Không dễ chuyển nông sản sang Trung Quốc qua đường biển

13/01/2022 06:30 GMT+7

Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc qua đường biển tăng nhanh về khối lượng, nhưng chỉ giải tỏa được một phần nhỏ số hàng tồn ở cửa khẩu đường bộ, và rất khó có thể ngay lập tức chuyển đổi đồng loạt sang đường biển.

Đó là ý kiến của đại diện các hãng tàu, doanh nghiệp (DN) dịch vụ logistics, cơ quan quản lý nhà nước chia sẻ tại hội nghị trực tuyến bàn giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc bằng đường biển, do Bộ NN-PTNT và Bộ GTVT tổ chức chiều 12.1.

Phải có kế hoạch, cam kết lượng hàng vận chuyển

Theo ông Lê Thanh Tùng, Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), qua ghi nhận từ 3 tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang, sản lượng thanh long cần tiêu thụ trong tháng 1 khoảng 110.000 tấn, trong đó nhu cầu xuất khẩu đường biển là 55.000 tấn, cần đến 5.087 container lạnh. Hiện, 34.000 tấn đã nằm trong kế hoạch vận tải đường biển cố định, còn lại vẫn thiếu khoảng 1.704 container lạnh. Các DN có nhu cầu cấp thiết, nhưng đến nay vấn đề thiếu container thì chưa tháo gỡ được.

Cần tăng cường chuyển mạnh xuất khẩu nông sản sang chính ngạch

Công Hân

Ông Văn Nhật Tùng, đại diện Hãng tàu CMA CGM tại VN, thừa nhận trong tháng 12.2021, số lượng trái cây vận tải đường biển sang Trung Quốc tăng mạnh do lượng hàng ùn từ đường bộ chuyển sang nhưng hãng chỉ tăng khoảng 100 container lạnh và không có hơn được nữa. Ông Tùng cảnh báo hãng tàu này đang có 13 container hàng gửi từ VN sang Trung Quốc, nhưng chủ hàng bên kia chưa thể làm được thủ tục nhận hàng. Nếu hàng “quay đầu”, DN thiệt hại rất lớn. Các DN chuyên xuất đường biển làm nhiều năm nay nên có vị thế, uy tín, chưa kể là các mối quan hệ quen biết với hải quan cảng biển, chính quyền địa phương nên thông quan rất nhanh. Các DN chuyển đổi sang đường biển cần có thời gian tìm hiểu hệ thống, làm quen với phương thức mới để giảm thiểu rủi ro. “Cũng giống như chuối, thanh long nếu chuyển mạnh khối lượng xuất khẩu bằng đường biển thì phải có lộ trình, kế hoạch rõ ràng và cam kết số lượng hàng cố định theo từng tuần, từng tháng để các hãng tàu đặt chỗ trên tàu, bố trí container lạnh”, ông Tùng nói.

Ông Hoàng Hồng Giang, Phó cục trưởng Cục Hàng hải (Bộ GTVT), cho biết hiện có 30 hãng tàu quốc tế và VN có tuyến vận tải đến các cảng Trung Quốc. Tháng 11.2021, vận chuyển đường biển ghi nhận tăng khoảng 1.400 container nhưng đến tháng 12.2021 đã tăng lên 4.100 container, cho thấy DN chuyển đổi rất nhanh. Cái khó hiện giờ là thiếu container lạnh, giá thuê tăng rất cao.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết các DN xuất khẩu nông sản có nhu cầu rất lớn về vận tải đường biển, ông Nam đề xuất Hiệp hội DN dịch vụ logistics VN (VLA) nghiên cứu, xem xét thành lập một nhánh chuyên về vận tải xuất khẩu trái cây để kết nối với các hãng tàu. Trong đó, Bộ NN-PTNT sẽ đứng ra làm đầu mối tập hợp nhu cầu của các DN. Đại diện VLA bày tỏ ủng hộ ý tưởng này và thống nhất sẽ bàn thảo triển khai trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, số lượng container lạnh trên các tàu hiện được bố trí không nhiều do phụ thuộc vào rắc cắm điện và thường chỉ chiếm khoảng 20% so tổng trọng tải tàu và đều có hợp đồng sử dụng cố định, lâu dài. Với tình hình hiện nay, các hãng tàu có ưu ái, tăng công suất đưa container lạnh về cũng chỉ giải quyết được một phần nhỏ lượng hàng ún ứ, còn về lâu dài, để chuyển đổi mạnh xuất khẩu theo đường biển thì cần xây dựng tuyến vận tải biển để thu hút hãng tàu vào.

