(TNO) Mới đây, triển lãm tranh Tình yêu và Ánh sáng của nữ họa sĩ KimB (Nguyễn Thị Kim Lan) với ý tưởng "khắc họa chân dung nghệ sĩ trong không gian sáng tạo của chính mình" đã gây ấn tượng với công chúng TP.HCM.
>> Họa sĩ thiết kế sân khấu đang ở đâu?
>> Sài Gòn kỳ nhân - kỳ sự (Kỳ 13): Nửa thế kỷ thiết kế sân khấu
|
Thanh Niên Online vừa có cuộc trò chuyện với họa sĩ KimB để lắng nghe chị chia sẻ chuyện nghề, chuyện đời thăng trầm và nhiều thú vị
Thanh Niên Online: Được biết, trước khi KimB đến với sân khấu, KimB từng làm thiết kế báo chí. Chị có thể chia sẻ về khoảng thời gian đầu lập nghiệp?
Họa sĩ KimB: Trước đây, tôi học đại học Mỹ thuật TP.HCM, chuyên ngành vẽ tranh lụa. Sau khi ra trường, tôi học thêm chuyên ngành thiết kế báo với thầy Hoàng Ngọc Biên.
Tôi làm báo từ năm 1990, tức là hơn 22 năm. Sau khoảng thời gian làm ở báo Thanh Niên, tôi chuyển qua làm Giám đốc sáng tạo cho trường Maacviet Arena. Hiện tôi vẫn đang làm giảng viên môn thiết kế báo chí của đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM và các lớp huấn luyện về thiết kế báo của chương trình Fojo do Thụy Điển tài trợ.
|
* Cơ duyên nào đưa KimB đến với sân khấu vậy?
- Ông xã của tôi là “dân” làm sân khấu chuyên nghiệp của đội thanh niên xung phong TP.HCM trong thời hoàng kim. Khi yêu nhau, anh đã rủ tôi cùng làm một vài vở kịch. Anh cũng chính là người đưa tôi đến với sân khấu. Cho tới khi kết hôn, anh “dụ” tôi từ Đà Lạt về TP.HCM, và chúng tôi bắt đầu cùng làm sân khấu. Thực ra bút danh KimB của tôi là viết tắt tên tôi với tên của ông xã.
* KimB có nhớ vở kịch đầu tiên chị thiết kế sân khấu là gì không?
- Là vở hài kịch Pháp Lão hà tiện của Molière. Trước đó, tôi và ông xã đã giúp thiết kế cho rất nhiều sinh viên ngành đạo diễn khi họ làm đồ án ra trường. Chỉ có vở nào hay, được đầu tư, thì chúng tôi mới được nhận tiền. Thời đó khó khăn, mọi người vẫn làm tặng nhau như vậy đó.
Cho đến Liên hoan sân khấu thể nghiệm lần 1 (năm 1987), tôi được giải đặc biệt về thiết kế. Đó là một dấu mốc quan trọng trong cái duyên với sân khấu.
* Những năm 1987, khi công nghệ đồ họa chưa phát triển thì mất được bao lâu để chị hoàn thành một bộ thiết kế sân khấu?
- Tất cả đều vẽ bằng tay, làm rất cực. Thời đó, lúc nào trong giỏ của tôi cũng có giấy, hộp màu. Cứ rảnh lúc nào là tranh thủ vẽ. Rồi mang đến trao đổi với đạo diễn, nếu chưa ổn thì phải vẽ một bộ khác. Trong khi bây giờ sửa trên máy tính thì nhanh lắm. Quan trọng vẫn là có ý tưởng tốt.
* Theo KimB, thiết kế trang báo và thiết kế sân khấu có gì tương đồng?
- Khác nhau ở phương tiện, âm thanh, ánh sáng, không gian... Nhưng giống nhau là cần có tính hệ thống và phong cách ấn tượng, hợp lý.
* KimB gắn bó với sân khấu đã lâu và gặt hái rất nhiều thành công. Tại sao chị vẫn coi thiết kế sân khấu chỉ là một nghề tay trái?
- Càng ngày càng hiểu biết nhiều hơn thì tôi lại càng cảm thấy mình dở. Với sân khấu, tôi chỉ tự học trong sách báo, học với từng đạo diễn, học để làm. Còn tôi quan niệm làm nghề chuyên nghiệp dù không ngồi ở một nhà trường chính quy thì vẫn phải được đào tạo bài bản.
* Chị có khiêm tốn quá không?
- Cũng không hẳn. Chỉ là tôi sẽ không nhận lời mời đi giảng dạy, hay đi nói chuyện về sân khấu thôi (Cười).
* Trong 25 năm gắn bó với sân khấu, có kỷ niệm nào vui buồn nào mà KimB nhớ nhất?
- Vui thì nhiều lắm. Còn buồn thì không buồn nhưng mà có lúc thấy chán lắm. Có giai đoạn sân khấu xuống dốc, hay các nhà hát không đủ điều kiện cơ sở vật chất để thể hiện hết ý tưởng của mình. Nhiều lúc muốn bỏ nghề, vì nghĩ trong đầu mình đã không theo con đường chuyên nghiệp, mà lại chán, thì còn động lực nào để làm tiếp?
