Kỳ thú 'Bát danh hương' Quảng Bình: Làng lễ hội Cổ Hiền

29/12/2022 06:54 GMT+7

Làng Cổ Hiền (xã Hiền Ninh, H. Quảng Ninh , Quảng Bình ) nằm ở nơi hợp lưu của sông Kiến Giang và Nhật Lệ. Cổ Hiền từng được người ta nhắc nhớ là ngôi làng của… lễ hội, bởi đã từng có thời nếu gom hết những ngày lễ, ngày hội của làng này trong năm cũng ngót nghét cả tháng ròng.

Nơi tụ hội nhiều quan hay, tướng giỏi

Men theo dòng Nhật Lệ đi ngược lên phía thượng nguồn, ở khu vực 2 dòng Kiến Giang và Long Đại hợp nhất là nơi tọa lạc của làng Cổ Hiền, một trong “Bát danh hương” có nhiều quan hay, tướng giỏi dưới thời phong kiến. Tại đây cũng từng là cứ điểm quân sự trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Nhà thờ họ Lê trước đây là nơi cất giữ tài liệu của Sở Chỉ huy Bộ tư lệnh 559

Bá Cường

Làng Cổ Hiền hiện nay không có đình làng nhưng lại có 3 ngôi nhà thờ họ khá lớn, nếu đi từ trung tâm làng xuyên con đường dẫn ra sông, mọi người sẽ được chiêm ngắm lần lượt từ nhà thờ họ Lê, Trương, Nguyễn. Trong đó nhà thờ họ Lê cũng là nơi to lớn và nằm gần trung tâm nhất.

Ông Lê Mậu Sương (89 tuổi, thôn Bắc Cổ Hiền, xã Hiền Ninh, H.Quảng Ninh) là một vị cao niên trong gia tộc họ Lê và được coi là người am hiểu nhiều nhất về lịch sử phát triển của làng. Rất bài bản, ngay tại ngôi nhà thờ họ, ông Sương thắp hương xin tổ tiên được phép chia sẻ câu chuyện của họ, của làng.

“Thủy tổ của làng là ông Lê Đại Vũ, tướng quân dưới thời nhà Lê, có quê quán ở Cổ Trai (Hải Phòng). Ông Vũ vào khai khẩn làng Cổ Hiền từ năm 1498, tức đến nay đã hơn 500 năm. Cái tên Cổ Hiền cũng được ông đặt từ quê quán gốc của mình”, ông Sương nói.

Dẫn tôi đi về phía phải của gian nhà, ông Sương chỉ cho tôi bức ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp kèm những lời chúc, lời nhắn nhủ của người đến con dân làng Cổ Hiền. “Được đại tướng khen tặng bởi trước đây ba nhà thờ họ Lê, Trương, Nguyễn chính là nơi Sở Chỉ huy bộ tư lệnh 559 sử dụng làm cứ điểm quân sự”, ông Sương tự hào nói.

Theo ông Sương, nhà thờ họ Lê trước đây được chọn là nơi cất giữ tài liệu của Sở, nhà thờ họ Trương là nơi phát thông tin và nhà thờ họ Nguyễn là nơi đặt trụ sở của Bộ Chỉ huy quân sự. Cả ba ngôi nhà thờ đều được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 1986.

Phục dựng lại những lễ hội đã mất

Chúng tôi đi theo những bước chân của ông Sương ra trước cổng nhà thờ họ Lê, ông chỉ thẳng ra ruộng và chia sẻ rằng những cánh đồng này trước đây là nơi tổ chức lễ hội Cầu mùa hay còn gọi là Cầu Chẹn, một lễ hội độc đáo của người dân làng Cổ Hiền.

“Trong lễ hội này, 9 thanh niên trai tráng mạnh khỏe trong làng sẽ cầm tre chạy khắp từ làng ra đến đồng ruộng để cầu mưa thuận gió hòa, sau đó các nông dân sẽ mang áo dài ra cày ruộng với ý nghĩa cầu cho một mùa vụ bội thu”, ông Sương kể.

Cổ Hiền được mệnh danh là ngôi làng của lễ hội, tuy nhiên từ thời điểm năm 1945 - 1954, phần lớn đã bị mai một dần

Quả thực Cổ Hiền từng được coi là một ngôi làng lễ hội, gần như tháng nào trong năm cũng có lễ tế công cộng cùng hàng loạt lễ hội khác như rằm tháng giêng, lễ tế trai chay, lễ hạ canh, cúng tế Thần nông… Nhiều người ví von rằng nếu gom các lễ hội trong một năm, thì cả làng phải chơi lễ, mừng hội suốt một tháng không nghỉ. Tuy nhiên, đến nay bên cạnh những lễ hội chung của cả nước, Cổ Hiền đã không còn giữ được những nghi lễ đặc biệt điển hình như lễ Cầu Chẹn.

“Các lễ hội mai một dần đi một phần vì tham gia kháng chiến, không có nhiều thời gian để ưu tiên tổ chức lễ hội. Mặt khác, các tài liệu ghi chép từ thời phong kiến của làng cũng bị đốt đi, nên cách thức tổ chức cũng không còn ai biết”, ông Sương chia sẻ.

Ông Lê Quốc Dũng, cán bộ phụ trách văn hóa xã Hiền Ninh, cho biết hiện nay xã vẫn đang nỗ lực phục dựng lại một số lễ hội đã bị mai một của làng Cổ Hiền, trong đó đang hướng đến lễ Thanh minh được tổ chức hằng năm.

“Hiện nay, các lễ hội đặc sắc của làng Cổ Hiền gần như đã bị mai một, chúng tôi đang tìm hướng để phục dựng lại các lễ hội đó, nhằm bảo vệ và gìn giữ giá trị văn hóa của làng vừa nâng cao đời sống của bà con”, ông Dũng nói.

(còn tiếp)

Kỳ thú 'Bát danh hương' Quảng Bình

Lệ Sơn - Đệ nhất 'Bát danh hương'

Nức tiếng làng biển bích họa

Làng xỏ lá, làng bắt cá... trên cây

Làng 'long đáo địa' Văn La

Trứ danh hương men làng Võ Xá

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.