Đây là phần mềm thuộc dự án bữa ăn học đường do Bộ Giáo dục - Đào tạo chủ trì, Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) tư vấn và đánh giá chuyên môn. Phần mềm được cung cấp miễn phí đến các trường tiểu học nhằm giúp các trường tổ chức bữa ăn với thực đơn đảm bảo cân bằng về dinh dưỡng, đa dạng và ngon miệng cho học sinh, đồng thời tiết kiệm thời gian trong công tác tổ chức và quản lý bữa ăn bán trú. Phần mềm hỗ trợ tính toán thực đơn chuẩn về dinh dưỡng phù hợp với chi phí kinh tế, thực phẩm, thói quen ẩm thực vùng miền…
Bà Đinh Thùy Dung, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, trường đã thí điểm chương trình bữa ăn học đường cân bằng dinh dưỡng 2 năm qua.
“Phần mềm này rất thuận tiện trong sử dụng, đảm bảo uy tín với phụ huynh trong việc xây dựng bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng. Các món ăn rất bắt mắt, ngon miệng, học sinh rất thích. Học sinh được ăn nhiều thực phẩm đa dạng, đặc biệt là các loại rau củ. Nhiều học sinh trước đây chỉ biết ăn trứng, thịt, không biết ăn rau, cá... thì nay đã thay đổi thói quen không tốt này”, bà Dung nói.
Phó giáo sư - bác sĩ Nguyễn Thị Lâm, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, thực tế, việc trẻ em, đặc biệt là trẻ em thành thị bị thừa cân, béo phì là do chế độ ăn uống thừa năng lượng nhưng thiếu vi chất, khoáng chất có lợi cho sức khoẻ. Điều này một phần là do bữa ăn bán trú một số trường chưa cân đối dinh dưỡng.
tin liên quan
Triển khai dự án bữa ăn học đường cho học sinhViện Dinh dưỡng quốc gia cho biết đang bắt đầu triển khai dự án bữa ăn học đường cho học sinh tiểu học tại 2 thành phố Hà Nội và Đà Nẵng, với sự phối hợp của Sở GD-ĐT 2 thành phố này.
Theo bà Lâm, áp dụng phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng trong các trường tiểu học sẽ giúp khắc phục được tình trạng này.
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội, toàn thành phố có hơn 650.000 học sinh tiểu học, trong đó hơn 50% học sinh ăn bán trú tại trường. Các quận nội thành và thị xã Sơn Tây có gần 100% học sinh ăn bán trú.
Số lượng học sinh tiểu học ăn bán trú lớn nên việc quan tâm đến thực đơn cho các em rất quan trọng. Hầu hết các trường không có biên chế cho công tác nuôi dưỡng. Vì vậy, cán bộ quản lý phân công giáo viên, phối hợp với cha mẹ học sinh để quản lý công tác chăm sóc nuôi dưỡng các em.
“Phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng sẽ giúp các nhà trường có một bộ công cụ quản lý bữa ăn của học sinh, đảm bảo dinh dưỡng cho các em”, ông Tiến nói.
Bình luận (0)