Khởi nghiệp trẻ: Cây đại bi 'hái ra tiền'

Thúy Hằng
Thúy Hằng
11/02/2022 06:03 GMT+7

Mỗi ký thân, lá cây đại bi hái từ rừng bán được 1.500 đồng. Đỉnh cao nhất có gia đình một ngày hái được 4 tạ lá. Cây đại bi là gì mà đang được thanh niên xã Chiềng Ken, H.Văn Bàn, Lào Cai “hái ra tiền” như vậy?

Cây đại bi với sải lá dài, màu xanh đậm, thân nhiều nước, mùi thơm dễ chịu, là cây dược liệu quý. Theo kinh nghiệm dân gian ở Việt Nam, cây được dùng để chữa trị nhiều bệnh như cảm cúm, ho, đau răng, chăm sóc sức khỏe cho trẻ nhỏ, phụ nữ sau khi sinh… Loài cây vốn mọc hoang dại tại các cánh rừng tại H.Văn Bàn đang giúp thanh niên khởi nghiệp.

An Văn Tuấn thu mua cây đại bi và cây dược liệu cho bà con

Thế Tuấn

“Giọt vàng vùng cao”

Người nhen nhóm ý tưởng và chủ dự án là An Văn Tuấn, 31 tuổi, ở xã Chiềng Ken. “Tôi bị ốm, mãi mới tìm được vài lá đại bi để uống. Nhìn ly nước, tôi thấy một lớp váng, chứng tỏ là cây có tinh dầu. Tại sao mình không làm tinh dầu đại bi?”, ông chủ của Hợp tác xã Thế Tuấn ở thôn Ken 2, xã Chiềng Ken hồi tưởng. Đó là năm 2019, Tuấn vừa chia tay các công việc làm thuê để về quê, vừa mở tiệm chụp ảnh sự kiện, photocopy giấy tờ và khởi nghiệp với việc sản xuất tinh dầu sả Java (giống sả nguồn gốc từ Indonesia, có mùi thơm như hoa hồng).

Tuấn tìm các tài liệu về cây đại bi. Trong nước không có, anh đọc tài liệu bằng tiếng Anh. Dành hết tiền tiết kiệm, Tuấn và mọi người đi vay thêm, tổng vốn đầu tư gần 1 tỉ đồng.

Ban đầu việc chưng cất tinh dầu đại bi hoàn toàn thủ công, năng suất rất thấp. Một tấn cây, lá đại bi chỉ được 30 ml tinh dầu. Họ tìm tòi và nâng cao công nghệ. Tới nay, 1 tấn lá thu được 500 ml tinh dầu. Ngoài ra, họ còn sản xuất cao mềm đại bi, nước súc miệng, trà đại bi, đều mang thương hiệu “Giọt vàng vùng cao”. Sản phẩm được Tổng cục Đo lường chất lượng đánh giá đủ tiêu chuẩn, được công nhận OCOP cấp tỉnh (mỗi xã phường một sản phẩm), dần được mọi người tin dùng hơn.

Hiện tại, hợp tác xã của Tuấn có 9 thành viên và hợp tác với 21 hộ nông dân để thu mua cây dược liệu. Nhà xưởng rộng 400 m2 với 4 nhân công thường xuyên, một số người làm thời vụ. Mỗi tháng, họ sản xuất 3 - 5 lít tinh dầu đại bi, 1 tạ cao, khoảng 1.000 lít nước súc miệng. Kênh bán hàng chủ yếu là trực tuyến và qua cộng tác viên tại Lào Cai, Hà Nội và TP.HCM.

Nguồn lá cây đại bi đang thu hoạch từ 20 ha tự nhiên. Hợp tác xã và người nông dân liên kết đã trồng thêm 3 ha cây đại bi nữa và trong năm 2022, họ sẽ trồng thêm 10 ha để chủ động trong việc sản xuất. “Cây dược liệu có thể sống trong môi trường đất khô cằn, không cần bón phân, không sử dụng thuốc trừ sâu, bởi như vậy cây sẽ không cho tinh dầu. Chúng tôi thường xuyên kiểm tra quy trình trồng, nếu không đạt điều kiện thì không thu mua”, anh Tuấn nói.

