Đàn ông có chiều dài bước chân ngắn có thể đối diện nguy cơ bị rối loạn cương dương cao hơn 40% so với người bình thường. Nguyên nhân các nhà khoa học đưa ra là do cơ xương chậu của họ yếu, theo Daily Mail.
Các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã đo chiều dài sải chân cũng như độ cao bàn chân nhấc lên khỏi mặt đất khi đi bộ. Kết quả cho thấy những người có bước chân ngắn hơn có nguy cơ bị rối loạn cương dương hơn những người có bước chân dài.
Họ tin rằng bước chân ngắn là dấu hiệu cho thấy các cơ trong khung xương chậu yếu. Trong khi đó, các cơ này lại có vai trò quan trọng giúp đạt được và duy trì khả năng cương cứng.
Sức mạnh và khả năng hoạt động linh hoạt của các nhóm cơ vùng chậu là yếu tố chính ảnh hưởng đến tình trạng rối loạn cương dương ở nam giới. Các nhóm cơ này yếu cũng khiến độ dài bước chân nhỏ, tiến sĩ Shingo Hatakeyama tại Đại học Hirosaki (Nhật), một trong những tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Nghiên cứu tiến hành trên 324 người đàn ông, được công bố trên chuyên san Journal of Sexual Medicine. Bước chân của một người dài hoặc ngắn được xác định dựa theo cách tính riêng của nhóm nghiên cứu.
Các tác giả cũng cho biết một số nghiên cứu trước đây cũng tìm thấy mối liên kết giữa những người có bước chân nhỏ với cơ sàn chậu yếu. Cơ sàn chậu của đàn ông có tác dụng hỗ trợ họat động bàng quang, ruột cũng như các chức năng sinh sản.
Rối loạn cương dương là tình trạng mà nam giới không thể cương cứng hoặc có cương cứng nhưng không đủ để duy trì quan hệ. Rối loạn cương dương thường do các nguyên nhân như căng thẳng, mệt mỏi, lo lắng, lạm dụng rượu bia, theo Cơ quan Dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS).
Ngoài ra, ít hoạt động thể chất cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ bị rối loạn cương dương. Tập thể dục thường xuyên với những môn đòi hỏi sức mạnh và đối kháng có thể giúp cải thiện rối loạn cương dương bằng cách làm tăng nồng độ hoóc môn sinh dục nam testosterone và kiểm soát căng thẳng, theo Daily Mail.
Bình luận (0)