến sông Thạch Hãn… được ví như những “bức tường thép” đã đi vào huyền thoại. Có lẽ vì thế mà những cựu binh trở về bên dòng sông Thạch Hãn nhiều hơn mọi năm, những nén hương thắp trên ngôi mộ chung giữa lòng Thành Cổ cũng dày dặn hơn và cả những chiếc đèn hoa đăng được thả trên dòng sông thiêng về đêm cũng rực sáng hơn…

Về thăm chiến trường xưa, cựu binh Nguyễn Văn Hợi (76 tuổi, nguyên Trợ lý Quân lực của Tiểu đoàn K3 - Tam Đảo) vẫn… cứ ngỡ như ngày hôm qua

Thanh Lộc

Thắp nén hương cho đồng đội giữa Thành Cổ, lững thững tản bộ ngắm nhìn những bè hoa trôi trên dòng sông mà trước đây 50 năm bao nhiêu đồng đội đã nằm lại, cựu binh Nguyễn Văn Hợi (76 tuổi, nguyên Trợ lý Quân lực của Tiểu đoàn K3 - Tam Đảo) cứ ngỡ như mọi thứ mới xảy ra ngày hôm qua. Rằng lời thề “K3 Tam Đảo còn Thành cổ Quảng Trị còn” vẫn còn vang vọng trong đầu ông, với những giọng nói hào sảng của đồng đội. “Chúng tôi đã thề bảo vệ Thành Cổ bằng mọi giá, người này ngã xuống, người khác xông lên. Ngày chúng tôi sang sông Thạch Hãn để vào Thành cổ Quảng Trị chiến đấu có 325 người, trong 81 ngày đêm ấy thêm lực lượng bổ sung gấp 3 - 4 lần như vậy nhưng số người còn lại thì rất ít. Dù thế, giữa mưa bom bão đạn, chúng tôi chưa bao giờ bị bẻ gãy về quyết tâm, ý chí bảo vệ Thành cổ”, ông Hợi nói.

Nhiều cựu binh tìm về bến sông Thạch Hãn để tưởng nhớ đồng đội

Thanh Lộc

Cựu binh Phạm Huy Hoạt (quê Thanh Hóa, Sư đoàn 320 từng chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị) cũng không nén nỗi xúc động khi được trở lại chiến trường xưa thăm đồng đội sau bao năm âm dương cách biệt. “Đồng đội tôi nay đã hóa vào từng tấc đất nơi đây, từng gốc cây, từng con nước Thạch Hãn…Còn rất nhiều người chưa thể trở về. Trận Thành cổ ngày xưa quá ư là khốc liệt nhưng có lẽ giờ nhìn lại đó là cái giá của độc lập, cái giá của hòa bình hôm nay”, ông Hoạt nói.

Để có hòa bình hôm nay, đã có bao thế hệ người lính đã hy sinh

Nguyễn Phúc

Cả 2 vị cựu binh, tóc đã hoa râm, da đã mồi, nhưng vẫn nói rằng thời chiến tranh, họ đã chiến đấu, đã đánh đổi tất cả, kể cả máu xương, tính mạng chỉ để có được 2 chữ… hòa bình. Thì nay, khi đất nước đã hòa bình, khát vọng để hòa bình được trường tồn mãi mãi là một khát vọng nhân văn và dễ hiểu.

Hiến dâng những trụ cột của gia đình cho Tổ quốc để có được hòa bình hôm nay!

Sáng 19.7, tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng cho 26 Mẹ đã có những người con, người chồng hy sinh anh dũng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, thì chỉ có duy nhất Mẹ Lê Thị Mót (xã Gio Sơn, H.Gio Linh, Quảng Trị) còn sống.

