Trước vụ việc bé gái 8 tuổi bị bạo hành tử vong tại TP.HCM, Báo Thanh Niên có cuộc trao đổi với chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư T.Ư Đoàn, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Đội T.Ư, về những giải pháp ngăn chặn tình trạng này.
Thưa chị, thời gian qua có khá nhiều vụ việc trẻ em bị bạo hành đến tử vong, gần đây nhất là vụ việc đau lòng xảy ra với bé gái 8 tuổi ở TP.HCM gây phẫn nộ trong cộng đồng. Là cơ quan chăm lo và đại diện cho tiếng nói của trẻ em, Hội đồng Đội T.Ư đã có những động thái gì trước thực trạng này?
- Chị Nguyễn Phạm Duy Trang: Sau khi nắm bắt được thông tin vụ việc, Thường trực Hội đồng Đội T.Ư đã khẩn trương trao đổi, chỉ đạo Hội đồng Đội TP.HCM báo cáo chi tiết diễn biến về vụ việc, tham gia phối hợp cùng lực lượng chức năng đeo bám quá trình giải quyết vụ việc, kịp thời đến thăm hỏi, động viên gia đình.
Đồng thời, Hội đồng Đội T.Ư đã phối hợp với các thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ tư vấn, trợ giúp trẻ em cấp T.Ư do T.Ư Đoàn thành lập tiến hành tham vấn ý kiến của các chuyên gia pháp lý để lên tiếng về vụ việc trên các cơ quan, báo chí, truyền hình theo hướng đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý nghiêm minh vụ việc.
Chúng tôi mong muốn và kiến nghị các cơ quan tư pháp cần tiếp tục khẩn trương điều và xử lý nghiêm các hành vi bạo hành trẻ em để răn đe, có bài học cảnh tỉnh những việc hành vi trái pháp luật, nhất là đối với trẻ em trong xã hội.
Đồng thời, chúng tôi khuyến cáo các bậc phụ huynh cần quan tâm hơn đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tránh để xảy ra những hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của trẻ em.
Chị Nguyễn Phạm Duy Trang |
ngọc thắng |
Theo chị, để giải quyết căn cơ tình trạng này, cần có giải pháp như thế nào?
Bên cạnh việc lên tiếng bảo vệ trẻ em trước mỗi vụ việc xảy ra, Hội đồng Đội T.Ư đã thực hiện nhiều giải pháp có tính lâu dài, bền vững để thay đổi nhận thức của xã hội trước vấn nạn này.
Câu lạc bộ tư vấn, trợ giúp trẻ em cấp T.Ư là tổ chức đã cùng Hội đồng Đội T.Ư tham gia tổ chức rất nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến luật Trẻ em, các chính sách, pháp luật phòng chống xâm hại trẻ em, bảo vệ quyền trẻ em. Chúng tôi cho rằng, vụ việc đau lòng, xót xa vừa qua đã gây bức xúc, phẫn nộ trong cộng đồng xã hội khi tính mạng của một em nhỏ đã bị tước đoạt. Nguyên nhân vụ việc cũng xuất phát từ hành vi, thái độ ứng xử, nhận thức của người lớn đối với trẻ em.
Về lâu dài, để khắc phục tình trạng này, với chức năng, nhiệm vụ của mình, chúng tôi cho rằng cần quan tâm, đầu tư đến công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống, hành vi ứng xử, nhân cách con người ngay từ tuổi nhỏ.
Vậy, Hội đồng Đội T.Ư sẽ thực hiện mục tiêu đó như thế nào?
Theo tôi, chúng ta cần phải giáo dục tình yêu thương con người cho các em từ rất sớm và điều này phải được duy trì thường xuyên trong gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó vai trò quan trọng trước hết phải bắt đầu từ môi trường gia đình. Mỗi con người chúng ta là một thực thể khác nhau nhưng ai cũng cần có tình yêu thương và bất cứ người nào cũng có thể yêu thương người khác. Khi tình yêu thương được giáo dục từ sớm sẽ bồi đắp cho các em những suy nghĩ tích cực và rèn luyện cho các em cách ứng xử văn minh; sống có giá trị, biết yêu thương và chia sẻ, từ đó sẽ trở thành những con người lương thiện.
