Kịch đi tỉnh tìm khán giả

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
04/09/2019 06:22 GMT+7

NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch VN , không thể quên lần gặp một khán giả cao tuổi ở miền Trung. Sau đêm diễn, cụ tiến đến, áp hai tay vào má rất lâu, sau đó ôm anh rồi nói hay quá, hay quá.

“Tôi cảm giác như cụ đang ôm đứa con đi xa về, quá xúc động”, Xuân Bắc chia sẻ. Nhà hát Kịch VN có lịch diễn ở các tỉnh khá nhiều, NSƯT Xuân Bắc thậm chí xác định đây là cách chủ động đi tìm khán giả.
Ngoài Nhà hát Kịch VN, Nhà hát Tuổi trẻ cũng tăng cường đi diễn ở các tỉnh. “Đầu năm, Nhà hát Tuổi trẻ đi hết các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Quảng Ninh và diễn mấy chục suất ở đó. Sau đó là 20 suất ở TP.HCM, mấy chục suất ở miền Tây Nam bộ, Đông Nam bộ”, NSƯT Sĩ Tiến, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, nói và cho biết việc đi tỉnh là đương nhiên nếu muốn mở rộng công chúng, tìm kiếm khán giả.
Các nhà hát đều cho rằng kịch Lưu Quang Vũ dễ đưa đi tỉnh vì đi đâu ai cũng thích và có lợi thế sân khấu gọn nhẹ do là kịch đời thường. “Kịch Lưu Quang Vũ đi tỉnh lúc nào cũng ổn. Nó như kiểu thịt gà luộc, ngon và cỗ nào cũng cần có”, NSƯT Sĩ Tiến ví von.
Tuy nhiên, “bài toán” đi tỉnh bao giờ cũng đặt các nhà hát phải tính toán sao cho đoàn gọn, đạo cụ, sân khấu gọn để còn đạt hiệu quả kinh tế. NSƯT Xuân Bắc cho biết: “Vở Bão tố Trường Sơn diễn ở Hà Nội cần 40 diễn viên, đi tỉnh thì phải giảm sao cho ngồi đủ 1 xe bằng cách giảm vai quần chúng, nhưng cốt truyện phải đảm bảo. Vở Bà mẹ trước vành móng ngựa sắp tới cũng thế, diễn ở nhà có khoảng 50 diễn viên, nhưng nếu đi xa thì phải bớt vì còn cả lái xe, phục trang, hậu đài”.
Theo TS Cao Ngọc, nguyên giảng viên ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, khi đi diễn ở tỉnh, kịch sẽ đối mặt với những khó khăn như ánh sáng, loa đài, thiết kế mỹ thuật. Về điều này, ông Sĩ Tiến cho hay Nhà hát Tuổi trẻ thường phải mang theo loa đài cũng như tiền trạm thật kỹ để giải quyết các vấn đề kỹ thuật.
Điều thú vị là các diễn viên kịch nói đã thành “sao” truyền hình không nhất thiết phải là “át chủ bài” để thu hút khán giả địa phương. NSƯT Xuân Bắc cho hay thường chia nghệ sĩ nổi tiếng đều trong các vở để tạo sức hút khi đi tỉnh. “Chúng tôi có anh Quốc Khánh, anh Trung Anh, chị Lan Hương Bông nhưng không phải cứ đi xa thì tất cả người nổi tiếng phải theo. Nếu chỉ tập trung cho kịch và nhà hát kịch thì làm sao họ nổi tiếng và có thương hiệu cá nhân được. Khi điều hành, Xuân Bắc luôn tạo điều kiện để anh chị em tham gia các chương trình có tính lan tỏa, như phim truyền hình chẳng hạn, để công chúng biết đến nghệ sĩ đó nhiều hơn. Việc ấy là tiền đề cho xây dựng thương hiệu cá nhân, rồi cá nhân lại xây dựng được thương hiệu của nhà hát”, Giám đốc Nhà hát Kịch VN nói.
NSƯT Sĩ Tiến chia sẻ bí quyết thu hút khán giả của Nhà hát Tuổi trẻ: “Chúng tôi có mô hình ca múa nhạc - hài kịch nên làm tạp kỹ được. Múa, hát, kịch đan xen. Cứ thay đổi mô hình liên tục cho phù hợp thị hiếu vùng miền”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.