Mẹ Lê Thị Mót (xã Gio Sơn, H.Gio Linh, Quảng Trị) là người duy nhất còn sống để nhận danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng ở Quảng Trị dịp này

Nguyễn Phúc

Mẹ Mót nay đã 90 tuổi, lưng đã còng, chân đã yếu, để bước lên sân khấu nhận được danh hiệu vinh dự Nhà nước, Mẹ cần đến 3 người dìu. Gương mặt hồn hậu của Mẹ không biểu lộ quá nhiều cảm xúc, nhưng vẫn mang mác buồn, mãi đến khi được lãnh đạo tỉnh Quảng Trị thăm hỏi, Mẹ mới nở nụ cười nhẹ tênh…

Giọt nước mắt của Mẹ Mót trong ngày tháng 7, khi chiến tranh đã lùi xa hàng vài chục năm trời

Nguyễn Phúc

Bà Phạm Thị Lệ Thu (con dâu của Mẹ Mót) cho biết, chiến tranh qua đi, Mẹ Mót mất chồng, một đứa con trai, một người em trai… Nỗi đau quá lớn nhưng Mẹ vẫn vững vàng để sống, để nuôi con. Đời Mẹ Mót cũng như mẹ chồng của Mẹ, bà Bùi Thị Bài (cũng là Mẹ Việt Nam Anh hùng, có 2 con trai hy sinh trong chiến tranh). “Tôi cũng là một người mẹ. Mất chồng, mất con… ai mà không đau nhưng bà tôi, mẹ tôi… đã hiến dâng những trụ cột của gia đình cho Tổ quốc này. Tất cả cũng chỉ để có được hòa bình như ngày hôm nay”, bà Thu nói.

Phòng CSGT (Công an Quảng Trị), CLB mô tô TP.Đông Hà, Công ty may Miền trung đến thăm Mẹ Mót những ngày tháng 7

Nguyễn Phúc

Bà Thu bảo rằng với Mẹ Mót không danh hiệu nào có thể đánh đổi lại sự sống của chồng, của con, nhưng hẳn sẽ yên lòng ở cái tuổi gần đất xa trời này khi nghĩ rằng sự hy sinh đó là vì lý tưởng, góp sức mang lại bình yên cho quê hương, đất nước…

Cũng trong khán phòng của buổi lễ đó, bà Lê Thị Huyên (56 tuổi, trú TT.Hồ Xá, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị) ôm khư khư tấm bằng danh giá của Nhà nước truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng cho bà ngoại của mình là Mẹ Hoàng Thị Thuyết. “Bà tôi mất đã lâu nhưng giờ mới được truy tặng danh hiệu cao quý này. Trong khi đó, mẹ tôi cũng là liệt sĩ, hy sinh năm 1967. Thực sự, bản thân tôi là… nạn nhân của chiến tranh, nhưng tôi cũng là người được hưởng những điều tốt đẹp của hòa bình hôm nay nhờ sự hy sinh của mẹ, của bà mình”, bà Huyên nghẹn ngào nói.

Bà Lê Thị Huyên và tấm bằng truy tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng của bà ngoại của mình

Nguyễn Phúc

Với bà Huyên, hòa bình là sự đánh đổi rất lớn của người thân và bà tin rằng người bà, người mẹ của mình, ngày xưa chắc cũng khát khao một lần được biết đến hòa bình.

Khi đi được biết T.Ư Đoàn và UBND tỉnh Quảng Trị sắp tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt Khát vọng hòa bình vào đêm 24.7 tại Quảng trường Giải phóng TX.Quảng Trị, Mẹ Mót, bà Thu, bà Huyên đều khen cái tên của chương trình rất có ý nghĩa. Vì đường xa, vì sức khỏe, họ sẽ khó lòng đến xem trực tiếp nhưng cho biết sẽ theo dõi qua ti vi. “Để có hòa bình bao người đã đánh đổi mạng sống, trong đó có người thân của chúng tôi, tôi mong chương trình sẽ chạm đến cảm xúc của những người ở lại. Bởi có đi qua chiến tranh, mới hiểu hết giá trị của hòa bình”, bà Huyên trải lòng.


Khát vọng hòa bình là chương trình do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo, Báo Thanh Niên tổ chức, sẽ diễn ra lúc 20 giờ ngày 24.7, tại Quảng trường TX.Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị), truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, có sự tham gia của các ca sĩ Thanh Lam, Tùng Dương, Đinh Hương, Đông Hùng, Bảo Trâm, Đinh Quang Đạt, nhóm The Wings, Thăng Long; MC Lê Anh - Hồng Nhung; tổng đạo diễn: Minh Trí; giám đốc âm nhạc: Dương Cầm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.