Tàu ngầm Nga Rostov-on-Don đi qua eo biển Bosphorus để đến Biển Đen ngày 13.2 |
reuters |
“Chúng tôi kêu gọi phong tỏa các eo biển Bosphorus, Dardanelles và trên không. Chúng tôi đã chuyển yêu cầu trên cho phía Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng lúc đó, chúng tôi muốn (thế giới) áp đặt các lệnh cấm vận đối với Nga”, Đại sứ Bodnar phát biểu tại cuộc họp báo ở Ankara.
Eo Bosphorus cùng với eo Dardanelles ở phía nam là hai biển thuộc hệ thống các eo biển Thổ Nhĩ Kỳ kết nối biển Đen với biển Aegea và qua đó là Địa Trung Hải.
Yêu cầu trên đã đẩy Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên của Tổ chức Hiệp ước Đại Tây Dương (NATO) và chia sẻ giới tuyến trên biển với Ukraine và Nga ở Biển Đen, vào tình thế khó khăn.
Ukraine muốn Thổ Nhĩ Kỳ không cho tàu chiến Nga vào biển Đen |
Hiện chính quyền Ankara vẫn duy trì quan hệ tốt với cả Nga và Ukraine. Theo Công ước Montreux 1936 quy định về chế độ các eo biển Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara có quyền đơn phương đóng cửa các eo biển đối với các tàu chiến nước ngoài trong thời chiến nếu Thổ Nhĩ Kỳ là một bên tham chiến hoặc cảm thấy bị đe dọa bởi nguy cơ chiến tranh sắp xảy ra.
Theo Sputnik News, vào năm 2015, thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ và Nga còn trong giai đoạn đối đầu, hàng chục tàu Nga đã bị buộc phải chờ nhiều giờ liền gần eo biển Bosphorus trước khi được phía Thổ Nhĩ Kỳ bật đèn xanh cho phép đi qua nơi này. Còn tàu bè các nước khác vẫn di chuyển như bình thường.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng phản đối cấm vận Nga. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết Ankara sẽ nỗ lực tránh tổn hại quan hệ với cả Moscow lẫn Kiev.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo cũng cho rằng việc Nga triển khai chiến dịch đặc biệt tại miền Đông Ukraine là không thể chấp nhận được. Ông Erdogan đã triệu tập cuộc họp khẩn với giới chức hàng đầu về an ninh quốc gia nhằm thảo luận tình hình Ukraine.
Tuần trước, tổng cộng 6 tàu chiến và một tàu ngầm Nga đã đi qua các eo biển Dardanelles và Bosphorus khi trên đường đến Biển Đen để diễn tập hải quân.
Vẫn chưa có phản ứng chính thức của Ankara đối với yêu cầu của Ukraine.
Bộ Quốc phòng Ukraine nói "quân Nga đang chịu thiệt hại" |
Về phần mình, Moscow cũng thông báo phong tỏa các tuyến hàng hải trên Biển Azov, nằm giữa Ukraine và Nga.
“Liên quan đến chiến dịch chống khủng bố đang được triển khai, hoạt động tàu bè trên Biển Azov sẽ bị ngưng lại từ 4 giờ sáng 24.2 (giờ Việt Nam là 8 giờ cùng ngày) cho đến khi có thông báo thêm”, AFP dẫn lời đại diện Cơ quan Liên bang Nga về Vận tải hàng hải Rosmorrechflot.
Biển Azov có nhiều cảng nước nông, với công suất vận hành hạn chế.
Trong khi phong tỏa Biển Azov, phía Nga thông báo các cảng trên Biển Đen vẫn hoạt động bình thường.
Sáng 24.2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố chiến dịch quân sự ở Donbass, miền Đông Ukraine, hai ngày sau khi Hội đồng Liên bang (Thượng viện) của Nga thông qua đề xuất về việc đưa quân ra nước ngoài.
Bình luận (0)