Khoan sức dân

13/04/2020 04:27 GMT+7

Khoảng 6,8 triệu người được hưởng lợi, trong đó khoảng 1 triệu người không phát sinh thuế thu nhập cá nhân là một trong những giải pháp chính sách tài khóa nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh , thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trước tác động của đại dịch Covid-19 vừa được Bộ Tài chính gửi tới Chính phủ.

Thế nhưng với những người nộp thuế, thông tin này chưa thể khiến họ vui dù bối cảnh khó khăn lúc này, đỡ đồng nào hay đồng ấy. Thứ nhất, việc điều chỉnh mức thuế suất với người nộp thuế từ 9 triệu lên 11 triệu đồng và từ 3,6 triệu lên 4,4 triệu đồng với người phụ thuộc được đánh giá là "lỗi thời ngay trong đề xuất".
Thực tế ở TP.HCM, Hà Nội và nhiều tỉnh thành trên cả nước, số tiền 4,4 triệu đồng không đủ để nuôi con ăn học, chưa nói đến những hoạt động vui chơi, giải trí, thể dục thể thao... cũng tối cần thiết cho một đứa trẻ phát triển cả thể chất lẫn tinh thần. Thế nên với mức chiết trừ gia cảnh 3,6 triệu đồng/người/tháng hiện nay, hàng triệu người đang "thắt lưng buộc bụng" để nộp thuế và họ sẽ tiếp tục tình trạng này khi vật giá đã tăng chóng mặt còn ngưỡng chịu thuế điều chỉnh lại quá khiêm tốn.
Thứ hai, việc điều chỉnh các ngưỡng thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là "tất, lẽ, dĩ, ngẫu", nói chính xác thì đã quá chậm. Bởi chiếu theo luật Thuế TNCN có hiệu lực từ ngày 1.7.2013, khi chỉ số giá tiêu dùng biến động trên 20% phải điều chỉnh mức chiết trừ gia cảnh, lẽ ra phải thực hiện từ gần 2 năm trước. Thế nên việc gần 7 năm qua vẫn giảm trừ gia cảnh 3,6 triệu đồng/người thực chất là lạm thu, là vi phạm luật. Thực tế trong suốt thời gian qua, giới chuyên gia, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đăng tải các đề xuất, kiến nghị điều chỉnh ngưỡng thuế TNCN để bảo đảm quyền lợi cho người nộp thuế nhưng... việc này vẫn bị trì hoãn. Nên mới nói, điều chỉnh ngưỡng thuế lúc này là chuyện đương nhiên. Đó là quyền lợi chính đáng của họ được quy định ở luật. Không thể "quàng" vào chuyện hỗ trợ người nộp thuế khó khăn vì dịch Covid.
Hỗ trợ thực sự, là phải miễn hoặc giãn, hoãn nộp thuế TNCN cho người lao động. Chúng ta đều biết, dưới tác động của dịch Covid-19, hàng triệu người dân đã mất việc, giảm thu nhập, cuộc sống khó khăn. Miễn, giảm hay hoãn đóng thuế TNCN sẽ giúp họ có thêm chút thu nhập để trang trải cuộc sống, cải thiện bữa cơm gia đình. Họ ở "thời bình" đã đóng góp 113.000 tỉ đồng năm 2019, tương đương 8% tổng thu ngân sách; năm 2020 dự kiến khoảng 128.600 tỉ đồng. Có thể nói, đây là sự đóng góp rất lớn của những người làm công ăn lương. Vì thế, họ xứng đáng được hỗ trợ thực sự để vượt qua giai đoạn khó khăn này, như Chính phủ đã phê duyệt gói hỗ trợ 180.000 tỉ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp.
Miễn, giảm, giãn, hoãn thuế TNCN lúc này không chỉ khoan sức dân mà còn giúp Chính phủ thực hiện mục tiêu kích cầu. Nói đơn giản thế này, tiền thuế không hoặc chưa phải nộp sẽ được người dân chi tiêu cho các nhu cầu trong cuộc sống, từ đó giúp doanh nghiệp bán được hàng, sản xuất có việc làm, tồn kho được giải phóng... Một mũi tên trúng nhiều đích, thiết nghĩ Bộ Tài chính nên sớm đề xuất để người nộp thuế cảm nhận được sự chia sẻ của chính sách trong bối cảnh khó khăn vì đại dịch hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.