Cổ vật niên đại trải dài 2.500 năm
Hàng chục năm tâm huyết, đam mê sưu tầm và nghiên cứu di vật, cổ vật, từ năm 1994 đến nay linh mục Nguyễn Hữu Triết đã sở hữu một số lượng lớn hiện vật, đa dạng về chủ đề và loại hình, phong phú về chất liệu, đề tài trang trí, có xuất xứ từ Việt Nam cùng nhiều quốc gia trong khu vực: Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Myanmar, Campuchia… và trên khắp thế giới, niên đại trải dài khoảng 2.500 năm (đến trước năm 1975).
Khách tham quan triển lãm sáng 28.4 |
Hiện vật độc đáo trong triển lãm có thể kể đến những chiếc đèn làm từ thời Đông Sơn, thời Lý, Trần, Lê, Mạc…, hoặc có xuất xứ từ nền văn minh Ả Rập được “tuyển” trong tổng số 1.700 đèn dầu hiện có của linh mục Nguyễn Hữu Triết.
Từ đèn bằng sứ thời nhà Lý chỉ là một chiếc đĩa đơn giản đến những chiếc đèn Pháp chứa được 7,5 lít dầu, hay chiếc đèn Ấn Độ cao 1,5 m, có tới 5 ngọn. Rồi đèn bằng sứ thời vua Đạo Quang (nhà Thanh, Trung Quốc) và cả những chiếc đèn Chămpa của các thế kỷ 7, 8. Chưa kể một số chiếc đèn cổ của các nước Nhật, Anh, Mỹ, Đức, Malaysia... lạ mắt, chạm trổ tinh xảo, độc đáo, thu hút khách đến thưởng lãm.
Linh mục Nguyễn Hữu Triết cũng sở hữu số lượng lớn lục lạc, với khoảng 600 hiện vật. Đây là vật dụng được con người chế tác và sử dụng từ thời tiền sơ sử với nhiều công năng như: nhạc cụ, đồ trang sức, vật trang trí trên trang phục. Lục lạc có kích thước lớn còn được sử dụng để đeo vào cổ các con vật như voi, trâu, bò, ngựa. Kiểu dáng phong phú: dạng tròn, hình trứng, hình cầu, có loại giống như chiếc chuông hay cái loa; phong phú về chất liệu gồm bạc, đồng hay có loại bằng gỗ, gốm. Hoa văn của lục lạc thường là những đường vạch chỉ, ảnh hưởng hoa văn văn hóa Đông Sơn, văn hóa Đồng Nai và nam Tây nguyên.
Tham quan triển lãm, người xem còn bất ngờ với nhiều loại cân - một dụng cụ đo trọng lượng hoặc tính toán khối lượng, đã xuất hiện từ khoảng 2.000 năm trước Công nguyên: cân đĩa, cân đòn gánh, cân bàn, cân tiểu ly, cân điện tử. Khi du nhập vào Việt Nam, cân được cải biến lại để phù hợp với tập quán thương mại của người Việt. Đi kèm với chiếc cân còn có những quả cân với nhiều kích cỡ, trọng lượng nhằm phục vụ tối ưu cho nhu cầu đo lường. Một số quả cân bằng kim loại của các nước Đông Nam Á có giá trị mỹ thuật khi được đúc thành nhiều hình tượng động vật khác nhau, hoặc quả cân bằng gốm của Trung Quốc có kèm theo dòng chữ Hán: Công bình giao dịch, Thiên lý lương tâm.
“Kho báu” ngàn năm còn trưng bày các loại bình vôi dùng trong sinh hoạt gia đình và cộng đồng, bình vôi dùng cho giới quý tộc hoặc bình dân; loại ống vôi thường được mang theo khi đi ra ngoài, cơi đựng trầu, ống nhổ, cối, chìa ngoáy, hộp đựng… với chất liệu gốm và kim loại, thể hiện giá trị nghệ thuật cao qua kỹ thuật, mỹ thuật trang trí. Ngoài ra, còn các loại lư hương, bát nhang gốm thời Trần (thế kỷ 13 - 14), thời Mạc (thế kỷ 16 - 17), lư hương gốm Thổ Hà (thế kỷ 17 - 18), đặc biệt là lư đồng thời Nguyễn (thế kỷ 19)…
Một số hiện vật quý tại triển lãm Nguyễn Hữu Triết - Tâm huyết một đời người: bình tỳ bà gốm Chu Đậu, Hải Dương thế kỷ 15 - 16 |
Lục lạc đồng thế kỷ 18 - 19 |
Bộ dụng cụ ăn trầu thế kỷ 19 |
Lư hương gốm men nâu Phù Lãng, Bắc Ninh thế kỷ 17 - 18 |
THẢO NGUYÊN - QUỲNH TRÂN |
“Tâm huyết một đời người”
Linh mục Nguyễn Hữu Triết (sinh năm 1945), Chánh xứ Tân Sa Châu (Q.Tân Bình, TP.HCM), từng chia sẻ ông đến với nghề sưu tầm cổ vật như định mệnh. Khi vị giáo xứ già đột ngột qua đời, ông tiến hành dọn dẹp lại căn phòng cho người đã khuất thì vô tình nhìn thấy 6 chiếc đèn dầu “báu vật”, từ đó linh mục bắt đầu tập tành đến với nghề sưu tầm đèn dầu xưa, để rồi sau 30 năm trở thành một trong những nhà sưu tập cổ vật hàng đầu tại Việt Nam.
Về triển lãm lần này, nhà nghiên cứu Lương Chánh Tòng nhận xét: “Các hiện vật gốc tại triển lãm rất phong phú và đa dạng, được ban tổ chức sắp xếp theo nhiều chủ đề trọng tâm, kéo dài qua nhiều giai đoạn của lịch sử với những nền văn hóa khác nhau: Đông Sơn, Đại Việt, Chămpa và cả phương Tây; các loại hình gốm có từ thời Lý đến thời Lê…, nên người xem thấy như hồi tưởng được lịch sử từ hiện vật”.
Theo Phó chủ tịch Hội Cổ vật TP.HCM Nguyễn Văn Phẩm: “Dù có trong tay số lượng hiện vật khủng và vô cùng giá trị để lại cho đời sau nhưng cha Nguyễn Hữu Triết rất khiêm tốn, chỉ nhận mình là “người làm ve chai lông vịt”, nhặt nhạnh những thứ người ta bỏ đi”.
Ông Phẩm cho biết thêm: “Tiếc là do tuổi cao sức yếu, bệnh ung thư lại đang trở nặng nên hôm nay linh mục Nguyễn Hữu Triết phải vào thuốc ở bệnh viện. Tuy nhiên, Hội Cổ vật và Bảo tàng Lịch sử TP.HCM đã thực hiện được khao khát bấy lâu nay của cha với công việc mà ông tâm huyết dành trọn cả cuộc đời”.
Như vậy, sau gần 2 năm tạm dừng hình thức triển lãm trực tiếp, với trưng bày cổ vật Nguyễn Hữu Triết - Tâm huyết một đời người, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM và Hội Cổ vật TP.HCM đã mang đến cho người xem một “bữa tiệc” thưởng lãm vô cùng ấn tượng.
Bình luận