Kinh tế châu Á giữa “đại chiến” thương mại Mỹ - Trung

21/05/2020 07:12 GMT+7

Trả lời Thanh Niên , giới chuyên gia quốc tế đánh giá về cơ hội lẫn rủi ro cho kinh tế châu Á trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung lại dâng cao.

Sau một loạt bất đồng ở nhiều vấn đề, nhất là xung quanh nguồn gốc phát tán SARS-CoV-2 dẫn đến dịch bệnh Covid-19 lan rộng, quan hệ Mỹ - Trung gần đây liên tục căng thẳng, bao trùm cả vấn đề thương mại.

Chuỗi cung ứng Trung Quốc bị đe dọa

Vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ ngày 15.5 yêu cầu các công ty nước ngoài sử dụng công nghệ Mỹ để sản xuất chip phải xin phép chính phủ Mỹ trước khi cung cấp chip cho Huawei hoặc các công ty con của Huawei. Ngoài ra, Huawei muốn sở hữu chip hoặc sử dụng thiết kế bán dẫn có liên quan đến công nghệ Mỹ cũng phải xin phép Bộ Thương mại Mỹ. Ở phía ngược lại, cùng ngày 15.5, tờ Hoàn Cầu Thời báo đưa tin Bắc Kinh có nhiều biện pháp để đáp trả như đưa một số công ty Mỹ vào danh sách “các thực thể không đáng tin cậy” để trừng phạt; điều tra và áp đặt quy định hạn chế với các công ty Mỹ như Apple, Cisco, Qualcomm; ngừng mua máy bay của Hãng Boeing...
Trả lời Thanh Niên, ông Robert Carnell, Trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á - Thái Bình Dương thuộc Tập đoàn tài chính ING, phân tích: “Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung thực tế không mang lại lợi ích trực tiếp cho cả hai bên, đặc biệt đối với Trung Quốc vốn đang tập trung vào chính sách mới là đầu tư mạnh hơn nữa cho công nghệ để phát triển. Việc Nhà Trắng đưa ra những hạn chế cấp phép mới cho hoạt động kinh doanh của Huawei liên quan giao dịch với Mỹ, cũng như tiến hành biện pháp hạn chế Huawei mua linh kiện từ các tập đoàn bên ngoài Mỹ, khiến “người khủng lồ” công nghệ Trung Quốc gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn cung cấp từ bên thứ ba”.
Nhận định với Thanh Niên, TS Dong Tao, Phó chủ tịch phụ trách thị trường Đại Trung Quốc - Credit Suisse Private Banking Asia Pacific, cho rằng: “Những động thái mới đây gây căng thẳng hơn nữa quan hệ Mỹ - Trung. Không chỉ với Huawei, mà sự an toàn của chuỗi cung ứng phía Trung Quốc cũng bị đe dọa”.

Thời cơ và rủi ro

“Tất nhiên, Bắc Kinh sẽ phản ứng đáp trả, nhưng quan trọng hơn là diễn biến trên dẫn đến việc Trung Quốc đẩy nhanh quá trình giảm sự phụ thuộc vào công nghệ. Sẽ là không kinh tế nếu phải xây dựng thêm một chuỗi cung ứng, nhưng Trung Quốc có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải tự phát triển một chuỗi cung ứng riêng nhằm tránh lệ thuộc các nhà cung cấp bên ngoài. Thực tế đang diễn ra sẽ tác động xấu và rất phức tạp đến thỏa thuận thương mại mà Washington và Bắc Kinh đã đạt được”, TS Dong Tao nhận định.

Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung “giảm bớt ý nghĩa”

Đài Fox News ngày 20.5 dẫn lời Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết cảm nhận của ông về thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc đã thay đổi sau khi đại dịch Covid-19 xảy ra. “Cảm nhận của tôi về thỏa thuận lúc này rất khác biệt so với 3 tháng trước. Dường như nó trở nên giảm bớt ý nghĩa đối với tôi”, Tổng thống Trump nói và cho biết từng rất phấn khích về thỏa thuận vào thời gian đầu, nhưng sau khi Covid-19 xảy ra, ông cảm thấy thất vọng.
“Tại sao họ ngăn được nó lây lan từ Vũ Hán ra Trung Quốc, nhưng lại không ngăn được nó lan ra phần còn lại của thế giới?”, tổng thống Mỹ nói. Tuần trước, ông từng đe dọa cắt đứt toàn bộ mối quan hệ với Bắc Kinh vì lý do nói trên.  
Vi Trân
Trong khi đó, theo ông Carnell, Bắc Kinh có thể trả đũa bằng cách mở rộng danh sách “các thực thể không đáng tin cậy” để trả đũa doanh nghiệp Mỹ. “Nhưng biện pháp này có thể là con dao hai lưỡi, bởi sau khi bị tổn thương do thương chiến với Mỹ rồi trải qua đại dịch Covid-19, Trung Quốc đang mất nhiều ưu thế trong vai trò công xưởng của thế giới. Chính vì thế, nếu tình hình tiếp tục căng thẳng thì cuối cùng có thể khiến cho các tập đoàn Mỹ cũng như các nước tìm đến những quốc gia lân cận Trung Quốc, như Việt Nam chẳng hạn”, chuyên gia Carnell đánh giá.
Ông dự báo thêm: “Về tác động của việc thương chiến Mỹ - Trung tăng cao đối với kinh tế thế giới cũng như châu Á, thì khó có thể trả lời chính xác. Tuy nhiên một cuộc xung đột thương mại luôn dẫn đến những hậu quả tồi tệ đối với tổng thể nền kinh tế toàn cầu, dù có thể đem đến lợi ích cho một số bên. Một bước chuyển khả quan đáng kể là bối cảnh hiện nay có thể hỗ trợ cho các nền kinh tế châu Á đang tập trung phát triển công nghệ - khi thị trường thiết bị công nghệ (chất bán dẫn, linh kiện điện tử…) tăng trưởng nhanh chóng mà nguồn cung cấp thì châu Á vốn chiếm ưu thế. Thế nhưng, trên cơ sở toàn cầu thì đây chưa hẳn là kịch bản tăng trưởng tốt nhất. Kịch bản tăng trưởng tốt nhất vẫn là phát triển dựa trên sự hợp tác”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.