Khoa học nói gì về chứng mộng du?

Thiên Lan
Thiên Lan
04/01/2023 00:06 GMT+7

Mộng du thường xảy ra trong giấc ngủ sâu, ở giai đoạn 3 của chu kỳ giấc ngủ. Đó là hiện tượng một người đứng dậy, đi lại và làm nhiều việc, trong khi họ vẫn đang ngủ.

Người mộng du có thể mở to mắt, đờ đẫn với vẻ mặt vô hồn. Họ thường ít phản ứng hoặc nói năng không rõ ràng, theo Hiệp hội Giấc ngủ của Mỹ (Sleep Foundation).

Người mộng du có thể làm nhiều việc như đi, chạy, mặc quần áo, di chuyển đồ đạc, thậm chí là hành vi tình dục. Hiếm gặp còn có các hành vi bạo lực hoặc nguy hiểm như cố gắng lái xe. Các cơn mộng du có thể kéo dài vài giây đến nửa giờ nhưng hầu hết thì chưa đầy 10 phút. Họ có thể trở lại giường và tự ngủ tiếp, hoặc thức dậy trong bối rối.

Đặc biệt, người bị mộng du hầu như không bao giờ nhớ mình đã làm gì sau khi tỉnh dậy.

Mộng du là hiện tượng một người đứng dậy, đi lại và làm nhiều việc, trong khi hầu như vẫn đang ngủ

minh họa: Shutterstock

Mộng du thường xảy ra ở trẻ em nhiều hơn người lớn. Nghiên cứu cho thấy 29% trẻ em từ khoảng 2 - 13 tuổi bị mộng du với tỷ lệ cao nhất ở độ tuổi từ 10 - 13.

Mộng du có nguy hiểm?

Mộng du có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Người mộng du có thể bị vấp ngã hoặc va chạm trong khi đi hoặc chạy gây chấn thương. Cầm vật sắc nhọn hoặc cố gắng lái xe có thể đe dọa đến tính mạng...

Nên làm gì để bảo vệ người bị mộng du?

Không có cách nào để ngăn chặn hoàn toàn chứng mộng du, tuy nhiên, có một số bước có thể thực hiện để giảm thiểu rủi ro cho người mộng du như sau:

Giữ môi trường ngủ an toàn, không có các vật sắc nhọn hoặc gây hại.

Ngủ trong phòng ở tầng trệt, nếu có thể.

Khóa tất cả cửa ra vào và cửa sổ.

Che các cửa sổ kính bằng rèm dày.

Loại bỏ các nguy cơ vấp ngã khỏi sàn nhà.

Lắp đặt đèn có cảm biến chuyển động.

Nếu cần, sử dụng chuông báo cửa hoặc chuông báo giường sẽ kêu lên nếu họ ra khỏi giường.

Đánh thức trước giờ thường xảy ra mộng du cũng có hiệu quả

Shutterstock

Đánh thức khoảng 15-20 phút trước giờ thường xảy ra mộng du để ngăn cơn mộng du, theo chuyên trang y tế WebMD.

Không làm người đang mộng du giật mình

Điều quan trọng cần chú ý là không được làm người đang mộng du giật mình. Hầu hết các chuyên gia khuyên không nên đánh thức họ một cách mạnh bạo. Nếu có thể, cố gắng nhẹ nhàng hướng dẫn người mộng du tránh xa những mối nguy hiểm tiềm ẩn và trở lại giường. Chỉ nói nhỏ hoặc chạm nhẹ để hướng dẫn họ.

Điều trị mộng du thế nào?

Trong nhiều trường hợp, mộng du không cần điều trị vì hiếm gặp và có thể tự khỏi.

Nếu mộng du là do bệnh tiềm ẩn gây ra, như trào ngược dạ dày thực quản, ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, co giật, hội chứng chân không yên, thì mộng du sẽ chấm dứt sau khi chữa khỏi bệnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.