Kỳ vọng bảo tàng làng nghề

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
24/05/2022 06:41 GMT+7

Những bảo tàng ở làng, của làng nghề mỗi lúc một nhiều hơn, và được kỳ vọng góp phần thúc đẩy du lịch .

Những cuộc dạo chơi văn hóa

Công chúng, mà phần lớn là nghệ sĩ và khách nước ngoài, đứng kín sân để chờ triển lãm Chiếc giày gốm Bát Tràng và cuộc dạo chơi văn hóa Ý khai mạc hồi tháng 4 tại Trung tâm văn hóa Ý Casa Italy (Hà Nội). Tại triển lãm, bộ sưu tập 12 chiếc giày gốm của Bảo tàng Nghệ thuật Hồn đất Việt Bát Tràng được trưng bày. Những tác phẩm này do cố Nghệ nhân nhân dân Vũ Thắng sáng tác. Bảo tàng Nghệ thuật Hồn đất Việt Bát Tràng hiện do con trai ông - nhà báo Vũ Khánh Tùng - làm giám đốc.

Ông Vũ Khánh Tùng bên cạnh trưng bày tác phẩm giày gốm của cha mình tại Casa Italy

NVCC

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Italia tại VN, ông Antonio Alessandro, phát biểu khai mạc: “12 chiếc giày gốm là những tài sản vô giá của nghệ thuật đương đại VN và lấy cảm hứng từ thời trang Italy. Đó là sự giao thoa giữa phong cách lịch lãm của thời trang Italy và sự tinh xảo của nghệ thuật thủ công VN, đồng thời bắt nguồn từ truyền thống, di sản văn hóa hai quốc gia”.

Ở Bảo tàng Nghệ thuật Hồn đất Việt Bát Tràng, còn có những tác phẩm tinh xảo khác của cố Nghệ nhân nhân dân Vũ Thắng. Gia đình ông hiện cũng đã xây dựng trang web riêng, với bộ nhận diện riêng cho bảo tàng. Dù phòng trưng bày còn đang tiếp tục được hoàn thiện, khách tham quan vẫn có thể liên lạc với bảo tàng qua trang web này. Triển lãm tại Casa Italy cũng là một hoạt động trưng bày chuyên đề mà các bảo tàng chuyên nghiệp thường tổ chức.

Trong khi đó, mới đây, Bảo tàng Nhiếp ảnh của làng Lai Xá (Hà Nội) lại có trưng bày chuyên đề về ảnh tô màu. Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá, cho biết ảnh tô mầu đặc biệt phát triển ở nước ta từ những thập niên cuối của nửa đầu thế kỷ 20. Dù hiện nay ảnh màu công nghệ kỹ thuật số đã khiến nghề tô màu ảnh bị lãng quên, song ảnh tô màu truyền thống vẫn còn rất nhiều giá trị ứng dụng ở xã hội đương đại. Do đó, Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá và Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên đồng tổ chức các cuộc triển lãm ảnh tô màu nước theo các chủ đề, gam màu sắc khác nhau.

Trong lần trưng bày này, bảo tàng kể câu chuyện về những bức ảnh có gam màu xanh lá, là tác phẩm của họa sĩ Bạch Vân. Nữ họa sĩ là cháu ngoại ông Nguyễn Hữu Quý. Ông Quý là một người Lai Xá vào Sài Gòn lập nghiệp, đồng thời là nghệ nhân nổi tiếng về ảnh tô màu nước và tô màu dầu. “Theo thời gian, các tấm ảnh trắng đen và ảnh màu sẽ có màu không còn phù hợp với trưng bày do màu sắc của nội thất, cơ sở vật chất, khung tranh thay đổi. Tô màu nước lên các tấm ảnh yêu thích để các tấm ảnh này có màu sắc phù hợp. Đây là các tấm ảnh cụ Nguyễn Văn Huyên (cố Bộ trưởng Giáo dục), cụ Vi Kim Ngọc (vợ ông Huyên) vừa mới được chụp lại bằng máy kỹ thuật số và tô màu nước”, nữ họa sĩ chia sẻ.

Cùng lúc, TS Nguyễn Thị Thu Hòa (Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ VN) lại đang bận rộn với việc hoàn thành Bảo tàng Tranh Kim Hoàng (Hà Nội) tại chính làng tranh này. Bà Hòa đã nhiều năm làm dự án phục dựng tranh dân gian Kim Hoàng và bây giờ tới xây dựng bảo tàng tại đây. “Khoảng 1 tháng nữa Bảo tàng Tranh Kim Hoàng mới xong được. Khi đó nghệ nhân sẽ có chỗ để biểu diễn kỹ thuật làm tranh, giới thiệu tranh với du khách”, bà Hòa nói.

TS Nguyễn Thị Thu Hòa giới thiệu nghệ thuật làm tranh Kim Hoàng

NVCC

Mỗi làng một phong vị

Cũng tại làng Bát Tràng, còn có một bảo tàng nữa về nghề gốm. Bảo tàng này do KTS Hoàng Thúc Hào, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư, thiết kế. Trong đó, có nhiều không gian để giới thiệu về các sản phẩm khác nhau của làng nghề này. Thời gian gần đây, bảo tàng đã trở thành điểm check-in mới của nhiều du khách. Đó cũng là một phần trong hành trình của tour đạp xe đạp khám phá làng nghề Bát Tràng (Hà Nội). Hành trình này xuất phát từ Q.Hoàn Kiếm, đi qua cầu Long Biên, sang tới Bát Tràng…

Trong khi đó, làng Lai Xá lại có tới 2 bảo tàng là Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên và Bảo tàng Nhiếp ảnh. Cả hai đều có sự tham gia chuyên môn của “Vua bảo tàng” PGS-TS Nguyễn Văn Huyên, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học. Chính vì thế, các trưng bày của bảo tàng tại làng nghề này rất sáng tạo, với nhiều chủ đề đa dạng chứ không chỉ có mỗi trưng bày cố định.

TS Nguyễn Thị Thu Hòa đánh giá hiện nay thực trạng của các bảo tàng làng nghề chưa khả quan lắm. Doanh thu từ các bảo tàng đó chưa cao, chưa đủ bù chi phí. Cũng có chỗ, bảo tàng làng xây mãi chưa xong. Chẳng hạn, Bảo tàng làng tranh Đông Hồ hiện mới chỉ xong cơ sở vật chất, chứ chưa xong trưng bày. “Nói chung chỗ nào cũng ngoi ngóp cả. Dân mình chưa có thói quen đúng về việc bảo tàng. Chứ còn đi các nước, những nước nghèo nhưng nhìn nhận đúng về bảo tàng thì thường gắn với di tích nào đó đều có một bảo tàng nhất định. Nó là bảo tàng tại điểm”, bà Hòa nói.

Một tác phẩm trong bộ sưu tập giày gốm của Bảo tàng Nghệ thuật Hồn đất Việt Bát Tràng

BẢO TÀNG CUNG CẤP

Chính vì vậy, theo bà Hòa, các bảo tàng làng rất cần sự quan tâm của nhà quản lý. “Bảo tàng ở làng rất quan trọng vì giúp người ta hiểu được quá trình lịch sử của địa điểm đó. Nếu các làng nghề đều có bảo tàng thì rất tốt, kích thích được du lịch. Đặc biệt là thu hút khách du lịch nước ngoài vì tham quan bảo tàng là nhu cầu của họ”, bà Hòa nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.