Khơi thông dòng vốn tín dụng xanh

06/07/2024 06:20 GMT+7

Tín dụng xanh là những dự án dài hạn, có thể là 5 năm, 10 năm, thậm chí là 20 năm với lợi nhuận thấp và rủi ro cao. Ngân hàng muốn cho vay, doanh nghiệp muốn vay nhưng dư nợ tín dụng trong khu vực này vẫn thấp. Vậy làm thế nào để ngân hàng và doanh nghiệp gặp nhau cho mục tiêu chung chuyển đổi xanh, phát triển bền vững?

Cần nhiều vốn, nhưng thời gian thu hồi dài

Để trả lời cho câu hỏi này, Báo Thanh Niên đã tổ chức tọa đàm "Khơi thông dòng tín dụng xanh" chiều 5.7 tại Hà Nội. Theo nhà báo Trần Việt Hưng, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên, tăng trưởng xanh và số hóa đang trở thành xu hướng tất yếu với bất cứ quốc gia nào muốn đạt được sự phát triển bền vững, thịnh vượng. Trong đó, các vấn đề như bảo vệ môi trường, giảm khí thải carbon, chống biến đổi khí hậu… được đặt lên hàng đầu. Và tín dụng xanh là một trong những trụ cột tài chính vô cùng quan trọng để hướng tới mục tiêu đó.

Trồng dưa công nghệ cao tại Xã Đại Thịnh, H.Mê Linh, Hà Nội_ảnh Phạm Hùng (4).jpg

Trồng dưa công nghệ cao tại xã Đại Thịnh, H.Mê Linh, Hà Nội

PHẠM HÙNG

Nguồn vốn tín dụng xanh sẽ giúp doanh nghiệp (DN) đầu tư vào công nghệ, giảm chi phí giá thành, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ thân thiện môi trường, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước. Đồng thời, khi dòng vốn này được khơi thông, sẽ chảy mạnh mẽ hơn trong nền kinh tế, đến được với nhiều khách hàng, giúp "xanh hóa" thói quen, hành vi cũ. Từ nhận thức đó, với vai trò của một cơ quan báo chí, Báo Thanh Niên đặt mục tiêu tiên phong trong việc góp phần "xanh hóa" lối sống, xanh hóa sản xuất kinh doanh, thay đổi nhận thức của người dân.

Từ kinh nghiệm cho vay thành công với lĩnh vực nông nghiệp, ông Võ Văn Quang, Phó tổng giám đốc, Giám đốc Khối Đầu tư Bac A Bank, cho biết trong 30 năm qua, các dự án ngân hàng (NH) này lựa chọn tư vấn, cấp vốn tín dụng đều là các dự án DN áp dụng thành tựu khoa học quản trị, khoa học công nghệ hiện đại của thế giới vào sản xuất theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức thân thiện với môi trường, trên nền tảng phát triển bền vững.

Theo đó, NH này ưu tiên, xét cấp tín dụng cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch; các dự án trồng rừng, du lịch sinh thái nằm trong trong hệ sinh thái kinh tế xanh. Hiện nay, dư nợ tín dụng xanh của Bac A Bank chiếm hơn 21% trong tổng dư nợ toàn NH.

Ông Quang dẫn chứng dự án chăn nuôi bò sữa công nghệ cao, quy mô tập trung của Tập đoàn TH (TH Group) được bắt đầu tại H.Nghĩa Đàn (Nghệ An) đã lan rộng ra khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Các dự án này đạt hiệu quả kinh tế rất cao, được người tiêu dùng tín nhiệm và tạo ra chuỗi giá trị sản xuất, góp phần giải quyết vấn đề môi trường, giải quyết việc làm cho người lao động.

Cho rằng xu hướng cấp tín dụng cho các dự án xanh là đúng đắn, song, theo ông Quang, phần lớn nguồn vốn tín dụng xanh của các NH đến từ huy động vốn để cho vay. Một phần đến từ nguồn vốn tài trợ của Chính phủ, nhưng nguồn này chưa nhiều. Vì thế, để triển khai chính sách tín dụng xanh, Bac A Bank cũng như nhiều NH khác phải tính toán căn cơ, cân đối hài hòa.

"NH huy động vốn để cho vay nên cũng phải nghĩ đến lợi ích kinh doanh của mình. Nhưng câu chuyện ở tín dụng xanh là các NH chia sẻ lợi ích dài hạn và ngắn hạn. Chúng tôi xác định tín dụng xanh cần nhiều vốn, thời gian thu hồi dài, lợi nhuận trước mắt không cao nhưng đây là lĩnh vực rất nhiều tiềm năng, vì từ lợi thế của đất nước mình là rừng, đất, biển", đại diện Bac A Bank chia sẻ.

