Khủng hoảng do Covid-19, tạo cơ hội chuyển nền giáo dục 1.0 qua 4.0

19/02/2020 10:03 GMT+7

Hai tháng qua Trung Quốc và các nước trên thế giới lo đối đầu với khủng hoảng do dịch cúm Covid-19 . Nhưng khủng hoảng không chỉ là nguy cơ mà nó bao gồm cả cơ hội. Vậy cơ hội cho Việt Nam là gì?

Trong thời gian qua báo chí nêu vấn đề nông phẩm như dưa hấu, thanh long, và giờ đây sầu riêng ứ đọng vì xuất khẩu qua Trung Quốc bị hạn chế. Vì vậy Việt Nam cần phấn đấu để đưa nông phẩm qua những thị trường mới thay vì lệ thuộc vào một vài thị trường quen thuộc. Đây là một cơ hội lớn.
Về sản xuất, Việt Nam nhập khá nhiều nguyên vật liệu từ Trung Quốc. Nếu nguồn cung không đáp ứng được nhu cầu vì lý do nào đó thì dây chuyền sản xuất ở Việt Nam sẽ bị đình hoãn và đưa đến nhiều hệ lụy về cả kinh tế và xã hội. Điều này cho thấy chúng ta cần phải đầu tư vào phát triển các nguồn nguyên vật liệu cho những sản phẩm thiết yếu và đa dạng hóa nguồn cung. Đây là một cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh công nghệ hóa.
Về giáo dục, thời gian qua việc nên cho học sinh, sinh viên đi học lại sau tết hay không là một đề tài tranh cãi chưa có điểm dừng. Việc này tạo ra cơ hội gì cho giáo dục Việt Nam?
Trong thời gian vừa qua, nhiều trường triển khai dạy học trực tuyến (online) để giảm hệ lụy do học sinh, sinh viên nghỉ học quá lâu. Tuy nhiên, lâu nay các trường chú tâm vào việc tổ chức đào tạo lớp học tập trung theo cách truyền thống và việc đầu tư phát triển giáo dục trực tuyến không phải là trọng điểm nên giờ đây các trường nhận thấy những khiếm khuyết trong hạ tầng cơ sở thông tin để có thể đào tạo trực tuyến hiệu quả.
Đây là cơ hội rất lớn để giáo dục Việt Nam có động lực thay đổi thẳng từ nền giáo dục 1.0 hiện nay qua nền giáo dục 4.0.
Những bài học kinh nghiệm từ phát triển nền giáo dục 2.0 và 3.0 cho thấy đào tạo trực tuyến có một số khuyết điểm và không thể thay thế giáo dục qua lớp học. Tuy nhiên, trong nền giáo dục 4.0 lớp học không còn là nơi thầy cô dạy kiến thức, trò lắng nghe, mà đào tạo trực tuyến là công cụ hỗ trợ tạo cơ hội cá nhân hóa đào tạo cho từng học viên. Học sinh, sinh viên qua hệ thống đào tạo trực tuyến học hỏi các kiến thức trước khi đến lớp và lớp học là nơi ứng dụng kiến thức để phát triển những kỹ năng cần thiết cho nền kinh tế trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0. Các kỹ năng đó là giải quyết vấn đề, suy nghĩ đa chiều và sáng tạo, tương tác, làm việc nhóm.
Trong mỗi khủng hoảng đều có cơ hội. Khủng hoảng do dịch Covid-19 đem lại cơ hội cho Việt Nam đánh giá hiệu quả phát triển kinh tế cũng như giáo dục hiện nay, học hỏi kinh nghiệm và triển khai những chiến lược cần thiết để có khả năng ứng phó với những thử thách lớn hơn trong tương lai.
Trên khía cạnh giáo dục, Việt Nam có khả năng đi thẳng từ nền giáo dục hiện nay qua giáo dục 4.0 mà không phải qua 2.0 và 3.0. Nếu quyết tâm, Việt Nam có thể làm được điều này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.