Nhưng mỗi lần như thế lại có một vở kịch hay đến với mình, lại kích thích mình trở lại. Sau khi hoàn thành 50 vở, tôi đã từng nghĩ sẽ nghỉ. Nhưng vở hay lại đến. Đến khi 100 vở, tôi lại nghĩ thôi dừng ở đây. Mà đúng lúc đó nhận giải Liên hoan sân khấu thể nghiệm 2008, tôi vui nên làm tiếp. Sau triển lãm Tình yêu và Ánh sáng, tôi dự định sẽ nghỉ ngơi một thời gian, nhưng lại đã có hai vở nằm chờ trên bàn rồi.
* Trở lại với triển lãm Tình yêu và Ánh sáng, ý tưởng bộc lộ cái tôi trong chính không gian sáng tạo của mình là của KimB hay ai đó gợi ý cho chị?
- Tôi rất thích cái nhìn rất lạ của Gia Hải Nguyễn, thích phong cách chụp trắng đen, thích cách xử lý hình ảnh của anh ấy. Trong khi đó Gia Hải Nguyễn lại thích công việc của tôi. Anh nói ái mộ tôi là một người phụ nữ làm được quá nhiều vở kịch, nên muốn chụp chân dung tôi.
Tôi thì thấy chân dung mình có gì đặc biệt đâu, nên tôi mới đề nghị cả hai sẽ kiên trì làm bộ ảnh chân dung trong khoảng nửa năm. Vẫn là lấy chân dung của tôi nhưng chụp trong bối cảnh những vở kịch do tôi dựng.
|
* Bộ ảnh có ý tưởng rất hay nhưng để thực hiện chắc không dễ dàng?
- Khó chứ! Có những vở tôi căn ngày dựng xong chạy đến chụp. Có vở đang thử ráp cảnh, tôi cũng chạy lên chụp luôn. Có những vở không còn dựng nữa, chỉ còn những bản vẽ tay bị phai mực, tôi phải scan ảnh, dùng máy chiếu đưa lên màn hình lớn. Sau đó, tôi đứng trước màn hình và anh Hải chụp lại.
* Nhìn vào một vài bức ảnh, người xem cảm thấy có điều gì đó khắc khoải trong ánh mắt của KimB?
- Như tôi đã nói, có những lúc mình cảm thấy chán vô cùng. Nhưng quả thực, sân khấu đưa mình thăng hoa nhiều lắm. Mới hôm trước làm một vở buồn chán vô cùng, muốn bỏ nghề thì ngay lập tức lại có vở mới quá hay. Nghề này cho tôi rất nhiều cung bậc cảm xúc.
* Sân khấu dường như đang ngày càng xa giới trẻ, hay nói cách khác là giới trẻ không còn nhiều hứng thú với sân khấu. KimB có trăn trở về nhiều này?
- Thực ra có một bộ phận người trẻ rất thích đi coi kịch, nhưng lại phải hài, phải vui, phải sinh động. Nhưng tôi nghĩ người trẻ không chỉ thích kịch vui đâu. Vấn đề nằm ở kịch bản cần phải bắt kịp được nhịp sống hiện đại. Cái “thủ pháp” phải mới.
* KimB đã tìm được “truyền nhân” cho nghề sân khấu chưa?
- Đó là một điều đáng buồn. Nếu như bây giờ tôi nghỉ, thì tôi vẫn chưa tìm được người đi tiếp con đường của mình. Có thể là vì làm thiết kế sân khấu ít tiền mà lại vất vả. Cầm một kịch bản về đọc, người thiết kế sân khấu phải đưa ra giải pháp cho đạo diễn. Rồi tranh luận với đạo diễn năm lần bảy lượt, nếu không ổn thì phải làm lại. Mà thù lao chẳng được nhiều. Ngay cả chuyện đọc kịch bản, các bạn trẻ cũng rất ngại!
* Năm 2013 sắp qua, nhìn lại chặng đường của mình, điều gì khiến KimB hài lòng nhất?
- Chắc là hoàn thành xong triển lãm Tình yêu và Ánh sáng. Năm qua, tôi cũng trải qua nhiều biến động, nhiều trục trặc nhưng rồi mình vẫn vượt qua được.
* Sau triển lãm ở TP.HCM, chị có dự định mang Tình yêu và Ánh sáng tới một nơi khác thôi?
- Việc này chắc tôi sẽ bàn lại với nhiếp ảnh Gia Nguyễn Hải. Nếu có hứng thú thì đi thôi (Cười).
* Cám ơn KimB đã chia sẻ. Chúc chị sức khỏe và gặt hái nhiều thành công mới trong năm 2014!
KimB (Nguyễn Thị Kim Lan) sinh năm 1961, là họa sĩ thiết kế sân khấu kịch, hoạt động từ năm 1987. Đến nay, chị đã thực hiện gần 150 vở cho các nhà hát kịch sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, Idecaf, Kịch Phú Nhuận, Nhà hát Thành phố (TP.HCM) và các đơn vị sân khấu tham gia các liên hoan sân khấu chuyên nghiệp. Triển lãm Tình yêu và Ánh sáng được thực hiện để kỷ niệm 25 năm thiết kế sân khấu của hoạ sĩ KimB, gồm 40 bức chân dung trắng đen của họa sĩ, được chụp trong bối cảnh sân khấu và các thiết kế của chính mình từ năm 1987 đến nay, do nhiếp ảnh gia Gia Hải Nguyễn thực hiện. |
Linh San
>> Thêm một sân khấu kịch cà phê
>> Sân khấu kịch idecaf chuẩn bị Noel và tết
>> Sân khấu kịch Hồng Vân vào trường học
>> Sân khấu kịch phận ở thuê
>> Sân khấu kịch chưa ổn định
>> Sân khấu kịch Broadway vẫn hấp dẫn các sao
Bình luận (0)