Trong đó, đất nông nghiệp rộng lớn, chiếm hơn 70% lượng lao động, có "rừng vàng, biển bạc" nhiều tiềm năng để phát triển nhưng chưa có động lực để khơi dậy đúng mức.

Tỷ lệ cho vay tín dụng xanh còn khiêm tốn

Theo ông Trần Anh Quý, Trưởng phòng Tín dụng chính sách, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NH Nhà nước (NHNN), tính đến hết tháng 3, có 47 NH cho vay, dư nợ khoảng 637.000 tỉ đồng, tăng trưởng 2,6% so với 2023, chiếm tỷ trọng 4,5% tổng dư nợ nền kinh tế. Dư nợ tập trung cho các dự án năng lượng tái tạo và năng lượng sạch - chiếm khoảng 45% tổng dư nợ. Tuy nhiên, đại diện NHNN khẳng định tỷ lệ dư nợ này mới phản ánh được một phần kết quả tích cực trong việc triển khai các giải pháp, chính sách thúc đẩy tín dụng xanh của các NH.

Đánh giá tỷ lệ của tín dụng xanh cho tổng dư nợ hiện nay rất thấp, mới đạt 4,5% tổng dư nợ trên hệ thống, theo chuyên gia NH - TS Nguyễn Trí Hiếu, con số này rất khiêm tốn so với các nước xung quanh, đặc biệt là so với các nước phát triển. Theo ông Hiếu, hiện các NH chưa có điều kiện thanh khoản để tài trợ tín dụng xanh. Cạnh đó, còn có một số công ty, DN phát hành trái phiếu xanh tài trợ các dự án cải thiện môi trường, dự án về môi trường. Tổng dư nợ trái phiếu rất yếu, hiện nay chỉ có khoảng 20 DN VN phát hành trong 10 năm đổ lại.

Tín dụng xanh là những dự án dài hạn có thể là 5 năm, 10 năm, thậm chí là 20 năm với một lãi suất thấp, trong khi vốn huy động của các NH là vốn ngắn hạn cho đến 12 tháng (chiếm khoảng 80% tổng huy động của hệ thống). "Chúng ta biết rằng hiện tại tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống rất thấp, các NH đang bị "bó tay" bởi tỷ lệ đó. NH mà phải tài trợ cho các dự án tín dụng xanh dài hạn, lãi suất thấp và đặc biệt rủi ro lớn, nếu không có bảo trợ, bảo lãnh của Chính phủ, khả năng dự án này vỡ nợ là có", ông Hiếu phân tích.

Không những gặp khó về tính thanh khoản, TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá ngoại trừ những dự án tạo ra kinh doanh và lợi nhuận tức thì, ví dụ như dự án nuôi bò của NH Bắc Á, còn những dự án về cải tạo môi trường, năng lượng sạch… VN chưa có đủ tiêu chuẩn để thẩm định kết quả. Từ góc độ cá nhân, chuyên gia này cho rằng không thể kỳ vọng quá nhiều vào hệ thống NH cho tín dụng xanh. Bên cạnh đó có thể tìm đến nguồn tài trợ từ các tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức tài chính lớn như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), NH Thế giới (WB)…Với các NH trong nước, cần sự hỗ trợ, bảo lãnh của Chính phủ cho tín dụng xanh.

DN đang "ngợp" trước "rừng" thông tin

Bà Trần Tường Vân, Giám đốc tư vấn, Công ty cổ phần Tư vấn EY VN, đánh giá NH đang rất sẵn sàng cho vay xanh và rất muốn tìm kiếm khách hàng phù hợp. Nhưng làm sao để mở rộng thì lại có 2 trăn trở khác nhau.

A1.jpg

Tọa đàm “Khơi thông dòng vốn tín dụng xanh” do Báo Thanh Niên tổ chức

TUẤN MINH

Thứ nhất, về câu chuyện kinh doanh, làm sao NH có thể mở rộng thông qua những khách hàng hiện tại và những sản phẩm xanh nào mà NH có thể cho vay được? Thứ hai, nếu không phải cho vay trên nền khách hàng sẵn có thì cách nào để NH có thể tìm ra nguồn khách hàng mới để cho vay.

Theo bà Vân, trăn trở này của các NH bản chất quay lại vấn đề "thế nào là xanh?", tiêu chí phân loại "xanh" để cho vay ra sao, nguồn vốn lấy từ đâu để cho vay xanh?... Trả lời câu hỏi này, theo Giám đốc tư vấn EY, nguồn vốn xanh có thể đến từ các tổ chức quốc tế, vay NH đối tác... Nhiều NH đã thành công trong việc mở rộng danh mục xanh bởi đã có nguồn danh mục khách hàng sẵn có.

