“Tiếng nổ thưa thớt, tình hình ổn hơn”
Anh Nguyễn Sỹ Vinh (người Việt sống hơn 30 năm ở Kyiv, Ukraine) chia sẻ, đêm qua đã trôi qua khá nặng nề với anh và người dân trong khu vực vì tình hình vẫn vô cùng căng thẳng. Kyiv và nhiều thành phố khác trong tình trạng giới nghiêm. Người dân tuy lo lắng nhưng rất bình tĩnh, tin tưởng vào Tổng thống và chính phủ.
“Trong hầm trú ẩn, trẻ em ngoan ngoãn ngồi im. Có lẽ chúng cảm nhận được sự nghiêm trọng qua nét lo âu của người lớn. Thi thoảng có bé ồn ào thì cha mẹ đưa ngón tay lên miệng "Тише !" (khẽ chứ) lại ngay ngắn”, anh tâm sự.
Trên trang cá nhân, anh Vinh cũng đăng tải những tấm ảnh các em nhỏ đeo khẩu trang, ngồi sát nhau, co chân gọn trên miếng gỗ trong hầm. Bên dưới là một lớp những đứa trẻ lớn tuổi hoặc mẹ của các em. “Đàn ông thường nhường chỗ tốt nhất cho trẻ em, phụ nữ”, anh bộc bạch.
Dưới hầm trú ẩn ở Kyiv |
ảnh chụp màn hình từ facebook nhân vật |
Theo anh Vinh, một số thành phố lớn ở miền Đông, miền Nam và thủ đô Kyiv bị vây hãm. Vinhisa, Lusk hoặc những thành phố giáp biên với Belarus thi thoảng bị tên lửa bắn phá. Hôm qua Su Nga bay lượn liên tục trên bầu trời Lusk, Lviv giáp Ba Lan. Còi báo động 2 - 3 giờ lại hú ầm. Căng thẳng nhất là thành phố công nghiệp Kharkiv gần biên giới Nga bị rất nhiều xe tăng vây chặt.
Trên mạng, người dân chia sẻ những clip cả đoàn xe quân sự Nga chạy trên đường phố suốt đêm và sáng nay. Anh Vinh thông tin: “Tinh thần chiến đấu của người dân, quân đội hừng hực khí thế. Rất nhiều người đến xin gia nhập tình nguyện. Người dân khắp nơi nô nức hò nhau làm "Molotov's cocktail" (bom xăng cháy đựng trong chai chống tăng) để quyết tử”.
Anh Thiều Quang Hùng (người Việt sống tại Kharkiv 19 năm) cho biết, từ tối 26.2 khu vực anh sống nghe thấy nhiều tiếng nổ. Có những tên lửa đã rơi gần nhà người Việt sinh sống được bà con chụp ảnh lại chia sẻ nhắc nhau tìm nơi trú ẩn an toàn.
Chính vì vậy, phần đông người Việt tại Kharkiv cũng như dân bản địa xuống hầm trú ẩn, còn một số vẫn ở trong nhà.
Hình ảnh được người dân ghi lại ở Kharkiv |
nvcc |
Anh Hùng thở dài, nhìn cảnh tượng đường phố vắng tanh, xe tăng qua lại thấy y hệt như sách lịch sử ngày trước. Người dân được chính quyền khuyến cáo không nên ra ngoài vì đang có giao tranh.
“Tôi ở nhà chung cư nên có gì thì xuống tầng hầm của chung cư trú ẩn. Từ tầm 18 giờ ngày 26.2 trở đi tôi nghe tiếng nổ dồn dập. Tôi thức canh ở ban công của nhà, thấy yên ổn hết, tiếng nổ dứt ở phía xa mới tranh thủ vào ngả lưng lúc 1 giờ sáng. Qua tới ngày 27.2, tiếng nổ chỉ còn thưa thớt, tình hình có vẻ ổn hơn nhiều”, anh cho hay.
Rưng rưng hai từ “đồng bào”
Bà Vũ Tuyết Nhung (51 tuổi, ở thủ đô Kyiv) cho biết, những ngày gần đây bà liên tục nhận được cuộc gọi từ bạn bè khắp nơi. Mọi người lo lắng, quan tâm cho những người Việt đang sống ở Ukraine và khi mẹ con bà đang thường xuyên phải trú ẩn dưới tầng hầm. Tuy nhiên, vì không thể trả lời nhanh từng tin nhắn, cuộc gọi nên bà viết lên trang cá nhân, thông báo tình hình để mọi người được biết.
Xe quân sự trên đường phố Kharkiv |
nvcc |
“Trốn dưới tầng hầm sóng yếu, những người đang trốn dưới tầng hầm yêu cầu mọi người tắt điện thoại vì sợ bị quét sóng phát hiện nơi ẩn náu sẽ nguy hiểm”, bà cho biết.
Dù trong hoàn cảnh khó khăn, bà vẫn thấy ấm áp khi nhận được sự quan tâm của mọi người, đặc biệt là tình cảm của anh em, bạn bè và các hội đoàn từ Ba Lan, Hungary, Đức, Canada, Đan Mạch,…. Nhiều tổ chức hội đoàn và nhiều người Việt Nam tại Ba Lan đã đứng lên kêu gọi, ra tận biên giới Ukraine – Ba Lan để hỗ trợ bà con Việt Nam sang.
“Họ thành lập những nhóm gửi sang cho tôi và các trang cộng đồng người Việt tại Ukraine để chúng tôi nắm được. Tự đáy lòng tôi vô cùng biết ơn những tình cảm quý báu và nghĩa cử cao đẹp của bà con người Việt ở Ba Lan”, bà bày tỏ.
Cũng theo bà Nhung, hiện tại bà không thể di chuyển khỏi nơi cư trú để di tản về biên giới phía Tây. Từ thủ đô Kyiv nơi bà sống đến biên giới Ba Lan chừng 700 – 800 km. Quãng đường đó giờ có thể chạy bằng xe riêng nhưng tất cả cây xăng đã đóng cửa, hơn nữa không ai có thể di chuyển được trong thời gian xe tăng, quân lính ở bên ngoài rất nguy hiểm.
“Nếu hai bên tạm thời ngừng bắn, lúc ấy tôi và bà con người Việt ở Ukraine muốn di tản chắc sẽ cần giúp đỡ của mọi người ở Ba Lan, Hungary và một số nước khác. Dòng máu người Việt dù ở đâu vẫn luôn yêu thương, đùm bọc nhau lúc hoạn nạn. Hai chữ “đồng bào” những lúc khó khăn tôi thấy càng trân trọng và quý báu rất nhiều”, bà tâm sự.
Bình luận (0)