Một số khách hàng vay tín chấp, khi nợ đến hạn nhưng người vay chưa kịp trả hoặc đang gặp khó khăn chưa thể trả, liền bị những người xưng là nhân viên của công ty liên tục gọi điện đến đòi nợ bằng những lời lẽ tục tĩu, hăm dọa, côn đồ… Điều đáng căm phẫn là người thân, đồng nghiệp, lãnh đạo của người vay cũng bị vạ lây vì những cuộc điện thoại “trên trời rơi xuống” liên tiếp hành hạ họ. Thậm chí, nhiều người còn bị nhóm đòi nợ dùng ảnh cá nhân để vu khống, bôi nhọ trên mạng xã hội, yêu cầu trả nợ, dù họ không hề dính dáng đến khoản vay này.
Hình ảnh cá nhân người không liên quan đến vay tiền bị sử dụng để vu khống, xúc phạm trên mạng xã hội |
CHỤP MÀN HÌNH |
Tưởng chỉ có ở Nghệ An, nhưng cùng nhiều đồng nghiệp của Báo Thanh Niên, chúng tôi còn ghi nhận hiện tượng này ở nhiều tỉnh, thành khác. Sau loạt bài Đòi nợ kiểu “khủng bố” lộng hành, nhiều ý kiến đã chỉ rõ hành vi vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của những người không liên quan đến việc vay nợ là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của họ. Nhiều nạn nhân đã cầu cứu công an, gửi đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật này, nhưng kết quả điều tra không phải là ngày một ngày hai là xong và nạn nhân bị rơi vào cảnh “chờ được vạ thì má đã sưng”.
Vay và cho vay là một nhu cầu chính đáng, nhưng sử dụng thủ đoạn đe dọa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác để đòi nợ là không thể chấp nhận và có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tìm hiểu thông tin sâu hơn về hiện tượng “đòi nợ kiểu khủng bố” nêu trên, chúng tôi cũng nhận ra rằng người vay cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ về các dịch vụ cho vay tài chính, đặc biệt là lãi suất, điều kiện để được vay vì nếu không, sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn nợ nần - không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn đối với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp người vay.
Bình luận (0)