Kỳ họp HĐND TP.HCM: 'Nợ' giải quyết dứt điểm các dự án giao thông chậm tiến độ

07/12/2021 10:44 GMT+7

Tại kỳ họp lần thứ tư, HĐND TP.HCM lưu ý nhiều kiến nghị của cử tri qua nhiều kỳ họp về triển khai các dự án giao thông trọng điểm đến nay còn chậm tiến độ đề ra, nhưng chưa được UBND TP.HCM giải quyết dứt điểm.

Sáng 7.12, HĐND TP.HCM khai mạc kỳ họp thứ tư khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đã báo cáo kết quả giải quyết các kiến nghị cử tri sau kỳ họp thứ nhất và trước kỳ họp thứ ba HĐND TP.HCM khóa X.

Còn nhiều dự án chậm tiến độ, kéo dài

Theo ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, các kiến nghị của cử tri trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt tập trung công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như điều trị, chăm sóc F0, tiêm vắc xin Covid-19; các chính sách an sinh xã hội; hệ thống y tế cơ sở tại địa phương và đội ngũ cán bộ tại cơ sở (phưòng - xã, thị trấn, khu phố, tổ dân phố); việc triển khai thực hiện các gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động.

Ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đã báo cáo kết quả giải quyết các kiến nghị cử tri sau kỳ họp thứ nhất và trước kỳ họp thứ ba HĐND TP.HCM khóa X.

sỹ đông

Ngoài ra, cử tri kiến nghị việc tiếp tục triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn TP.HCM như cải thiện môi trường, hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị, việc cung cấp nước ngọt tại các địa bàn thuộc H.Cần Giờ, H.Bình Chánh; vấn đề về quy hoạch tăng cường không gian xanh, quy hoạch đô thị.

HĐND TP.HCM ghi nhận nỗ lực giải quyết, trả lời ý kiến cử tri của UBND TP.HCM. Tuy nhiên, HĐND TP.HCM cũng nhận định việc giải quyết các kiến nghị của cử tri còn một số tồn tại, hạn chế cần tập trung giải quyết.

Đặc biệt, một số ý kiến của cử tri quan tâm kiến nghị qua nhiều kỳ họp về việc triển khai thực hiện các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn TP.HCM đến nay còn chậm so với tiến độ đề ra. UBND TP.HCM có quan tâm chỉ đạo thực hiện nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Nguyên do, các dự án giao thông cần nguồn vốn lớn và pháp lý để vận dụng thực hiện chưa hoàn chỉnh, còn chồng chéo trong đó có một số vấn đề cần phải chờ, xin ý kiến hướng dẫn của các bộ, ngành T.Ư; hay một số vướng mắc trong kêu gọi nguồn vốn, kêu gọi nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án cũng gây nên nhiều khó khăn trong đời sống của người dân.

Cử tri kiến nghị quyết liệt cải cách thủ tục hành chính

Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã báo cáo một số kết quả hoạt động tham gia xây dựng chính quyền TP.HCM năm 2021 như trong công tác bầu cử, công tác chăm lo an sinh xã hội cho người dân trong bối cảnh đại dịch Covid-19...

Dựa trên tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri và người dân TP.HCM (thông qua các hội nghị tiếp xúc cử tri của các tổ đại biểu HĐND TP.HCM; hoạt động giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân thành viên), bà Tô Thị Bích Châu cũng đề nghị HĐND TP.HCM, UBND TP.HCM quan tâm hai nội dung liên quan Nghị quyết 128 của Chính phủ và quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trên địa bàn TP.HCM và thực hiện tổ chức chính quyền đô thị.

Cụ thể, cử tri kiến nghị cần kiểm soát tốt dịch bệnh, phục hồi phát triển kinh tế, UBND TP.HCM và các cấp, các sở ngành cần tăng cường kiểm tra các khu chế xuất - khu công nghiệp, doanh nghiệp về an toàn phòng, chống dịch. Qua đó, TP.HCM cần triển khai các chương trình tái cấu trúc kinh tế; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, nhà đầu tư nước ngoài.

Với kế hoạch xây dựng hơn 18.000 căn hộ cho công nhân, người lao động trong giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM cần gấp rút khảo sát, xây dựng và triển khai ngay chương trình cải thiện điều kiện chỗ ở, hướng tới mô hình “nhà trọ kiểu mới” với các tiêu chí đảm bảo điều kiện sống tốt, an toàn hơn với dịch bệnh.

Bà Tô Thị Bích Châu cho hay, năm qua, UBND TP.HCM vẫn tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tổ chức chính quyền đô thị theo Nghị quyết 131/2020 của Quốc hội, tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia, để hoạt động của chính quyền đô thị có hiệu quả thì các quyết định quản lý hành chính của chính quyền phải được triển khai nhanh chóng, đồng bộ; tập trung triển khai chính quyền số và ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối với các dữ liệu liên quan đến các cơ quan hành chính.

Bên cạnh đó, TP.HCM cần thực hiện cải cách quyết liệt thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp, giữa các cơ quan hành chính với nhau, đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện kinh doanh, tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.