>> Ký sự Organic - Kỳ 2: Bài ca không dễ hát
>> Ký sự Organic - Kỳ 1: Cây cỏ hết hồn nhiên
|
Nông nghiệp tự nhiên theo phương pháp của Fukuoka có yêu cầu cao hơn nhiều so với nông nghiệp hữu cơ. Yêu cầu cao nhất của canh tác hữu cơ là không sử dụng hóa chất trong chăm sóc và bảo vệ cây trồng, còn phương pháp của Fukuoka là tạo một môi trường tiệm cận với khuôn mẫu trong thiên nhiên để cây cối tự sinh trưởng, sự can thiệp của con người là tối thiểu. Fukuoa đúc kết thành 4 nguyên tắc:
Thứ nhất, không cày xới đất. Cày xới là việc của côn trùng, vi sinh vật và rễ cây rễ cỏ, chúng làm tốt hơn, hợp lý hơn con người. Nếu con người cày xới đất, sẽ làm lệch sự cân bằng tự nhiên, thúc đẩy cỏ dại và một số sinh vật phát triển quá mức.
Thứ hai, không sử dụng phân bón hóa học và hạn chế tối thiểu việc sử dụng phân hữu cơ. Trong tự nhiên, đất đai màu mỡ là do quá trình sinh trưởng và hủy diệt theo trật tự của các loài thực vật và động vật trong sự tương tác của thời tiết, không cần sự can thiệp của con người. Việc dùng thêm phân bón có thể làm cho cây trồng năng suất cao hơn nhưng do chi phí cũng cao hơn nên hiệu quả thấp, phân bón cũng không có tác dụng cải thiện sự màu mỡ của đất, ngược lại còn làm cho đất xấu đi. Việc sử dụng phân hữu cơ quá mức cũng hại nhiều hơn lợi, vì nó tạo điều kiện cho một số sinh vật phát triển mất cân đối làm phát sinh dịch bệnh.
Thứ ba, không diệt cỏ. Fukuoka cũng coi cỏ dại là bè bạn như quan niệm của tổ tiên chúng ta. Ông không những không phun thuốc diệt cỏ mà còn không diệt cỏ bằng các biện pháp khác. Khi cỏ không cùng một tầng ăn với cây trồng, chỉ cần không cho chúng mọc cao hơn cây trồng để tránh cạnh tranh quang hợp là đủ. Khi chúng cùng một tầng ăn với cây trồng thì hạn chế chúng bằng cách phủ rơm sau khi gieo hạt hoặc trồng một lớp cây khác phủ lên diện tích đất. Fukuoka thậm chí còn trồng cỏ ba lá hoặc cỏ linh lăng xen cùng lúc với gieo lúa, khi lúa nẩy mầm ông làm cho cỏ yếu đi bằng cách cho nước vào để biến chúng thành chất dinh dưỡng cho lúa.
Thứ tư, không dùng thuốc trừ sâu. Khi môi trường canh tác tiến gần tới trạng thái của môi trường tự nhiên, nó sẽ tự tạo ra một hệ sinh vật cân bằng. Sự cân bằng sẽ ngăn chặn bất cứ loài nào phát triển quá mức hoặc giành ưu thế. Vì vậy sâu bọ côn trùng luôn luôn ở mức chấp nhận được, chúng tham gia vào quá trình ra hoa kết trái của cây cối và chọn lọc tự nhiên, chỉ làm hại những cây yếu nhất mà chúng ta cần loại bỏ. Thuốc trừ sâu cũng như thuốc diệt cỏ giết chết luôn hệ sinh vật, làm phá vỡ sự cân bằng tự nhiên, gây độc hại cho nguồn nước và không khí.
Thành công của phương pháp Fukuoka đã vượt khỏi biên giới nước Nhật, được cả thế giới quan tâm. Tuy chưa phổ cập do những yêu cầu ngặt nghèo khó thực hiện của nó, và do không đủ sức chống lại “di sản” của cách mạng xanh và làn sóng công nghiệp hóa gắn với lợi ích của các tập đoàn nông nghiệp xuyên quốc gia đầy tiền của và thế lực, nhưng nhiều trang trại ở Mỹ, châu Âu, châu Phi, châu Á, nhất là Ấn Độ đã áp dụng thành công. Những thửa ruộng, những khu vườn thuận với thiên nhiên mà con người tác động rất ít với chi phí thấp nhất nhưng năng suất cao, sản phẩm an toàn và hướng tới sự hoàn thiện của con người theo mô hình của ông là niềm cảm hứng cho các nước đang phát triển và cho giới trẻ.
