Nhìn tiền và tham nhũng sắc lẹm
Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, sân khấu những năm gần đây có nhiều kịch bản cũ được dựng lại, nhất là kịch Lưu Quang Vũ. Nhà hát nào cũng có vở diễn Lưu Quang Vũ trong kịch mục, năm nào cũng có vở của ông được dựng lại. Ngoài Lưu Quang Vũ, nhiều kịch bản cũ khác cũng quay lại như kịch dân gian Nghêu Sò Ốc Hến được Nhà hát Kịch VN và Nhà hát Tuổi Trẻ dựng lại. Tác giả Lộng Chương có Quẫn, tác giả Xuân Trình có Bạch đàn liễu được đoàn kịch tư nhân LucTeam dựng lại, chưa kể nhiều vở đã quay lại trong các hội diễn...
|
Theo NSƯT Trần Lực, điều ông thích nhất trong Bạch đàn liễu là câu chuyện cường hào thời mới. Đây cũng là đề tài mà cố tác giả Lưu Quang Vũ đã mổ xẻ trong Lời thề thứ chín. “Chuyện cường hào, tham nhũng thời đánh Mỹ khác, thời nay khác hẳn luôn, đó là vấn đề thời đại. Vở diễn còn có chuyện người dân bình thường mong muốn đời sống êm đềm. Họ nhịn và tự đánh mất quyền dân chủ của họ”, ông Trần Lực nói.
Hay ở Nghêu Sò Ốc Hến, câu chuyện tham nhũng tiền, tham nhũng tình cũng được đề cập. Hai bản diễn của Nhà hát Kịch VN và Nhà hát Tuổi Trẻ, một trầm tĩnh, một duyên dáng nhẹ nhàng, song đều bám chặt việc lên án thói cửa quyền, tham nhũng.
Theo ông Nguyên, điều hay của việc dựng lại vở diễn cũ là công chúng có thể chờ mong những điều mới, những bản diễn mang góc nhìn riêng. “Tùy tài năng sẽ có bản dựng khác. Chẳng hạn, LucTeam dùng sân khấu ước lệ. Cách dàn dựng hơi hướng hiện nay. Quẫn lúc đầu là vở viết mang tính thời sự phê phán người không đi theo công tư hợp doanh thì nay được làm mới hẳn. Thời đó chống làm giàu, nhưng giờ anh Lực đặt lại vấn đề ai cho tôi làm giàu”, ông Nguyên nói.
Hoặc, có thể thấy Hoa cúc xanh trên đầm lầy của Nhà hát Tuổi Trẻ với bản dựng của NSƯT Sĩ Tiến đã trở nên giàu hy vọng hơn.
Không chỉ là chuyện xưa, chuyện nay
Nhà biên kịch Lê Quý Hiền cho rằng có hai dạng dựng lại vở cũ của sân khấu hiện nay. “Thứ nhất là dạng lười biếng, dựng lại vở cũ cho an toàn. Nhất là đi hội diễn liên hoan sân khấu thì nhiều vở như thế. Dạng thứ hai là làm lại vở cũ, đó là dạng của Bạch đàn liễu. Cái cũ rồi mà khai thác kiểu mới thì mình ủng hộ”, ông Hiền nói.
NSƯT Trần Lực cho biết khi dựng vở mình thường chọn kịch bản có giá trị cho ngày hôm nay. “Những vở mang tầm tư tưởng lớn, đề cập đến vấn đề nói chung của xã hội, con người, nhất là vấn đề con người, thì mới là vở hay với tôi”, ông nói.
Chính vì thế, dù đọc nhiều kịch bản mới về tham nhũng, ông vẫn chọn Bạch đàn liễu để dựng. “Tôi cũng đọc nhiều kịch bản viết về tham nhũng mới. Nhưng nếu xem sẽ thấy tác giả nhiều khi viết trần trụi quá, thiếu tính nghệ thuật, tính hình tượng. Mọi thứ cứ rõ mồn một, trần trụi như một bản tin thời sự tham nhũng. Ở Bạch đàn liễu, khi người dân phải chặt cây bạch đàn để đi đút lót, nó là tình yêu, hy vọng thế mà cuối cùng ông ấy phải chặt nó đi. Như thế thì nó mới xúc động, thì vấn đề tham nhũng mới được đẩy lên cao, người ta mới thấy được sự tàn khốc của tham nhũng, của hoạnh họe, của thói cường hào”, ông Lực chia sẻ.
NSND Trung Anh (Nhà hát Kịch VN) cũng cho rằng với đề tài tham nhũng, quan liêu, sức mạnh của những kịch bản cũ mạnh hơn hẳn kịch bản mới. Chẳng hạn, với đề tài quan liêu, khó vở nào có thể vượt được Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ. Đề tài tham nhũng, cường hào mới trong Bạch đàn liễu cũng rất mạnh. Tuy nhiên, cũng cần có một số gia cố để tác phẩm hợp thời hơn. “Chẳng hạn phần biên tập của Đỗ Trí Hùng cũng rất tốt trong Bạch đàn liễu. Từ bản gốc 3 tiếng thì giờ chỉ 1 tiếng 20 phút thôi”, ông Trung Anh nói.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng: “Đúng là qua việc dựng lại vở cũ cũng cho thấy khoảng trống kịch bản, dù hằng năm Hội Nghệ sĩ sân khấu vẫn tổ chức trại viết. Nhưng cái chính là có vở hay không. Mà kịch bản hay đúng là hiếm thật. Nên muốn bật lên vẫn cứ phải lấy kịch bản xưa”.
Bình luận (0)