Từ ngay khi bước vào không gian tái hiện Hà Nội Tết - hình thành từ một xưởng sản xuất và sáng tạo chuyên về gỗ ngay chân cầu Chương Dương - Nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung, một chuyên gia nghiên cứu văn hóa và ẩm thực Hà Nội, nguyên Trưởng ban Văn hóa - Xã hội Đài PTTH Hà Nội, đã thốt lên rằng: “Theo nghề báo, tôi được đi nhiều nơi, biết nhiều không gian phục cổ, nhưng ngay khi đến không gian tết này, các bạn khiến tôi thực sự xúc động. Tôi như được trở về tuổi thơ, thuở còn ông bà, cha mẹ và chuẩn bị như sắp được ăn cỗ tết, chuẩn bị có tiền mừng tuổi ông bà, có tấm áo mới. Không gian trưng bày này ngày xưa thân thuộc với nhiều gia đình lắm, nhất là gia đình cổ Hà Nội, nhưng giờ ở nhà phố, nhà chung cư ít còn gặp lại. Chỉ gói gọn trong một công xưởng, nhưng các bạn tái hiện một thời vàng son của Hà Nội cũ, với nét đẹp truyền thống, có ban thờ, có tranh Hàng Trống, hương cam Canh, bưởi Diễn, có gói bánh chưng, viết liễn đối, trò nặn tò he, các bánh quà dân tộc, có cả chiếu xẩm chợ… thực sự rất lâu rồi tôi mới có được cảm xúc gợi nhớ tết xưa mãnh liệt đến vậy”.
|
Hà Nội Tết ấy, chỉ là một cuộc chơi nho nhỏ, một cuộc “đoàn tụ” dịp cuối năm của những người hoài cổ. Đầu trò của Hà Nội Tết là kiến trúc sư Phạm Thanh Huy – người sáng lập nên không gian 282 Workshop. Câu chuyện dựng lên một Hà Nội Tết theo không khí ngày xưa được Huy chia sẻ: “Tôi sinh ra lớn lên ở Quảng Bình, 18 tuổi ra Hà Nội học. Đến nay cũng đã hơn 20 năm, và càng lúc càng thêm yêu đất này. Trong thời gian sống ở Hà Nội, tôi có dịp tìm hiểu về văn hóa tết xưa, hóa ra nó rất khác, không như bây giờ. Trong quá trình làm nghề kiến trúc, tôi cũng được tiếp cận các gia đình có lối sống Hà Nội cổ, thấy trong nhà họ đồ thủ công, ban thờ xưa, cách bày mâm cúng những dịp lễ tết, tất cả đều rất đẹp và ý nghĩa, nhưng số đấy rất ít".
"Tôi có hai con nhỏ, các bạn ấy dần tây hóa, xao nhãng với tết, trong khi văn hóa tết Hà Nội rất hay, có sự chuẩn bị, có xum vầy gia đình, bạn bè... Từ ý niệm đó nên tôi nghĩ mình nên làm chút gì đó gợi lại không khí tết như 50 thậm chí là 100 năm về trước, để những người thân thiết với tôi ở nhiều lĩnh vực như thiết kế, kiến trúc, báo chí, sưu tầm, nghiên cứu văn hóa… cùng nhau hội tụ, góp sức dựng nên một góc tết rất Hà Nội và chia sẻ nét văn hóa xưa cũ ấy đến gia đình và người thân”, Huy nói thêm.
|
Chỉ mất ba ngày từ khi lên ý tưởng đến lúc hoàn thiện, một không gian tết rất xưa của Hà Nội được tái hiện. Không gian thờ tự là một bộ sưu tập đồ sộ về dòng đồ sơn son thếp vàng của nhà sưu tập Trương Việt Anh, với cỗ ỷ, tranh hàng trống, sập văn, cùng hàng loạt những chi tiết đi kèm như bát hương, mâm bồng, gương thờ, chân nến, đài rượu… hợp thành một góc thờ tự theo nguyên bản trong một gia đình quyền quý của Hà Nội cổ.
