Phát tán suốt đêm
Lò nấu sắt thuộc Doanh nghiệp tư nhân Ngọc Tâm được cấp giấy đăng ký doanh nghiệp (DN) vào tháng 2.2003 với hoạt động sản xuất sắt, thép, gang (luyện, nấu, cán, ké thép). Năm 2012, DN này từng bị buộc tạm ngưng hoạt động để khắc phục cơ sở vật chất, kỹ thuật nhằm bảo vệ môi trường, sau đó hoạt động trở lại cho đến nay.
Nhiều đêm liền có mặt tại đây, PV Thanh Niên ghi nhận lò nấu sắt phế liệu này chỉ hoạt động về đêm (từ 22 giờ đến khoảng 4 giờ hôm sau). Thời điểm lò nấu sắt hoạt động, một lượng khí thải lớn phát tán ra môi trường xung quanh. Càng về khuya, độ ẩm cao khiến làn khói khí thải bay là là mặt đất, tràn vào nhà dân với mùi hôi nồng nặc, cay sè đôi mắt. Nhà của ông Vương Văn Bơi (58 tuổi), cách lò sắt khoảng 200 m, thường xuyên phải đón nhận những làn khói từ lò nấu sắt theo gió tràn vào. Lo lắng sức khỏe bị ảnh hưởng, vợ chồng ông phải xây căn phòng có máy lạnh để làm nơi trú ẩn. “Con cái nhiều lần bảo vợ chồng tôi bán đất dời nhà đi nơi khác. Nhưng ở đây, hai vợ chồng tôi phải bám vào cái quán cà phê đắp đổi qua ngày nên ráng chịu đựng. Nhiều lần tôi làm đơn kiến nghị, ôm đến tận cửa nhiều cơ quan để nộp nhưng rồi cũng đâu vào đó”, ông Bơi buồn bã nói.
Ông Hồ Văn Ơn thì nói: “Tôi hít thở không biết bao nhiêu lượng khói thải của lò sắt thải này. Mấy tháng trước tôi thấy người không khỏe nên đến TP.HCM khám và được chẩn đoán ung thư vòm họng. Tôi vô cùng hụt hẫng. Tôi chẳng dám nói bệnh do lò nấu sắt gây ra nhưng nói không liên quan sức khỏe, bệnh tật của dân thì không đúng chút nào”. Còn bà Trần Thị Côi (82 tuổi) có con trai đã chết vì căn bệnh ung thư cách đây vài năm, khi nhắc đến khói phát ra từ lò sắt đã không kìm được nỗi thất vọng trước sự quá trậm trễ của chính quyền. Bà Côi cũng từng ký đơn kiến nghị dẹp lò nấu sắt này. “Tối ngủ không thở nổi thì làm sao mà sống. Tôi lớn tuổi rồi, chết cũng không sao nhưng mấy đứa cháu nhỏ thì phải làm sao?”, bà Côi nói.
Chờ thanh tra
Theo nhiều người dân xã Thạnh Đức, họ đã nhiều lần làm đơn kiến nghị xử lý lò sắt gửi đến các cơ quan chức năng suốt 10 năm qua cũng như nhiều lần tiếp xúc cử tri đều chìm trong quên lãng. Có nhiều người kéo về huyện thì được hướng dẫn lên tỉnh. Khi đến tỉnh thì bảo chưa có kết luận thanh tra nên chưa xử lý... Ông Huỳnh Thanh Phương, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh, xác nhận đã nhận được đơn đề nghị của nhiều hộ dân. Sau khi xem xét, đoàn ĐBQH đã có công văn chuyển đơn của người dân đến Sở TN-MT xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Tương tự, cả Ban Nội chính Tỉnh ủy Tây Ninh cũng đã chuyển đơn của người dân đến Giám đốc Sở TN-MT xem xét, xử lý...
Bức xúc vì đợi mãi không thấy xử lý lò nấu sắt, ngày 17.12, người dân tiếp tục đến gõ cửa Sở TN-MT tỉnh Tây Ninh. Ông Trần Minh Sơn, Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Tây Ninh, lý giải sau khi nhận đơn kiến nghị của người dân phản ảnh, ngày 29.9, sở này đã có tờ trình lên UBND tỉnh. Ngày 1.10, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra các cơ sở xử lý sắt, thép phế liệu trên địa bàn; trong đó có DNTN Ngọc Tâm. Tuy nhiên, theo ông Sơn, hiện đoàn kiểm tra đang triển khai thực hiện. Sau khi có kết luận của UBND tỉnh, Sở TN-MT sẽ có văn bản trả lời cho người dân.
Dân đòi hùn tiền để quan trắc khí thải
Ông Võ Long Định (52 tuổi, ngụ ấp Bến Mương, xã Thạnh Đức) bức xúc: “Chúng tôi muốn cơ quan chức năng quan trắc lượng bụi, lượng khí thải trong quá trình hoạt động của lò thải ra khu dân cư. Nếu kết quả cho rằng môi trường khí thải lò nấu sắt này đạt để cho tiếp tục hoạt động thì chúng tôi cho rằng không khách quan và sẵn sàng bỏ tiền để thuê đơn vị độc lập quan trắc lượng khí này”.
|
Bình luận (0)