Thứ nhất là xuất khẩu, tháng đầu tiên của năm nay, cán cân thương mại của chúng ta nối dài chuỗi thặng dư thương mại lên tới hơn 1 tỉ USD. Đằng sau nó là sự hồi phục của sản xuất, vốn bị tác động nặng nề từ dịch bệnh cả năm qua. Nhưng thành quả đáng mừng nhất chính là một số mặt hàng nông sản đã tận dụng khá tốt các hiệp định thương mại tự do để tăng xuất khẩu vào những thị trường khó tính.
Trong đó, điển hình là gạo. Từ ngày 26.1, 60 tấn gạo Việt đầu tiên đã được bày bán trên thị trường London theo Hiệp định tự do thương mại Anh - Việt Nam (UKVFTA). Tuy kim ngạch còn nhỏ nhưng khởi động lạc quan này sẽ mở đường cho các nông sản khác của Việt Nam vào Anh nói riêng và EU nói chung khi xuất khẩu qua Trung Quốc đang gặp khá nhiều khó khăn vì các quy định mới siết hàng nhập khẩu của nước này.
Thứ 2 là thu hút vốn FDI, giữa tháng 1, cả nước hân hoan khi Foxconn, “ông lớn” chuyên sản xuất các sản phẩm cho Apple, quyết định đầu tư 270 triệu USD tại Bắc Giang để sản xuất máy tính bảng, máy tính xách tay, quy mô khoảng 8 triệu sản phẩm/năm cho Apple. Trước đó, Samsung đã đầu tư hơn 17 tỉ USD tại Việt Nam cho việc sản xuất điện thoại, thiết bị di động...
Việc này đưa Việt Nam trên con đường trở thành "cứ điểm" của các thương hiệu điện thoại máy tính nổi tiếng toàn cầu. Nhưng điều quan trọng nhất không nằm ở số vốn mà sự dịch chuyển về chất trong thu hút vốn FDI. Nếu như trước đây, vốn FDI chủ yếu vào các ngành gia công, thâm dụng lao động, nguy cơ ô nhiễm môi trường... thì giờ đây, chúng ta đã thu hút được vốn ngoại vào các ngành công nghệ, thâm dụng chất xám, giá trị gia tăng cao như Canon, Microsoft, Nokia, Intel, LG, Samsung... và nay là Apple. Với lợi thế kiểm soát dịch bệnh tốt và sớm, dự báo năm nay vốn FDI vào Việt Nam sẽ có những đột phá, sẽ tiếp tục đón nhận những "đại bàng" đến làm tổ trong làn sóng dịch chuyển đầu tư trên thế giới xuất hiện từ 2 năm trở lại đây.
Đặc biệt, năm 2021 dự báo khối doanh nghiệp tư nhân sẽ có những đột phá nhờ những cải cách trong môi trường đầu tư kinh doanh từ năm 2020 đã tạo ra cảm hứng cũng như động lực cho khối này phát huy nội lực.
Từ “không làm nổi cái ốc vít”, giờ đây Việt Nam đã có BKAV, Vingroup sản xuất điện thoại, Vinfast cho ra đời những chiếc ô tô thương hiệu Việt... Mới nhất, với việc ra mắt các dòng ô tô điện công nghệ cao cho thấy khát vọng và tầm nhìn toàn cầu của Vinfast.
Tất nhiên vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức nhất là trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, khó lường trên toàn thế giới. Tuy nhiên, với sự khởi động lạc quan, những cải cách thực sự và một quyết tâm chính trị được thể hiện rất rõ ràng trong các chính sách đã ban hành, kinh tế năm 2021 nói riêng và giai đoạn tới nói chung đang đứng trước rất nhiều cơ hội mới.
Bình luận (0)