Nhận thức được vai trò của mình trong công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh thiếu nhi, trong thời gian vừa qua, tổ chức Đoàn, Đội đã chỉ đạo triển khai nhiều hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, định hướng quá trình hình thành nhân cách cho trẻ em thông qua chương trình “Cùng em làm việc tốt mỗi ngày”; các phong trào, cuộc vận động như: “Thiếu nhi Việt Nam thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy”, “Nghìn việc tốt”, “Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng”... nhằm hun đúc những giá trị sống tốt đẹp trong thiếu nhi, đặc biệt, là lòng yêu thương con người, sự biết ơn, tinh thần sẻ chia, tương thân tương ái.
Với những vụ việc đau lòng như vừa qua, là người có trách nhiệm chăm lo cho thế hệ tương lai, chị có suy nghĩ gì?
Qua vụ việc thương tâm này, chúng ta càng nhận thấy rõ hơn về tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, giáo dục trong việc hình thành nhân cách con người. Nếu chúng ta thực hiện tốt công tác tuyên truyền giáo dục, ngay từ lứa tuổi mầm non thì sau này chúng ta sẽ có những công dân tốt, biết sẻ chia với những người xung quanh, biết lên tiếng trước những sự việc bất bình, sai trái hoặc ít nhất là biết cách liên hệ, thông báo cho các cơ quan chức năng khi phát hiện hành vi bạo lực, xâm hại.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư sẽ quyết liệt triển khai, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tuyên truyền, giáo dục thiếu niên, nhi đồng để góp phần cùng các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và xã hội xây dựng, hình thành nên những thế hệ công dân tương lai, chủ nhân đất nước những năm 2030 - 2045 thông minh, trí tuệ, đồng thời có lối sống văn hóa, có lòng nhân ái, biết yêu thương, sẻ chia và sống có trách nhiệm.
Xin cảm ơn chị!
Vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành sẽ thành án điểm, xét xử nghiêm minh |
Thấy trẻ em bị bao hành, báo cho ai?
Để ngăn chặn tình trạng bạo hành trẻ em, TS Đặng Tất Dũng, giảng viên Trường đại học Luật TP.HCM, thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ tư vấn, trợ giúp trẻ em thuộc T.Ư Đoàn, chia sẻ: đối với trẻ em, khi bị bạo hành có thể báo ngay với những người lớn khác ở gần nhất để nhờ được giúp đỡ, đặc biệt là các cô chú tổ trưởng dân phố, bảo vệ khu phố...
Nếu trẻ em có thể sử dụng điện thoại thì gọi đến các tổng đài 111 (tổng đài bảo vệ trẻ em), 113 (tổng đài khẩn cấp).
Trẻ em cũng có thể nhờ sự trợ giúp từ thầy cô, phụ trách đội để được bảo vệ, hỗ trợ.
Đối với cộng đồng, khi nhận thấy nguy cơ trẻ em ở gần nơi cư trú của mình bị bạo hành hoặc được trẻ em nhờ bảo vệ thì nên thông tin ngay với bảo vệ khu phố, tổ trưởng dân phố để có biện pháp bảo vệ khẩn cấp với trẻ em.
Bên cạnh đó, theo Quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại trên địa bàn TP.HCM (ban hành theo Quyết định số: 2017/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân TP.HCM) thì ngay khi phát hiện, người phát hiện có thể báo tin ngay cho các đầu mối sau: công an xã, phường; UBND xã, phường; báo tin vào đường dây hỗ trợ 111, 113 hoặc báo tin cho cơ quan lao động- thương binh và xã hội các cấp.
Các nơi khi nhận được tin báo phải khẩn trương kiểm tra, xử lý và báo cáo kết quả cho Chủ tịch UBND trong vòng 2 giờ sau đó.
Bình luận (0)