Qua đến gian bếp, hình ảnh cụ ông ngồi gói bánh chưng cùng các cháu nhỏ bên bếp than hồng, trên đó là nồi nước ngập lá mùi già và vỏ bưởi đang tỏa hương thơm nức, gợi về một không khí gia đình đầm ấm, sum họp. Ngoài sân, một chiếu có ông đồ viết liễn đối, một góc của người nặn tò he dân gian, phía xa xa là chiếu xẩm với sự tham gia của nghệ nhân hát xẩm Đào Bạch Linh - truyền nhân của cụ Hà Thị Cầu cùng những thành viên chiếu xẩm CLB Hải Thành - thể hiện những làn điệu xẩm trong không khí gợi về một chốn chợ quê thật thanh bình, ấm áp.
|
Hà Nội Tết, chỉ là một cuộc hội ngộ… rất nội bộ, không vụ lợi, không ồn ào khoa trương của những người bạn, những người yêu Hà Nội, có cả những cư dân nguyên gốc Hà Nội xưa như họa sĩ Vũ Hòa – giảng viên hội họa vừa trở về từ Pháp, khi tham dự Hà Nội Tết đã nói lên cảm nhận: “Tôi đến không gian này, ngỡ ngàng lắm, rất hiếm có dịp thấy cách bày trí bằng vật thể và hoạt động mang lại ký ức Hà Nội xưa, có thành thị, có nông thôn như thế này. Tôi gởi lời khen ngợi các bạn trẻ làm nên Hà Nội Tết. Khi được mời, tôi cũng rủ thêm những người bạn Pháp, họ cho biết đây là lần đầu xem một không khí tết rất Hà Nội của ngày xưa, từ mâm cỗ, phố chợ, hát xẩm… họ rất thích”.
|
Là người góp hiện vật trưng bày trong không gian Hà Nội Tết bộ sưu tập đồ gỗ sơn son thếp vàng, tái hiện ban thờ trong gia đình giàu có của Hà Nội xưa, nhà sưu tập Trương Việt Anh tâm sự: “Mỗi lần nhìn thấy đồ thờ sơn son, tôi nhớ đến bàn thờ nhà bà ngoại ở phố cổ Hà Nội. Nên khi có điều kiện, tôi tìm mua, lắp ghép nhiều năm mới ra được những bộ ban thờ khá đầy đủ. Tôi thấy ban thờ trong gia đình người Hà Nội, có rất nhiều chi tiết gợi về sự khiêm nhường mà tinh tế, sự sum họp, đầm ấm… như cách bày mâm ngũ quả, nhìn vào đó thấy hình ảnh nải chuối ôm trọn các hoa quả khác, giống như sự dắt díu tình cảm mẹ con, bà cháu, gia đình, nguồn cội. Đó là nét gia phong. Nhìn vào mâm quả, trang trí ban thờ ngày tết, tôi nhớ lại tuổi thơ, vì những dịp như thế, trẻ con chúng tôi háo hức lắm vì biết mình sắp được mặc đẹp, được ăn cỗ tết… đấy là những hoài niệm không thể nào quên”.
|
|
Trong không khí chân tình của Hà Nội Tết, nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung xúc động nói: “Tôi ấn tượng mãi với cách bày trí ban thờ của các bạn, nó làm tôi nhớ đến đồ vật trong gia đình tôi ngày xưa ở những năm 60, cũng giống thế này. Nhưng rồi thời cuộc nên bố tôi phải bán tháo hết, từ sập gủ, tủ chè, tràng kỷ, bộ bàn ghế mặt đá… lúc đấy tôi chỉ mới 6 - 7 tuổi, cứ chạy theo những người khuân vác đồ ra xe mà khóc. Hôm nay, lâu lắm rồi tôi mới nhìn lại được một không gian giống như ngày xưa, tôi cảm động lắm, nó làm tôi nhớ đến bà, nhớ bố mẹ, nhớ phong tục cũ của Hà Nội. Tôi là người con Hà Nội mà chưa có đủ nhiệt huyết để kiến tạo nên một không gian như Hà Nội Tết thế này, trong khi bạn Huy là người Quảng Bình mà lại yêu văn hóa Hà Nội, cùng các bạn của mình dựng lên một không gian tết hoài niệm thú vị như vậy, thật đáng trân trọng”.
Bình luận (0)