Tình báo viên đầu tiên
Đạo diễn-NSƯT Đặng Tất Bình, nguyên Giám đốc Hãng Phim truyện Việt Nam trong Lời giới thiệu cuốn sách Kim Sơn - Điệp viên lãng tử đã bày tỏ sự khâm phục và thích thú vì tác giả Hồ Công Thiết dùng cụm từ “Điệp viên lãng tử” khi nói về Đại tá Kim Sơn.
Theo NSƯT Đặng Tất Bình đó là cụm từ chính xác nhất khi nói về Đại tá Kim Sơn, người điệp viên mang bí số A14, đồng thời cũng là một nghệ sỹ tài hoa đích thực.
Đại tá Kim Sơn (1928 – 2015) trước khi nghỉ hưu là Cục phó Cục Công tác Chính trị Bộ Công an. Tên đầy đủ của ông là Nguyễn Kim Sơn, quê nội xã Viên Nội, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay là ngoại thành Hà Nội). Ông sinh tại Bạc Liêu khi mẹ ông về thăm thân. Còn trên giấy tờ ghi ông sinh trên đất Campuchia nơi cha ông mở tiệm bán giày.
Đang theo học lớp Trung cấp Công an Liên khu III tại Chợ Dầu, Phủ Lý – Hà Nam, Kim Sơn lọt vào mắt xanh của hai người phụ trách Nha Công an Trung ương hồi đó là ông Lê Giản - Tổng Giám đốc và ông Nguyễn Tạo - Trưởng Ty Chính trị. Tốt nghiệp, Kim Sơn được chọn về công tác tại chi Lam Điền (khu vực dọc theo tuyến Quốc lộ 5). Ông Lê Văn Lăng - Trưởng chi Lam Điền (Nha Công an Trung ương) đã đưa Kim Sơn vào hoạt động trong lòng địch trong vai một công tử nhà giàu theo kháng chiến, nay bỏ hàng ngũ trở về với gia đình.
Với phong cách báo chí, tác giả Hồ Công Thiết giúp bạn đọc tiếp cận với cuộc đời Đại tá Kim Sơn là một trong những tình báo viên đầu tiên của ngành công an. Ông đã cùng đồng đội lập nên những chiến công lẫy lừng trong sự nghiệp Bảo vệ Tổ quốc.
Là “cậu ấm” con nhà tư sản, được gia đình cho ăn học chu đáo trên đất Campuchia, ông theo cách mạng một cách hồn nhiên của tuổi trẻ. Kim Sơn tham gia công tác tình báo như để thỏa nỗi đam mê, nỗi khát khao thể hiện chí trai. Đầy chất lãng tử, ông coi các điệp vụ như ván bài đấu trí, đấu mưu giữa những cơ quan tình báo đối địch.
A14 - Điệp viên lãng tử
Kim Sơn nổi danh với vai trò “Điệp viên A14” trong vụ đánh bom Thông báo hạm Amyot D'Inville của quân đội Pháp trên cửa biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) rạng sáng 27.9.1950.
Chiến công này đã đi vào huyền thoại của tình báo Công an Nhân dân Việt Nam, trở thành chủ đề chính trong tác phẩm của nhiều nhà văn như Nguyễn Đình Lạp (Chiếc valy), Lê Tri Kỷ (Câu lạc bộ chính khách), Văn Phan (Tiếng nổ trên chiến hạm Amyot D’Inville), Mai Ngữ (Người đàn bà trên hạm tàu), Trần Việt (Màn hạ lúc nửa đêm)… Bảo tàng Công an Nhân dân Việt Nam và Bảo tàng Công an Hà Nội đều giới thiệu chiến công này ở vị trí trang trọng nhất.
Qua cuốn sách, nhà báo Hồ Công Thiết còn cho người đọc thấy chất lãng tử của điệp viên Kim Sơn thể hiện ở một dự định khác. Đó là khi ông cùng ông Hoàng Đạo - Trưởng ty Công an Thanh Hóa đề xuất lập một đảng phái giả có tên là “Đảng Phục Việt”, hoạt động tại địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Lấy vùng núi huyện Nông Cống làm chiến khu giả - căn cứ của Đảng Phục Việt, với “kế hoạch ma” là sẽ khởi nghĩa, cướp chính quyền từ tay Việt Minh, hai ông được Bảo Đại mời vào Đà Lạt. Quốc trưởng đã phong Hoàng Đạo làm Quốc vụ khanh (hàm Bộ trưởng) và Kim Sơn làm Đại úy Hộ phòng Ngự lâm quân.
Thông qua các điệp viên nằm vùng, Duypra - phụ trách cơ quan tình báo quân đội Pháp (Deuxième Bureau) đã liên lạc với Quốc vụ khanh Hoàng Đạo và Đại úy Hộ phòng Ngự lâm quân Kim Sơn, bàn kế hoạch phối hợp hành động khởi nghĩa, cướp chính quyền.
Khi biết mình, ông Hoàng Đạo sẽ đi cùng Quốc trưởng Bảo Đại và Nội các Trần Văn Hữu ra Hà Nội họp, ông Kim Sơn nổi máu phiêu lưu, đề xuất sẽ bắt cóc máy bay, ép tổ lái hạ cánh xuống sân bay Thanh Hóa. Sân bay này được phát xít Nhật xây dựng khi chiếm đóng Việt Nam, hiện đang bị bỏ hoang. Theo kế hoạch mà ông Kim Sơn dự kiến, ông Hoàng Đạo sẽ dí súng khống chế Quốc trưởng Bảo Đại, còn ông Kim Sơn sẽ đi vào buồng lái, ép phi công hạ cánh xuống sân bay. Nếu gặp tình huống xấu, hai ông tình nguyện nổ thủ pháo hy sinh cùng máy bay và Nội các của Thủ tướng Trần Văn Hữu...
Ty Điệp báo lập tức báo cáo lên Nha Công an Trung ương. Nhưng kế hoạch “bắt cóc” động trời này bị Nha Công an Trung ương bác bỏ vì quá phiêu lưu và hậu quả khôn lường của nó. Nha Công an cấp báo hai ông Hoàng Đạo và Kim Sơn hủy kế hoạch, đồng thời đề nghị chấm dứt vai trò của đảng Phục Việt.
Điều đáng tiếc ở cuốn sách là sai sót trong chú thích ảnh về các điệp viên A13 Hoàng Đạo và A15 Chu Duy Kính ở hầu hết các trang. Mong rằng, ở dịp tái bản, những lỗi sai này sẽ được sửa chữa.
“Bởi vậy hết sức cảm ơn tác giả Hồ Công Thiết với Kim Sơn – Điệp viên Lãng tử đã cho chúng tôi cơ hội hiểu rõ thêm về ông ở nhiều khía cạnh. Thực sự xúc động khi qua những trang viết của Hồ Công Thiết, chúng tôi như được gặp lại Đại tá tình báo Kim Sơn - Đạo diễn Kim Sơn - Thầy Kim Sơn!”.
(Đạo diễn – NSƯT Đặng Tất Bình)
Bình luận (0)