Phương pháp Fukuoka còn gọi là “nông nghiệp vô tác”, “nông nghiệp vô vi”, nghĩa là canh tác mà không cần làm gì cả. Bốn nguyên tắc của ông cũng là 4 nguyên tắc “không làm”.
|
Tưởng là ngon ăn, nhưng làm mới biết không hề dễ. Vị sư tổ của nông nghiệp tự nhiên khi khởi sự cũng khó hát được bài ca của chính ông. Ông từng nhìn vườn cam vườn quýt bạt ngàn của gia đình thi nhau tàn lụi khi bắt đầu áp dụng triết lý “vô tác”. Ông hằng ngày quan sát sâu bọ tàn phá khu vườn và “mặc kệ nó”. Kết luận ông rút ra là: không có mảnh đất nào được coi là tự nhiên, khi con người đã trồng cây lên đó. Nhật Bản thời đó đã là dấn sâu vào con đường thâm canh, sử dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu. Đất đai khi đã canh tác theo cách đó là trái với tự nhiên rồi. Đã trái với tự nhiên thì phải chăm bón, cắt tỉa, diệt trừ sâu bọ thì chúng mới phát triển.
Do đó, để “không làm gì hết”, đòi hỏi trước hết phải tạo ra một môi trường canh tác gần với tự nhiên nhất. Điều này thách thức mọi sự kiên trì.
Và Fukuoka đã làm gì? Ông đem hạt giống các loại cây và rau quả trồng một cách ngẫu nhiên hỗn độn rồi… đứng ngó. Một loạt chết đi, một số sống sót. Ông mặc kệ nó. Việc thử nghiệm cứ thế lặp đi lặp lại, cây nào chết ông cho chết, cây nào sống thì thi nhau tươi tốt, cho đến khi một môi trường gần với tự nhiên được tái lập. Ông phát hiện sự xuất hiện của nhện trong vườn như là chỉ báo của sự bền vững.
Vấn đề là gần với tự nhiên nào? Những cây ổi sẻ rừng chúng tôi đem trên núi xuống trồng, ban đầu sống, ra hoa nhưng không kết trái, cuối cùng thì tàn héo và chết hẳn. Còn ổi găng chúng tôi đem từ Hà Nội về trồng thì tươi tốt, 6 tháng đã trĩu trái. Chuối sứ hột đem từ chỗ chị tôi ở Đồng Nai về trồng thì lớn vụt, còn chuối đem từ Quảng Nam về trồng 1 năm chỉ lên tới ngực, đến năm thứ hai mới chịu đâm chồi.
Vạt bắp nếp đầu tiên xanh mướt, thu hoạch tất cả dành làm giống, nhưng vụ sau chỉ lên lèo tèo. Đám đậu phụng lên rất sướng mắt nhưng quả dưới đất bị chuột ăn sạch sành sanh không thu hoạch được hạt nào. Khoảnh nếp nương gieo thử theo cách của Fukuoka, chưa kịp trổ đòng chuột đã cắn ngang cuối cùng chỉ còn lại cỏ…
Chẳng thể rút ra được quy luật nào cả. Nhưng mặc kệ nó, thiên nhiên khôn hơn chúng ta.
Nhưng chúng tôi nghĩ chúng tôi đang thành công, dù thu nhập trong hai năm chỉ được 30 ngàn đồng tiền bán bầu. Đến năm thứ hai sâu rầy trong vườn tôi tự nhiên giảm hẳn, đây đó nhện cũng đã giăng. Bưởi cây nào chết đã chết, cây còn sống nẩy mầm đâm lộc. Ổi găng vườn tôi thơm ngon hơn ổi găng tại chính quê hương của nó, chắc vì không bón phân hóa học và phun thuốc trừ sâu.
Giờ thì vườn chúng tôi có đủ cỏ, đủ chuối, đủ cây lá, đủ rong rêu cho heo, cho dê, cho bò, cho gà vịt, cho đàn chó Phú Quốc rong chơi… (còn tiếp)
Bài, ảnh: Hoàng Hải Vân
Bình luận (0)