Theo ghi nhận của PV Thanh Niên đến 15 giờ ngày 5.9, thông tin TP.HCM giãn cách xã hội ra sao sau ngày 6.9 vẫn chưa được công bố.
Cứ mỗi đợt TP.HCM giãn cách xã hội, người dân mong mỏi dịch bệnh được kiểm soát để có thể trở lại trạng thái bình thường mới, làm ăn, buôn bán, mưu sinh. Mong mỏi này càng khắc khoải hơn, khi thời gian giãn cách xã hội cứ kéo dài, bào mòn sức lực chịu đựng của nhiều người vì cứ phải “ai ở đâu ở yên đó”.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, có nhiều ý kiến mong đợi TP.HCM sớm có phương án “mở cửa” kinh tế, căn cứ vào tỷ lệ người được tiêm vắc xin. Có nhiều ý kiến cũng đề nghị việc kiểm soát giãn cách, dịch tễ cũng dựa vào tỷ lệ tiêm vắc xin này, thay vì kiểm soát cơ học bằng giấy đi đường như hiện nay. Đặc biệt, có phương án phù hợp cho người đã tiêm vắc xin “không phải ở yên như người chưa tiêm vắc xin phòng ngừa Covid-19”.
“Mong được cho bán mang đi”
Hơn 10 năm qua, chị Trang và gia đình (ngụ ở P.An Khánh, TP.Thủ Đức) mưu sinh nhờ quán cà phê nhỏ trước nhà. Trong đợt dịch thứ 4, phường yêu cầu ngừng bán từ 23.5. “Đến nay đã 3 tháng rưỡi rồi, không bán buôn gì được, không có nguồn thu nhập. Ở yên trong nhà miết thôi, giờ bước ra khỏi cửa là công an nhắc rồi”, chị Trang nói.
Chị Trang cho biết, chị và chồng đều đã chích 2 mũi vắc xin, mũi 2 đã chích cách đây hơn 1 tháng. 4 đứa con của chị, thì 1 đứa đã chích 2 mũi, 3 đứa đã chích 1 mũi vắc xin từ hơn 1 tháng trước.
“Giờ tôi chỉ mong được mở cửa quán để bán nước, cho bán mang đi cũng được, chứ ở yên hoài thì thêm nhiều khó khăn”, chị Trang chia sẻ.
|
“Cứ ship hoài tiền chịu không nổi”
Anh Hồ Ngạn, đang trọ ở P.8 (Q.Gò Vấp). Anh Ngạn cho biết khu trọ nơi anh ở đã rào chắn 2 đầu đường theo tinh thần “ai ở đâu ở yên đó”. “Tôi đã chích 1 mũi vắc xin từ 25.6, giờ chỉ mong có quy định những người đã chích vắc xin như tôi được đi mua hàng thiết yếu. Bởi đặt online thì lúc có lúc không, nhờ mua hộ thì cũng khó”, anh nói.
Trong khi đó, anh Nguyễn Toàn ở P.Sơn Kỳ (Q.Tân Phú) cũng mong chờ sớm có phương án giãn cách tạo điều kiện cho những người đã chích vắc xin được đi lại, mưu sinh. “Tôi làm nghề sửa điện thoại, đã chích 1 mũi vắc xin từ 4.8 vừa qua. Khách cần sửa điện thoại mà đi lại không được, nhiều khi phải ship tới, nhưng tiền trả cho shipper quá tốn kém. Có trường hợp đoạn đường chỉ hơn 500 m, nhưng tiền ship 1 vòng hết 50.000 đồng. Khoảng cách xa thì tốn kém hơn. Cứ ship hoài tiền chịu không nổi nên cũng không ai gửi điện thoại để sửa”, anh Toàn kể.
Vợ của anh Toàn làm công nhân may, cũng đã nghỉ vì dịch bệnh từ mấy tháng qua. Vợ chồng anh chị thuê trọ, tiền nhà 7,5 triệu đồng/tháng. Vì dịch, chủ nhà giảm tiền thuê còn 6 triệu đồng/tháng. “Nhiều khó khăn lắm vì vợ chồng tôi còn nuôi 2 đứa con đang đi học nữa”, anh Toàn than thở.
|
“Còn người là còn của”
Chung tình cảnh bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, chuỗi 5 nhà hàng của anh Dũng (2 cái ở Q.7, 2 cái ở H.Nhà Bè, TP.HCM; 1 cái ở Nhơn Trạch, Đồng Nai) đều đóng cửa từ cuối tháng 4.2021 đến nay.
Khi 5 nhà hàng đóng cửa, đa phần trong tổng số khoảng 130 nhân viên tản mát một người một nơi, số ít còn lại trụ ở nơi thuê trọ. Trước đây, tiền lương nhân viên mỗi tháng, bình quân khoảng hơn 1 tỉ đồng. Do nhà hàng đóng cửa, anh Dũng chỉ đủ khả năng hỗ trợ phần nào tiền thuê trọ cho số ít nhân viên ở lại. Trong 5 nhà hàng, có 4 cái anh Dũng thuê mặt bằng để kinh doanh, chi phí thuê hàng trăm triệu/tháng. Vì dịch, tiền mặt bằng được chủ nhà giảm 30%.
“Có gần 30 nhân viên đã được chích vắc xin. Tôi cũng đã được chích vắc xin rồi, 1 mũi hết. Khó khăn tứ bề nhưng bây giờ phải tiếp tục cầm cự thôi. Còn người là còn của, khi chưa đảm bảo an toàn dịch tễ là không mở cửa nhà hàng vì còn phải lo cho sức khỏe của nhân viên, gia đình”, anh Dũng chia sẻ.
|
Trong 2 ngày 4 - 5.9, khi làm việc với H.Củ Chi và Q.7 (2 địa bàn đã công bố cơ bản kiểm soát được dịch bệnh Covid-19), Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên khẳng định TP.HCM sẽ từng bước mở cửa, chắc tới đâu mở cửa tới đó để bảo vệ sức khỏe của nền kinh tế.
Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, việc mở cửa nền kinh tế sẽ thực hiện từng bước chậm, chắc, mở tới đâu chắc tới đó. Bởi lẽ, nếu không quản lý được thì sẽ lây nhiễm trở lại. Nếu để dịch bệnh quay trở lại như những gì đã đi qua thì cực kỳ nguy hiểm, lúc đó TP.HCM sẽ không còn đủ sức để chống chọi với dịch bệnh nữa. Với đặc thù thành phố dịch vụ, việc đóng cửa dù ở mức nhỏ nhưng cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến cả chuỗi cung ứng.
|
Bình luận (0)