Hơn 3.000 taxi truyền thống tại TP.HCM bị 'xóa sổ' vì Uber, Grab

21/12/2017 09:04 GMT+7

Tối 20.12, Hiệp hội Taxi TP.HCM cho biết trong văn bản vừa gửi Bộ Giao thông Vận tải, Hiệp hội cho rằng thị trường taxi TP đã đảo lộn, các doanh nghiệp taxi bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ khi Grab, Uber hoạt động tại TP (năm 2014).

Đến nay đã có 4 hãng taxi đã phải giải thể hoặc sáp nhập do không chịu được áp lực thị trường. Số lượng taxi truyền thống giảm hơn 3.000 xe so với năm 2010, hiện chỉ còn hơn 8.900 xe.
Trong khi đó, cũng tại TP.HCM, số lượng xe chạy hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ đang hơn 28.000 xe, đa số hoạt động dưới danh nghĩa hợp tác xã, phần lớn hoạt động dưới hình thức Uber, Grab. Một số hợp tác xã có lượng xe rất lớn, 4.000-6.000 xe.
Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, cho rằng đây là kết quả trái ngược của vận tải hành khách bằng taxi và vận tải hành khách bằng hợp đồng điện tử được thí điểm theo Quyết định 24 của Bộ Giao thông Vận tải năm 2016.
Theo Hiệp hội, nhiều nguyên nhân khiến taxi truyền thống hiện mất chỗ đứng trên thị trường như phân chia sai hình thức vận tải hành khách trong thành phố, cho taxi công nghệ thử nghiệm với thời gian quá dài, không khống chế số lượng hay không nghiên cứu kỹ đối tượng tham gia thí điểm…
“Thị trường vận tải đang bất ổn, bị thao túng bởi một vài doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan quản lý nhà nước lúng túng, tiếng nói của các Hiệp hội taxi trong nước không được coi trọng. Đồng thời, mục tiêu chỉ đạo của Chính phủ về việc thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng không được đảm bảo”, đại diện Hiệp hội Taxi TP.HCM bày tỏ.
Hiệp hội Taxi TP.HCM kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải không nên tiếp tục gia hạn thí điểm hoặc để tình trạng thị trường taxi như hiện nay sau khi hết thời gian thí điểm. Bộ Giao thông Vận tải cần có văn bản chỉ đạo giải quyết các tồn đọng của đợt thí điểm theo Quyết định 24.
Trước đó, ngày 19.12, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức hội nghị tổng kết 2 năm triển khai thực hiện thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ khẳng định sau 2 năm thí điểm, loại hình vận tải hành khách theo hợp đồng đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện, cũng có nhiều ý kiến, bất cập bộc lộ như chưa phân biệt được vận tải xe hợp đồng với vận tải taxi, vấn đề quản lý nhà nước đối với vận tải xe hợp đồng…
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải cho biết tính đến thời điểm hiện tại có 4/5 địa phương chính thức tham gia thí điểm "Có 10 đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng để thực hiện hợp đồng vận tải điện tử". Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải đã nhận được đề xuất của 7 công ty có đề án gửi về Bộ chưa được chấp thuận do chưa có ý kiến của các địa phương.
Hiện có 866 đơn vị vận tải (doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải) với 36.809 phương tiện tham gia thí điểm. Cùng với việc chỉ ra các ưu điểm, ông Ngọc cũng chỉ ra những khó khăn, hạn chế của việc thực hiện thí điểm: Việc chấp hành quy định và hướng dẫn của một số đơn vị thí điểm còn chưa nghiêm; có hiện tượng một số hộ kinh doanh, đơn vị vận tải không chấp hành đúng các quy định hiện hành; các phương tiện tham gia thí điểm được xác định là xe hợp đồng ứng dụng hợp đồng điện tử thay cho hợp đồng văn bản, do vậy không chịu sự ảnh hưởng của hệ thống biển báo hạn chế phạm vi hoạt động như taxi dẫn đến công tác tổ chức giao thông trong đô thị chưa đạt hiệu quả cao.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.