Khi lính hình sự cầm quân

Đỗ Trường
Đỗ Trường
16/08/2020 06:32 GMT+7

Nhiều cán bộ, chiến sĩ trẻ tiếp nối truyền thống Công an Nhân dân Việt Nam anh hùng, sẵn sàng chấp nhận hy sinh và hành động vì an ninh Tổ quốc...

Ngày càng có nhiều lớp cán bộ, chiến sĩ trẻ vững vàng tiếp nối truyền thống Công an Nhân dân Việt Nam anh hùng; luôn ý thức nêu cao tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng chấp nhận hy sinh và hành động vì an ninh Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên của người dân...
Là 1 trong 75 gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” (giai đoạn 2015 - 2020) được Bộ Công an tuyên dương, thượng úy Trần Văn Thông, 30 tuổi, Đội phó Đội cảnh sát hình sự (CSHS) Công an TP.Thuận An (Bình Dương) từng được giao nhiều trọng trách, tham gia phá những chuyên án lớn, trở thành tấm gương tiêu biểu của cảnh sát hình sự...

Dàn trận đánh úp sới bạc

Xuất thân từ gia đình nông dân, không phải “con nhà nòi”, nhưng với tố chất ham học hỏi, rèn luyện, thượng úy Trần Văn Thông đã từng bước trưởng thành trong lực lượng công an. Chuyên án mà thượng úy Thông nhớ nhất là trận đánh úp sới bạc ở P.Bình Chuẩn (TP.Thuận An) vào cuối năm 2018. Lúc đó, anh Thông đang là lính của Đội CSHS Công an TX.Thuận An (nay là TP.Thuận An) với cấp bậc trung úy. Đây là chuyên án nhớ đời đối với anh, bởi lúc đó mặc dù là lính của Đội CSHS nhưng được cấp trên tin tưởng, lần đầu tiên được giao “cầm quân” đánh úp sới bạc.
Theo thượng úy Thông, vào thời điểm tháng 12.2018, qua thời gian trinh sát, đeo bám địa bàn, anh phát hiện sới bạc do Hồ Viễn Phương (41 tuổi, ngụ Bình Dương) tổ chức bằng hình thức đá gà, lắc tài xỉu... thu lợi mỗi ngày trên 400 triệu đồng.
Sới bạc được Phương bố trí trong khu vườn tràm rộng hàng chục héc ta có người canh giữ, cảnh giới đến 4 vòng mới ra vào được sới bạc. Để nắm rõ quy luật hoạt động của các đối tượng, trong lúc trinh sát, thượng úy Thông đã cẩn thận dùng kìm cắt những bụi cây để đánh dấu lối ra vào. Sau khi nắm rõ hoạt động của sới bạc, đối tượng cầm đầu..., thượng úy Thông quyết định báo cáo cấp trên lập chuyên án đấu tranh, trấn áp. Và thật bất ngờ, ngay thời điểm chuyên án được lập, anh được giao nhiệm vụ chủ công, chỉ huy 70 cảnh sát cơ động, trật tự, công an, dân quân phường... sẵn sàng đánh úp sới bạc.
Để đảm bảo công tác bí mật và đấu tranh, trấn áp hiệu quả tuyệt đối, thượng úy Thông bố trí lực lượng mật phục với khoảng 35 chiến sĩ, áp sát sới bạc. Số chiến sĩ còn lại, anh bố trí đón lõng, chặn bắt từ xa khi các đối tượng đánh bạc tháo chạy.
Thượng úy Trần Văn Thông trong một lần cảm hóa đối tượng hình sự

Thượng úy Trần Văn Thông trong một lần cảm hóa đối tượng hình sự

ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG

Đúng 2 giờ sáng 1.12.2018, thượng úy Thông trực tiếp đưa lực lượng vào vị trí mật phục, mặc dù đến khoảng 9 giờ sáng sới bạc mới hoạt động. Trong quá trình mật phục thì xuất hiện đối tượng cảnh giới của sới đi vệ sinh ngay vị trí lực lượng mật phục. Lúc này đối tượng cảnh giới phát hiện có công an đang bao vây nên có ý định tẩu thoát. Ngay tức khắc, thượng úy Thông từ vị trí mật phục vùng dậy khống chế đối tượng trong tích tắc, không một tiếng kêu la.
Sau đó, các chiến sĩ tiếp tục mai phục đến khoảng 12 giờ trưa, chờ đến thời điểm sới bạc hoạt động cao điểm. Lúc đó, thượng úy Thông nổ súng phát lệnh bao vây sới bạc theo hướng trước mặt các chiến sĩ đang mai phục, và để trống một hướng cho các đối tượng đánh bạc tháo chạy. Tuy nhiên, hướng để trống này đã được thượng úy Thông bố trí lực lượng cách xa sới bạc khoảng hơn 100 m. Khi các đối tượng đánh bạc chạy bộ xuống sức thì lực lượng đón lõng, chặn bắt áp sát, khống chế. "Vụ đánh đánh úp sới bạc thành công với 75 đối tượng bị bắt giữ, thu giữ tang vật trên 1 tỉ đồng... Khi mở rộng điều tra, công an còn thu giữ 2 khẩu súng K59, 20 đao, mã tấu và 1 quả lựu đạn", thượng úy Thông kể.

