Rác thải trở thành nỗi nhức nhối của toàn xã hội. Việc xử lý rác thải khá tốn kém vì cần đầu tư máy móc, công nghệ. Chưa kể, nhiều người vô tư vứt rác vào môi trường, phá hoại cảnh quan thiên nhiên.
Từ thực tế đó cùng với niềm trăn trở làm thêm những khu vui chơi cho trẻ, kiến trúc sư trẻ Bùi Văn Huy (Hà Nội) nảy sinh ý tưởng tái chế rác thải đó thành đồ vui chơi cho trẻ.
"Sao không sử dụng chúng như một nguồn nguyên liệu để làm nên những món đồ chơi an toàn cho trẻ, giúp bố mẹ bớt đi một khoản chi tiêu khá lớn cho những món đồ chơi đắt đỏ đang bán đầy ngoài các cửa hàng", anh Huy nói.
|
Vui chơi hết mình "kiêm" bảo vệ môi trường
Anh Huy chia sẻ, anh muốn tái chế đồ chơi cùng trẻ nhỏ, gieo niềm đam mê tò mò và khám phá thế giới xung quanh, thêm yêu cuộc sống, thêm yêu môi trường, gieo vào các con một tình yêu chân thành, một tâm hồn thân thiện với thiên nhiên cây cỏ… nên 100% các ý tưởng đều hướng về môi trường.
Anh Huy muốn thông qua những đồ tái chế giúp các con và các bậc cha mẹ ý thức về việc hạn chế và phân loại rác thải. Việc tái sử dụng những đồ vật sau khi đã qua sử dụng vào các mục đích khác với mục đích ban đầu của đồ vật chính là tạo điều kiện cho các đồ vật được sống thêm cuộc sống mới thú vị hơn cũng giúp phần hạn chế được số lượng rác thải.
"Hãy để chúng cất lên tiếng nói, được thể hiện những khả năng tốt nhất của mình trên "sân khấu" nhé. Đừng vứt bỏ chúng. Tội nghiệp... ", đó là quan điểm cho mỗi sản phẩm tạo ra của anh Huy.
|
Hướng tới cộng đồng
Theo kiến trúc sư Bùi Văn Huy, đồ chơi tái chế trước tiên mang lại lợi ích kinh tế cho gia đình. Những đồ chơi công nghiệp thường đắt đỏ, không phản ánh được cá tính của trẻ khiến trẻ rất chóng chán, và những món đồ chơi ấy lại thành rác (kể cả những món đồ chơi đắt tiền). Trong khi những món đồ tái chế là thành quả lao động của chính đôi tay của trẻ, chúng được mặc sức sáng tạo theo sở thích cá nhân, điều đó sẽ giúp trẻ biết trân trọng hơn những món đồ chơi.
Điểm đặc biệt của các món đồ chơi này chính là giá thành phẩm gần như là 0 đồng, vì ngoài keo dán (được bán rất rẻ ngoài thị trường), những nguyên vật liệu còn lại đều từ rác thải sinh hoạt. Nhờ đó đồ chơi tái chế nằm trong tầm với của tất cả các gia đình có thu nhập thấp.
Hơn nữa, làm đồ chơi tái chế không khó nhờ vào trí tưởng tượng, sức sáng tạo và tò mò không giới hạn với mong muốn có được những sản phẩm độc đáo, mang cá tính của mỗi người.
Để giúp các bậc cha mẹ đơn giản hóa trong khâu tìm kiếm ý tưởng và tối ưu hóa thời gian vui chơi cùng con, anh Huy đã lập ra kênh YouTube kheoleodoitay để chia sẻ những mô hình cùng hướng dẫn đơn giản, cụ thể và dễ thực hiện. Những món đồ chơi trên kênh YouTube của anh đều xuất phát từ ý tưởng tạo ra một khoảng thời gian vui vẻ, kết nối các thành viên trong gia đình trong lúc cùng nhau vui chơi.
Ngoài ra, việc sử dụng những món đồ lặt vặt có những chức năng nhất định trong cuộc sống để biến thành đồ chơi buộc trẻ phải học cách sáng tạo. Chính điều đó sẽ giúp cho trẻ phát triển những tư duy logic và phát huy trí tưởng tưởng đồng thời khuyến khích trẻ mày mò tìm hiểu ý nghĩa của vật dụng.
Là bố của ba đứa con đang tuổi ăn, tuổi chơi, anh Huy rất chú trọng tới việc giúp các con vừa vui chơi vừa phát triển trí tuệ. "Bởi những chai, vỏ, đồ hộp nhựa.. rất đa dạng cả về hình dáng, kích thước, màu sắc. Cho nên khi bắt tay vào làm một món đồ chơi luôn là những thách thức sự giới hạn của bản thân, của trí tưởng tượng và đến khi hình thành xong một món đồ chơi cũng khiến cho tác giả bất ngờ, trầm trồ, gật gù,, tấm tắc!", anh nói.
Tuy mới hình thành được hơn bốn tháng, nhưng kênh YouTube đã đạt được một số lượng người theo dõi và chia sẻ rộng rãi. Từ một kênh cá nhân, chỉ sau vài tháng hoạt động, kênh đã có thêm những sẻ chia, phản hồi về các sản phẩm được thực hiện của các bé và gia đình.
Anh Huy cũng nhận được lời mời của nhiều tổ chức hoạt động xã hội vì mục đích cộng đồng mời tham dự. Mới đây anh đã có một buổi vui chơi hướng dẫn các bé cùng cha mẹ làm đồ chơi tái chế của câu lạc bộ Xanh. Anh cũng được nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội gửi lời mời và ý kiến tham khảo giúp tạo dựng ý tưởng vui chơi trong môi trường giáo dục.
Bình luận (0)