Dự thảo luật chưa chặt chẽ, tiếp thu giải trình còn bất cập
Một số tổ chức như Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA); Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN); Liên minh Phòng chống các bệnh Không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN); Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature); Nhóm Hành động vì Công lý - Môi trường - Sức khoẻ (JEH) mới đây đã gửi thư kiến nghị đến Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội - Cơ quan thẩm tra; Bộ TN-MT và các đại biểu Quốc hội cân nhắc, xem xét tạm dừng thông qua dự thảo luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 10.
Theo thư kiến nghị của các đơn vị nêu trên, việc kiến nghị tạm dừng thông qua dự thảo luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) là để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo. Trước đó, cơ quan soạn thảo và thẩm tra đã tích cực tiếp nhận góp ý từ các đại biểu Quốc hội, bộ, ban, ngành, các chuyên gia và tổ chức xã hội. Tuy nhiên, kết quả tiếp thu và giải trình còn nhiều bất cập.
Các đơn vị kể trên bày tỏ, đóng góp trong bản kiến nghị dựa trên nghiên cứu dự thảo số 7 được đăng tải trên cổng thông tin duthaoonline.com của Quốc hội. Trước khi gửi thư kiến nghị, nhiều chuyên gia đã tập trung tọa đàm theo chủ đề “Góc nhìn cộng đồng và chuyên gia đối với luật Bảo vệ môi trường sửa đổi”. Tại tọa đàm, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, quá trình soạn thảo, thẩm tra dự thảo luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cũng như nội dung dự thảo luật cho đến nay chưa thực sự chặt chẽ.
Bên cạnh đó, theo thư kiến nghị, một số khía cạnh và nguyên tắc quan trọng về bảo vệ môi trường bị bỏ sót hoặc quy định rất sơ sài, chưa thể hiện tuân thủ luật pháp quốc tế về các quyền cơ bản, chưa phát huy được chủ trương, đường lối chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về phát triển bền vững. Một số vấn đề quan trọng như chính sách kiểm soát ô nhiễm không khí chưa được đặt trong sự quan tâm đúng mực.
|
Nội dung thư kiến nghị nêu ý kiến về quy trình soạn thảo và thẩm tra, chỉnh lý dự thảo luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã chỉ ra một số “hạt sạn”, cụ thể, dự thảo 7 được đăng tải trên cổng thông tin duthaoonline.com của Quốc hội có nội dung chưa thống nhất với dự thảo gửi tới các đại biểu Quốc hội. Dự thảo công bố chỉ có 152 điều, trong khi dự thảo gửi đại biểu Quốc hội có 175 điều, còn trong báo cáo giải trình số 559 có 174 điều.
“Việc này vi phạm quy định tại điều 70 luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về đăng tải thông tin báo cáo giải trình và dự thảo luật. Hậu quả là gây khó khăn trong công tác theo dõi, nghiên cứu và đóng góp ý kiến của các bên liên quan”, thư kiến nghị viết.
Vi phạm quy tắc về kỹ thuật lập pháp
Về hình thức và nội dung dự thảo, tại dự thảo 7 luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) tồn tại nhiều vấn đề bất cập. Cụ thể, về mặt kỹ thuật lập pháp và hình thức dự thảo còn tồn tại những khái niệm, những đối tượng quan trọng không được định nghĩa, ví dụ như “nước mặt”, “tiếng ồn”, “độ rung”. Cấu trúc của các chương, mục, điều, khoản chưa được sắp xếp một cách hợp lý, khoa học gây khó khăn trong rà soát. Dự thảo còn nhiều nội dung được quy định chưa rõ ràng, cụ thể, dẫn tới dễ gây hiểu nhầm khi thực thi luật. Những điều này vi phạm quy tắc về kỹ thuật lập pháp.
Với các khía cạnh đã rà soát, thư kiến nghị nêu dự thảo luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) hiện nay chưa đảm bảo nguyên tắc là “bộ luật gác cổng” cho môi trường thiên nhiên và sinh mệnh người dân, chưa thể hiện đầy đủ mục tiêu phát triển bền vững, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế của quốc gia.
Thư kiến nghị cũng đề cập vấn đề công khai, công bố thông tin về môi trường cần được quy định cụ thể hơn và xuyên suốt trong dự thảo luật nhằm đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân. Trong chương 13 dự thảo luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) không đề cập tới quyền và nghĩa vụ cụ thể của công dân trong hoạt động bảo vệ môi trường. Điều này có thể khiến quyền tham gia trực tiếp của người dân sẽ khó thực thi, hạn chế quyền giám sát trực tiếp của người dân trước nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Ngoài việc quy định đối tượng, cơ quan có trách nhiệm công khai, nội dung công khai, cần có những quy định cụ thể về thời điểm và hình thức công khai thông tin tại các điều khoản của dự thảo luật. Đồng thời, cần bổ sung các chế tài xứ lý các vi phạm về công khai thông tin.
|
Về chính sách kiểm soát ô nhiễm không khí rất quan trọng và cấp thiết. Tuy nhiên, trong các bản dự thảo do Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội thẩm tra, chỉnh lý (dự thảo 4, 5, 6, 7), nội dung về chính sách kiểm soát ô nhiễm không khí chưa đặt đúng vị trí của thành phần môi trường này.
Thư kiến nghị viết: "Các quy định tại điều 12 tới 14 dự thảo 7 chưa tập trung điều chỉnh hành vi của các đối tượng gây ô nhiễm môi trường, chưa có quy định về chế tài xử lý. Quy định trong dự thảo luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) lần này chưa đáp ứng được các vấn đề đặt ra trong thực tiễn".
Kiến nghị cũng bày tỏ, nội dung đối tượng tham vấn trong đánh giá tác động môi trương (ĐTM) rất quan trọng, nhưng trong bản dự thảo lần thứ 5 (ngày 1.9.2020), có quy định một trong số các đối tượng mà chủ dự án phải tham vấn ý kiến đó là “các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, nhóm người không chịu ảnh hưởng của dự án nhưng quan tâm đến dự án và những tác động của dự án và theo quy định của Chính phủ”. Tuy nhiên, trong dự thảo 6 và dự thảo 7, đối tượng tham vấn này đã bị loại bỏ ra khỏi dự thảo.
Thư kiến nghị nêu vấn đề cần mở rộng đối tượng tham vấn (tương tự quy định tại dự thảo 5) nhưng chưa thấy cơ quan thẩm tra dự thảo tiếp thu và giải trình. Nghĩa vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chủ đầu tư dự án trong việc công khai, giải trình ĐTM; kết quả các tổ chức, cá nhân tự tham gia đo đạc, quan trắc chất lượng môi trường.
Thư kiến nghị cũng nêu, quy định tại khoản 9 điều 38a dự thảo luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) bản 7 về trách nhiệm của chủ dự án sau khi ĐTM được phê duyệt là chưa rõ ràng, và hợp lý. Cần phải có trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong công khai ĐTM...
Bình luận (0)