Khát vọng năm mới

Sản xuất sản phẩm từ cây dược liệu, mỗi thành viên trong hợp tác xã có thêm 6 - 7 triệu đồng/tháng. Còn người nông dân sẽ thu hái lá, bán cho hợp tác xã giá 1.500 đồng/kg. Thu nhập trung bình được 4 - 5 triệu đồng/tháng. Có ngày đỉnh cao, một gia đình thu hái được 4 tạ lá cây đại bi, bán được 600.000 đồng. Ngoài ra, ở mỗi gia đình còn trồng trọt lúa, ngô, rau màu, chăn nuôi gà, lợn. Nguồn thu nhập đa dạng đảm bảo cuộc sống sung túc hơn.

Bắt đầu khởi nghiệp khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam, trải qua hơn 2 năm với nhiều đợt dịch, nhiều phen Tuấn và các thành viên hợp tác xã lao đao vì hàng không bán được. Nhưng cái khó ló cái khôn. Lúc dịch bệnh họ nghiên cứu được nhiều sản phẩm mới.

Đến nay, ngoài tinh dầu đại bi, cao đại bi, họ có thêm 24 sản phẩm mới từ cây dược liệu bản địa như tinh dầu hương nhu, tinh dầu quýt, tinh dầu màng tang (hạt tiêu rừng), tinh dầu tía tô, cao tía tô, tinh dầu mắc khén, trà tía tô, toner chăm sóc da từ lá tía tô…

“Toner lá tía tô đang “cháy” hàng. Chúng tôi đang có 0,5 ha trồng tía tô và sẽ mở rộng diện tích thêm 1 ha nữa trong năm 2022. Mục tiêu năm nay sẽ mở rộng thị trường tới nhiều tỉnh thành hơn và 2025 sẽ xuất khẩu sản phẩm sang các nước châu Á và châu Âu”, Tuấn chia sẻ.

Để những cánh rừng xanh hơn

Tuấn tốt nghiệp Trường ĐH Lâm nghiệp, từng làm ở công ty cảnh quan tại Hà Nội, sau đó về Lào Cai làm trong công ty về cây cao su. Là người dân tộc Tày, có ông ngoại là thầy thuốc có tiếng, từ nhỏ Tuấn đã am hiểu rất nhiều về cây dược liệu. Song, ý định khởi nghiệp chỉ đến sau thời gian anh làm cán bộ hướng dẫn cộng đồng cho ban quản lý dự án giảm nghèo của Ngân hàng Thế giới (WB) tại H.Văn Bàn.

Cùng chung sức với Tuấn để phát triển cây dược liệu là Hoàng Văn Thế, 33 tuổi, là bộ đội xuất ngũ, có 10 năm làm trưởng thôn. Thế và Tuấn cho hay bản thân các anh rất xót xa khi xã mình còn khó khăn với nhiều hộ nghèo. Những cánh rừng nguyên sinh tan hoang, thanh niên đi làm thuê xa xứ, nhiều người bị cám dỗ bởi ma túy…

Dự án trồng, phát triển các sản phẩm từ cây đại bi và cây dược liệu của Hợp tác xã Thế Tuấn vào tới vòng chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn của T.Ư Đoàn năm 2021. Trước đó, họ đạt giải nhất cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp 2020 do Tỉnh đoàn Lào Cai tổ chức.

Thế và Tuấn bộc bạch chỉ có thể tìm một hướng đi bền vững để thanh niên có thể sống được trên chính mảnh đất mình sinh ra, thì mới giúp bà con không còn phải mưu sinh xa xứ và tránh xa những tệ nạn xã hội. Họ cũng tin tưởng việc mình nhân rộng những cánh rừng trồng đại bi sẽ giúp rừng giữ được đất, tránh xói mòn, lở đất và tạo cơ hội sinh trưởng phát triển cho các loài cây khác. “Khi mình đối xử tử tế với thiên nhiên, thiên nhiên sẽ tặng quà lại cho mọi người”, Tuấn chiêm nghiệm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.