‘Không phải thấy người ta có sân bay thì tỉnh mình đăng ký’

Mai Hà
Mai Hà
05/11/2022 07:56 GMT+7

Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh , cho rằng việc đề xuất xây thêm sân bay không phải vì tỉnh khác có mà mình đăng ký, mà do xuất phát từ nhu cầu thực tế địa phương.

Chiều 4.11, Bộ GTVT tổ chức toạ đàm “Huy động nguồn lực xã hội đầu tư cảng hàng không”.

Theo ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, địa phương vừa đề xuất bổ sung quy hoạch sân bay Tây Ninh, cho biết đề xuất của Tây Ninh và một số tỉnh không phải vì “thấy mọi người có sân bay thì mình đăng ký đâu". "Chúng ta phải có tư duy quốc gia chứ không phải tư duy cục bộ địa phương. Không phải địa phương khác có cái gì mình phải có cái nấy”, ông Ngọc nói.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh

T.B

Theo quy luật phát triển, tiện ích cơ sở hạ tầng như đường bộ, đường thuỷ, hàng không phải phát triển theo để đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, với quy hoạch quốc gia, chúng ta nên nghiên cứu theo góc độ quy hoạch mở.

Ông Ngọc cho rằng, nếu đầu tư từ nguồn xã hội hóa thì nên xem sân bay như một dự án đầu tư đơn thuần. “Tây Ninh hội đủ yếu tố cần và đủ. Dư địa phát triển của Tây Ninh về du lịch rất lớn. Việc hình thành sân bay Tây Ninh không chỉ chia sẻ áp lực vận chuyển hàng không với sân bay Tân Sơn Nhất mà còn giúp Tây Ninh kết nối với các điểm du lịch trong và ngoài nước. Góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng và đối ngoại quốc gia”, ông Ngọc nói và cho biết, riêng khu du lịch Núi Bà Đen cuối năm nay đã đón 5 triệu khách, hiện tại là 4,2 triệu. Nếu làm bài bản thành khu du lịch quốc tế vào năm 2030, con số này có thể lên tới 7 - 9 triệu.

Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND Quảng Ngãi, cũng bày tỏ mong muốn sớm đưa Lý Sơn vào quy hoạch sân bay quốc gia giai đoạn 2021 - 2030. Theo ông, trong các phương thức vận tải thì hàng không là phương thức đặc biệt, cực kỳ quan trọng vì rút ngắn khoảng cách, không gian, thời gian, tạo thuận lợi cho địa phương có sân bay phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND Quảng Ngãi

T.B

“Tuy địa phương nào cũng mong muốn có sân bay để phát triển, nhưng đầu tư sân bay cần phải cân nhắc hết sức thận trọng. Không phải cứ có nhà đầu tư là làm sân bay mà cần phải cân nhắc rất nhiều yếu tố bao gồm vấn đề kỹ thuật, sự lan tỏa của địa phương khi có sân bay”, ông Minh nêu.

Quảng Ngãi có vị trí giáp Quảng Nam (đã có sân bay Chu Lai), 80% người dân tại Quảng Ngãi di chuyển qua sân bay Chu Lai. Vì thế, nếu nói riêng Quảng Ngãi thì không cần sân bay nữa.

Nhưng theo ông Minh, Quảng Ngãi có huyện đảo Lý Sơn là đảo tiền tiêu của cả nước. Đây là hòn đảo có vị trí, vai trò tầm quan trọng lớn trong việc đảm bảo an toàn, quốc phòng an ninh. “Đề xuất xây sân bay tại Lý Sơn đã được báo cáo lên lãnh đạo chủ chốt T.Ư và đang nhận được sự quan tâm lớn”, ông Minh nói và cảm ơn Bộ GTVT đã đưa ý “ngoài 28 sân bay, có thể phát triển thêm sân bay ở các đảo Lý Sơn, Phú Quý”.

Đầu tư không khó, nhưng sau 45 năm mới thu hồi vốn

Từ góc nhìn khác, ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, địa phương mới khởi công xây dựng Cảng hàng không Sa Pa theo hình thức PPP (4.000 tỉ đồng), cho biết ý tưởng xây sân bay đã được đưa ra từ năm 1991 khi Lào Cai tái lập tỉnh. Song sau 31 năm mới được Thủ tướng phê duyệt đầu tư, sau 2 lần thay đổi địa điểm.

Ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai

T.B

“Để trình được Thủ tướng, chúng tôi mất 4 năm do còn vướng mắc về phương thức bay. Khi chọn nhà đầu tư cũng rất khó khăn, với 5 mức nhưng với chúng tôi thì PPP là lựa chọn tốt nhất”, ông Trường nói.

Chủ tịch tỉnh Lào Cai cũng cho rằng, các tỉnh đề xuất xây dựng sân bay hầu hết đều có tiềm năng. Các nhà đầu tư nếu nghiên cứu thật kỹ chưa chắc đã dám đầu tư sân bay vì thực sự không đơn giản, nhiều khả năng thua lỗ.

Về luật Đầu tư có cơ chế chia sẻ doanh thu, nhưng từ câu chuyện của sân bay Sa Pa thì rõ ràng cần bổ sung những ưu đãi khi khai thác hoạt động đầu tư sân bay, cởi trói nhà đầu tư về thể chế.

“Với mức đầu tư 4.000 tỉ thì Lào Cai bỏ ra 1.700 tỉ, còn lại là của nhà đầu tư. Khoản 4.000 tỉ không khó để đầu tư nhưng phải sau 45 năm mới thu hồi vốn. Nếu có thể chế giúp nhà đầu tư thu hồi vốn nhanh thông qua cơ chế mở thì rất tốt”, ông Trường nói.

Ví dụ như Lào Cai, riêng hỗ trợ nhà đầu tư xe buýt đã bỏ ra 15 tỉ đồng/năm thì với một khoản đầu tư lớn như sân bay, thiết nghĩ cần có cơ chế hỗ trợ để chung tay, có trách nhiệm với nhà đầu tư.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, hiện nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp nhà nước và ngân sách nhà nước T.Ư cho lĩnh vực giao thông, cho phát triển kết cấu hạ tầng hàng không có hạn. Chính phủ chỉ tập trung vào công trình quan trọng như đường cất hạ cánh.

"Để phát triển cảng hàng không mới, cảng hàng không hiện nay, cần xã hội hoá, huy động nguồn lực đầu tư. Chúng tôi sẽ tiếp tục tổng hợp lại những vướng mắc mà địa phương nêu ra, rà soát, tham mưu lại cho Chính phủ để ban hành những chính sách, cơ chế, hành lang pháp lý tạo điều kiện cho đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không", Thứ trưởng Tuấn nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.