Khi NH có một số tệp khách hàng là DN vừa và nhỏ, không có thế mạnh về các tệp khách hàng là DN đầu tư xanh, vậy sẽ cho vay xanh như thế nào? Bà Trần Tường Vân dẫn lại kinh nghiệm từ Bangladesh và cho hay nước này cũng đã có những bước tiến với tín dụng xanh trong nền kinh tế. Theo đó, Bangladesh đưa ra mức tối thiểu trong danh mục xanh mà NH phải đạt được, nếu không sẽ có mức xử lý phù hợp.

Từ tiếp cận thực tế, bà Vân cho biết các DN hiện nay đang rất "ngợp" trước câu chuyện chuyển đổi xanh, tăng trưởng bền vững. "Giữa một rừng thông tin DN không biết bắt đầu từ đâu, nhất là những DN không có nhiều nguồn lực cả nhân sự và tài chính. Nên chăng có cổng thông tin hướng dẫn cho các DN thế nào là xanh, chuyển đổi xanh như thế nào, "may đo" cho các DN", bà Vân nêu.

Tại cổng thông tin đó cần có tất cả các thông tin cần thiết cho kể cả một DN non trẻ nhất, chưa biết gì về xanh để DN biết mình cần gì và phải làm gì. Ví dụ như theo định hướng của Chính phủ giảm phát thải về 0 đến năm 2050 thì những quy định chính là gì. Hoặc có một bộ câu hỏi để DN tự đánh giá bản thân đang ở đâu và cần làm gì. Theo bà Vân, với những ngành khác nhau, những thông tin, hướng dẫn theo ngành rất cần thiết, ví dụ như dệt may, nông nghiệp… Đây là những câu chuyện "nho nhỏ" để DN bắt đầu dựa vào.

"NH phải là đơn vị đồng hành cùng DN trong chuyển đổi xanh, hoặc những DN còn đang "nâu" chuyển sang "xanh" như thế nào. Vì bản thân DN xanh thì danh mục tín dụng của NH mới xanh được", Giám đốc tư vấn, Công ty cổ phần Tư vấn EY VN, chia sẻ.

Đại diện cho NH thương mại triển khai tín dụng xanh, chúng tôi mong muốn ngày càng có nhiều chính sách, làm sao để có nhiều nguồn vốn ưu đãi cho các NH thương mại để cho vay các dự án xanh. Tôi mong các DN VN cần mạnh dạn, nắm bắt cơ hội để đầu tư vào các dự án xanh vì không chỉ mang lại lợi ích cho DN mà mang lại lợi ích cho người dân, xã hội.

Đối với NH Bac A Bank, chúng tôi cam kết luôn đồng hành với các DN đầu tư vào dự án xanh. Chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, NHNN và các bộ, ngành để ngày càng hoàn thiện hơn chính sách của mình, tạo ra không gian cởi mở cho các DN có thể tiếp cận vốn tín dụng xanh của NH, với tinh thần tận tâm, cống hiến.

Ông Võ Văn Quang, Phó tổng giám đốc, Giám đốc Khối Đầu tư Bac A Bank

Theo kinh nghiệm tại Mỹ, tất cả các hợp đồng tín dụng đều có một điều khoản quy định số tiền NH cho các khách hàng vay không được phép sử dụng vào tất cả các hoạt động gây biến đổi khí hậu, chống lại môi trường. VN cũng cần có các điều khoản như thế, các NH đều phải yêu cầu các khách hàng của mình sử dụng tiền vay nhưng với mục đích cải thiện môi trường. Nếu chúng ta quy định như vậy thì tất cả các nguồn vốn vay đều là tín dụng xanh.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia NH

Về phía DN, khi nhìn ra được kỳ vọng từ bên ngoài, DN sẽ tự ý thức được tôi cần làm gì để đạt được mục tiêu chung đó. Để tiếp cận nguồn vốn xanh, DN cần chủ động tìm ra cách thức kinh doanh để tăng hiệu quả và tìm các nguồn vốn cũng như nâng cao điểm thực hành phát triển bền vững. Cạnh đó, cần tích cực chủ động tìm kiếm các gói tín dụng phù hợp của các NH.

Các DN cần xem xét các chứng chỉ phù hợp với lĩnh vực ngành hàng. Ví dụ như dệt may, có thể cố gắng đạt được chứng chỉ tiêu chuẩn tái chế toàn cầu, hay với nông nghiệp là chứng chỉ GlobalGap. Các NH có thể sẽ xem xét các mức lãi suất thấp hơn cho các DN đạt chứng chỉ so với các DN "trắng" về mặt chứng chỉ phát triển bền vững.

Bà Trần Tường Vân, Giám đốc tư vấn, Công ty cổ phần Tư vấn EY VN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.