Cơ duyên cảnh sát hình sự

Một kỷ niệm khó quên đối với thượng úy Thông là khi anh bị lực lượng tuần tra vũ trang Công an tỉnh Ninh Bình bắt giữ vào năm 2017. Thời điểm đó, thượng úy Thông cùng một chiến sĩ trong đội được phân công truy bắt Nguyễn Hữu Khẩn (37 tuổi, ngụ Nghệ An), chuyên trộm cắp rơ moóc xe container. Phát hiện công an truy lùng, Khẩn đã thuê 1 xe ô tô tự lái ở Bình Dương để chạy ra các tỉnh phía bắc tìm đường lẩn trốn qua Trung Quốc.
Khi xác định được hướng đối tượng di chuyển, thượng úy Thông đã lựa chọn hình thức đi máy bay ra Nghệ An để đón lõng. Khi vừa đến Nghệ An, anh liên hệ ngay với Công an tỉnh Nghệ An và được cho mượn một chiếc xe máy. Khi Khẩn đến địa phận Nghệ An, anh dùng xe máy truy đuổi được khoảng 50 km thì xe bị hư hỏng. Lúc này, anh gửi lại xe máy ở một trạm công an trên địa bàn rồi thuê xe taxi đuổi theo Khẩn. Khi ra đến địa phận tỉnh Ninh Bình thì bị mất dấu nghi phạm.
Trong lúc đi bộ trên đường phố Ninh Bình vào ban đêm, bất ngờ thượng úy Thông bị bắt giữ do trong người có mang theo súng. Sau khi chứng minh được là CSHS đang truy bắt tội phạm, lực lượng tuần tra của Công an Ninh Bình đã hỗ trợ truy tìm Khẩn. Khi tìm được Khẩn đang ngủ ở trên xe ô tô bên lề đường, thượng úy Thông cùng tổ tuần tra đã bao vây áp sát. Lúc này Khẩn bất ngờ phát hiện ra công an thì lập tức nổ máy xe ô tô, tông văng 2 xe mô tô của công an để tháo chạy. Sau khoảng hơn 10 km bị truy đuổi, Khẩn lái ô tô đâm xuống ruộng và ngay lập tức thượng úy Thông lao xuống khống chế, tóm gọn. Qua điều tra, Khẩn khai nhận đã thực hiện 14 vụ trộm rơ moóc xe container ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM.
Kể về quá trình công tác của mình, thượng úy Thông cho biết cơ duyên anh bước vào ngành công an rất tình cờ. Rồi sau đó anh trở thành một CSHS “đanh thép”, khiến nhiều loại tội phạm phải khiếp sợ. “Năm 2009, lúc đó tôi đang ngồi trên ghế nhà trường, tình cờ đơn vị Công an TX.Thuận An đi tuyển sinh trong các trường phổ thông và phát cho tôi một tờ giấy đăng ký tuyển sinh. Lúc đó, cả trường duy nhất có mình tôi đăng ký thi trung cấp cảnh sát, chuyên ngành CSHS. Trong đầu lúc đó cũng chưa hình dung được công việc sau khi học xong sẽ như thế nào, nhưng vì yêu thích màu áo cảnh sát nên tôi đã đăng ký thi và cho đến sau này học lên đại học tôi vẫn thích, học chuyên ngành CSHS ”, anh Thông kể.
Năm 2011, sau khi ra trường trung cấp, thượng úy Thông được phân công về công tác tại Đội CSHS Công an Thuận An, địa phương nơi anh sinh ra và lớn lên. Từ đó đến nay, vừa tham gia công tác, vừa học nâng cao, đến nay anh đã tốt nghiệp đại học cảnh sát và trở thành một cán bộ CSHS giỏi, được nhiều người dân và đồng nghiệp tin yêu, mến mộ.

Từng bị chém thủng lưng

Đó là câu chuyện xảy ra vào năm 2016, sau 5 năm thượng úy Trần Văn Thông bước vào ngành công an. Lúc này, anh tham gia công tác phòng chống cướp giật trên địa bàn Thuận An. Khoảng 8 giờ sáng 8.8.2016, trong lúc đi tuần tra, sau khi nghe tiếng tri hô cướp, anh Thông phát hiện 2 đối tượng (1 nam, 1 nữ) đi xe máy phóng vọt qua. Anh Thông tăng tốc truy đuổi hơn 5 km thì áp sát tông ngã xe khống chế đối tượng nam. Ngay lúc này, đối tượng nữ đi cùng rút dao mang theo sẵn trong người tấn công anh Thông để giải thoát cho đồng bọn. Anh Thông bị đối tượng chém thủng lưng nên không khống chế được đối tượng nam. Sau đó, 2 đối tượng này tiếp tục lấy xe máy bỏ chạy.
Mặc dù bị thương ở lưng, anh Thông vẫn quyết đeo bám, truy đuổi đối tượng đến khu vực TP.Dĩ An (Bình Dương) thì được người dân hỗ trợ bắt gọn 2 đối tượng là Cao Hồng Phúc và Trần Thị Kim Yến (cùng 25 tuổi, ngụ TP.HCM). Phúc và Yến đều có tiền án, vừa chấp hành xong án phạt tù lại tiếp tục đi cướp giật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.