“Thanh long hay bất kỳ trái cây nào cũng có thể đẩy mạnh xuất khẩu đường biển sang Trung Quốc nếu các DN có kế hoạch, cam kết về số lượng hàng hóa cần vận chuyển”, ông Giang nói.

Dứt khoát chuyển đổi xuất khẩu chính ngạch

Tại hội nghị, bà Phạm Thúy Vân, Phó giám đốc marketing Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, phân tích điểm khác nhau giữa xuất khẩu chính ngạch theo đường biển là hàng hóa số lượng nhiều, khối lượng lớn, có hợp đồng mua bán, giao nhận hàng hóa rõ ràng, tiền chuyển khoản qua ngân hàng và xuất khẩu ở các cửa khẩu lớn, cửa khẩu quốc tế nên không bao giờ ách tắc. Còn với hàng tiểu ngạch thì hợp đồng không rõ ràng, số lượng và giá trị đều thấp nên có thể đi dễ dàng ở cửa khẩu phụ, lối mở trên biên giới nhưng nhiều năm nay liên tục dồn ứ.

“Nếu nông sản cứ xuất khẩu tiểu ngạch thì không khác nào mang đi bán ở chợ đầu mối. Bản thân các DN phải quyết tâm và các cơ quan nhà nước đàm phán, hỗ trợ chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch”, bà Vân nói.

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), nhấn mạnh: “Chuyển đổi xuất khẩu chính ngạch hay vận tải biển cần một quyết tâm mạnh mẽ từ các địa phương, DN cho đến người sản xuất”.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho rằng dịch Covid-19 ảnh hưởng 2 năm qua và tình trạng ùn ứ hàng hóa lặp đi lặp lại nhiều năm nay không hoàn toàn do tác động dịch bệnh. Số lượng hàng hóa xuất khẩu đường bộ sang Trung Quốc rất lớn và ngay trong một thời gian ngắn, năng lực vận tải biển không thể “gánh” hết. Vì vậy, nên duy trì cả chính ngạch và tiểu ngạch và tìm giải pháp vận tải cho cả 2 hướng này. Bộ GTVT đã có quy hoạch và mời gọi được DN đầu tư mở thêm cảng biển Vạn Ninh ở TP.Móng Cái (Quảng Ninh), chỉ cách vị trí cầu phao đang xuất khẩu hàng sang Trung Quốc hiện nay khoảng 10 km. Trong tương lai, đây sẽ là tuyến đường biển gần nhất và là tuyến đường biển riêng phục vụ xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường biển, giảm tải cho đường bộ.

Trông chờ doanh nghiệp lớn

  • Lạng Sơn dừng tiếp nhận xe chở hoa quả tươi lên cửa khẩu

Ngày 12.1, tại họp báo thường kỳ của Bộ Công thương, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cho hay dù VN đã đàm phán mức thuế về 0% với đa số sản phẩm xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, song đàm phán về quản lý chất lượng còn chậm nên chúng ta mới chỉ có 9 sản phẩm được xuất đường chính ngạch. Đàm phán kiểm dịch cũng chậm nên gần như 100% trái cây còn bị kiểm dịch, trong khi Thái Lan chỉ 30%. Điều này đã khiến tình hình nông sản ùn ứ khi mà Trung Quốc gia tăng các biện pháp phòng, chống dịch.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết thêm mới có 9 loại hoa quả của VN được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, nên nhiều DN dù muốn cũng đành chịu. Nguyên nhân là do nông dân chưa đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng của thị trường nhập khẩu nên chỉ khi nào DN lớn tham gia, đứng vào chuỗi sản xuất, lo từ đầu ra, giống má, cùng nông dân làm ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu, thì mới có thể tiêu thụ bền vững, nếu không tình cảnh ùn ứ như hiện nay sẽ còn lặp lại.

* Cùng ngày 12.1, UBND tỉnh Lạng Sơn ra văn bản thông báo đến UBND các tỉnh, TP về quyết định dừng tiếp nhận xe chở hoa quả tươi lên các cửa khẩu để chờ xuất khẩu sang Trung Quốc. Cập nhật đến ngày 11.1 ở 3 cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh và Chi Ma đang tồn 1.721 xe hàng, trong đó 749 xe chở hoa quả tươi. Trung bình mỗi ngày, lượng xe xuất khẩu đạt 80 - 100 xe (trong đó có 50 - 60 xe hoa quả) thì cần 13 - 15 ngày để giải tỏa hết hàng tồn hiện nay. Do đó, UBND tỉnh Lạng Sơn thông báo tạm thời dừng tiếp nhận phương tiện chở mặt hàng hoa quả tươi lên cửa khẩu đường bộ của tỉnh Lạng Sơn trong thời gian từ ngày 17.1 cho đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Chí Hiếu - Phan Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.